Pháp luật

Tin tức

Nhiều sai phạm bị phát hiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong quá trình quản lý, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2015, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã có nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng biên chế, lao động; quản lý, sử dụng đất; quản lý vốn đầu tư xây dựng và quản lý tài chính.

Thực hiện Quyết định thanh tra số 192/QĐ-UBND ngày 26-2-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, từ ngày 1-3 đến ngày 6-4, Đoàn thanh tra của tỉnh đã tiến hành thanh tra tại Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (sau đây gọi tắt là BQL) về việc quản lý, sử dụng biên chế, lao động; kinh phí đầu tư xây dựng; công tác quản lý đất đai và các nguồn kinh phí.

 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Huy Tịnh

Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra và ý kiến giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, ngày 9-5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký bản Kết luận thanh tra số 01/KL-UBND. Theo đó, trong quá trình quản lý, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2015, BQL đã có nhiều sai phạm.

Không xử lý các doanh nghiệp vi phạm

Theo kết luận thanh tra, về công tác quản lý, sử dụng đất, BQL chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý đất đai, không có giải pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm của Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi, Công ty TNHH một thành viên Bảo Hoàng, Công ty cổ phần Thương mại Tây Gia Lai, Công ty cổ phần Hoàng Nhung, DNTN Huy Phương và một số doanh nghiệp khác.

Đây là các doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng chưa thực hiện dự án hoặc chậm triển khai dự án; sử dụng đất không đúng với quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh… Ngoài ra, BQL còn chưa thu số tiền 1.831.549.703 đồng của Công ty TNHH một thành viên Bảo Hoàng để nộp tiền giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Trà Đa (chậm 3 năm). Bên cạnh đó, theo Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 4-7-2013 của UBND tỉnh, các trường hợp trước đây ký hợp đồng thuê đất với Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh phải ký lại hợp đồng thuê đất mới với BQL. Tuy nhiên, hiện nay, tại Khu Công nghiệp Trà Đa có 9 doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục ký lại hợp đồng thuê đất với BQL, gồm: Công ty TNHH Chí Thành, Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi, Công ty cổ phần Nguyên liệu Xanh, Công ty Sản xuất thương mại A.Q, Xí nghiệp tư doanh Mai Xuân Dung, DNTN Anh Khoa, Công ty Sản xuất đá Granite Hồng, Công ty Chế biến gỗ Đức Long, Công ty TNHH Thanh Thanh Cao (chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Khoáng sản Mỹ Đức). Ngoài ra, có 6 trường hợp doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản trên đất, thi hành án nhưng BQL không có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; 3 doanh nghiệp đầu tư không đúng ngành nghề nhưng BQL chưa kiểm tra, xử lý. Với những sai phạm trên, có thể thấy, BQL đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, chưa thực hiện tốt công tác quản lý theo Luật Đầu tư, chưa thực hiện trách nhiệm thu tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

 

Trong Kết luận thanh tra số 01/KL-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra hoạt động của Công ty cổ phần Thương mại Tây Gia Lai (lô 13, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) vì kinh doanh không đúng ngành nghề theo quy hoạch, lấn chiếm đất đai. Giao Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thu hồi số tiền 1.011.775.402 đồng sai phạm của BQL nộp ngân sách nhà nước; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện kết luận thanh tra theo quy định.

Nghiệm thu khống, thanh toán không đúng quy định

Cùng với những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giai đoạn 2012-2015, BQL còn có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng biên chế lao động; quản lý vốn đầu tư xây dựng và quản lý tài chính. Cụ thể, về quản lý, sử dụng biên chế lao động, BQL chưa thực hiện đúng đề án số 71/ĐA-BQL ngày 27-3-2015 của BQL về việc xác định vị trí làm việc và cơ cấu ngạch công chức. Theo đề án này, đại diện BQL tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được biên chế 3 người với tiêu chuẩn chức danh chuyên viên. Tuy nhiên, BQL đã ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế cho một trường hợp chưa đạt tiêu chuẩn chức danh chuyên viên là ông Cao Văn Toàn. Về công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, tại hạng mục đường giao thông Khu A-Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, BQL đã không giám sát việc khảo sát khoan địa chất để lập hồ sơ thiết kế. Vì thế, dù việc khảo sát khoan địa chất không được thực hiện nhưng BQL vẫn ký biên bản nghiệm thu, kết quả dẫn đến quyết toán không đúng quy định số tiền khoan khảo sát là 152.945.000 đồng.

Ngoài ra, BQL chưa thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát đại diện chủ đầu tư về khối lượng thực tế thi công. Do đó, BQL đã làm thất thoát ngân sách nhà nước 123.299.000 đồng trong việc nghiệm thu khống 24 ống cống bê tông ly tâm; nghiệm thu không đúng khối lượng thi công lắp đặt nhưng đã thanh toán với giá trị 283.158.000 đồng. Bên cạnh đó, BQL còn thanh toán sai trong đầu tư xây dựng cơ bản số tiền 422.073.548 đồng. Trong công tác quản lý tài chính, Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh (đơn vị trực thuộc BQL) đã chi trùng số tiền công tác phí cho các cá nhân số tiền 26.541.480 đồng và chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước số tiền 3.750.374 đồng. Tổng số tiền phải thu hồi nộp ngân sách là 30.299.854 đồng. Với những sai phạm trên của BQL, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BQL tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Trưởng BQL có trách nhiệm thu hồi các khoản tiền sai phạm để nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền là 1.011.775.402 đồng…

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm