Nhiều thách thức trong công tác phòng-chống lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai được đầu tư xây dựng tại xã Trà Đa (TP. Pleiku) với quy mô 2 tầng, 70 giường bệnh điều trị nội trú và đi vào hoạt động từ tháng 9-2010 đã góp phần đưa chương trình chống lao đi vào chiều sâu. Tuy vậy công tác phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức ở phía trước.

Theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai thì khó khăn hiện nay trong công tác phòng-chống lao chính là không có kinh phí cho hoạt động chỉ đạo tuyến của Bệnh viện do UBND tỉnh giao kinh phí theo giường bệnh.

 

Chăm sóc bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai. Ảnh: N.N

Chính vì vậy, hoạt động của chương trình chống lao trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ bác sĩ, trang-thiết bị phục vụ khám-chữa bệnh tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của chuyên khoa, phát triển kỹ thuật cao nhằm đảm nhiệm chức năng bệnh viện chuyên khoa bệnh phổi và lao trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới chỉ đạt 76,79% (theo quy định của chương trình chống lao quốc gia là 85%); hoạt động giám sát từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và từ huyện đến xã chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của chương trình ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng-chống lao trên địa bàn.

Ngoài ra, tỷ lệ người nghi lao đi làm xét nghiệm đờm còn thấp. Công tác báo cáo tuyến huyện gửi về tuyến tỉnh còn chậm. Mặt khác, cán bộ làm công tác phòng-chống lao tuyến huyện, xã thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng nhiều đến chương trình; sự phối hợp giữa chương trình HIV và chương trình lao trong việc tầm soát HIV cho bệnh nhân lao và ngược lại đạt hiệu quả chưa cao.  

Hiện nay, bệnh lao lại đang ngày càng trở thành gánh nặng cho xã hội khi số người mắc bệnh lao không ngừng tăng những năm gần đây. Tại Gia Lai, trung bình mỗi năm phát hiện trên 600 bệnh nhân lao mới, 1/3 trong số này đến khám ở vào giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp khó khăn vì phổi đã bị tổn thương nhiều, chức năng hô hấp bị suy giảm. Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị tại tỉnh chỉ vào khoảng 3% nên tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc tại Gia Lai không đáng kể.

Riêng năm 2012, số bệnh nhân lao các thể phát hiện trên địa bàn tỉnh là 690 bệnh nhân, trong đó có 351 bệnh nhân lao AFB (+) mới chiếm tỷ lệ 50,86% nâng tổng số bệnh nhân quản lý điều trị năm 2012 lên 831 bệnh nhân, tăng 75 bệnh nhân so với năm 2011; tỷ lệ phát hiện lao các thể trên 100.000 dân năm 2012 là 53,07/100.000; tỷ lệ phát hiện lao phổi AFB (+) mới trên 100.000 dân năm 2012 là 27/100.000 dân.

Do khó khăn nên trong năm 2012, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai chỉ mới triển khai một đợt truyền thông trực tiếp và khám phát hiện bệnh lao cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Pưh với 10 ngàn người được tầm soát, 110 người được xét nghiệm đờm. Bên cạnh đó, chi đoàn Bệnh viện đã triển khai khám tầm soát bệnh lao cho xã Đak Trôi, huyện Mang Yang với số người được tầm soát là 500 người. Hoạt động khám phát hiện bệnh lao tại cộng đồng không được triển khai theo kế hoạch do không có kinh phí cho hoạt động này.

Năm 2013, công tác phòng-chống lao tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành địa phương và sự chung tay của cả cộng đồng.

Bác sĩ Mai Minh Hiền- Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cho biết: Năm 2013, Bệnh viện tiếp tục duy trì thực hiện các quy chế chuyên môn do Bộ Y tế ban hành nhằm hạn chế sai sót trong công tác khám-chữa bệnh; tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn của các bệnh viện Trung ương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến cơ sở nhằm nâng cao tỷ lệ thu dung bệnh nhân và tỷ lệ điều trị khỏi lô bệnh nhân AFB(+) mới đạt >85%; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn để từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân với mục tiêu “Tất cả vì sự hài lòng người bệnh”...

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm