Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ mạ nơi khói bếp chiều xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối tháng chín, đường về quê mạ giăng mắc những cơn mưa giao mùa. Trong gian bếp chiều trôi, em gái tôi ngồi nấu cơm tối. Nhìn cái dáng em ngồi thổi lửa, mùi khói bếp rơm rạ xộc vào mũi, lòng bâng khuâng và khóe mắt cay xè. 
Dòng Ô Lâu.
Nỗi nhớ về những tháng ngày cơ cực bên mạ, bên các anh chị trong ngôi nhà tranh tre nứa lá nơi làng quê nghèo miền Trung nắng gió... để rồi tôi thèm quay quắt những món ăn dân dã mạ xào, mạ kho thuở tóc còn để chỏm.
Làng Trạch Phổ quê tôi nằm bên con sông Ô Lâu - bên kia là Quảng Trị, bên này là Thừa Thiên. Những ngày đói cơm, rách áo hằn sâu vào nỗi nhớ dù năm tháng đã đi qua.
Còn nhớ, ngày đó mỗi lần mạ đi chợ chiều, anh em chúng tôi ra con đê đầu làng ngóng. Những đứa trẻ có chị hay có mạ đi chợ đều kéo nhau đứng chờ. Nhận ra dáng mạ từ xa là đứa nào đứa nấy hét lên sung sướng. A, mạ tau về; a, chị tau về. Vui, mừng, trông ngóng vì được mạ cho hàng, dù là cái kẹo cau hay vài lát bánh đúc. Lại nữa, chiều nào trong nhà có người đi chợ là bữa cơm tối đó kha khá hơn về thức ăn. Thương đàn con, mạ muốn mua thật nhiều thứ để nấu nướng nhưng tiền không có. Gánh oằn trên vai đôi quang gánh nào rau, nào sắn mà bán được bao đồng nên phải chia ra mua mỗi thứ một ít. Tôi nhớ mỗi lần đi chợ, mạ mua một cục thịt mỡ lợn để kho nước ruốc làm thức ăn chính. Cục thịt mỡ mua về không dám thái nhỏ, để nguyên như vậy thả vào nồi nước ruốc để kho cho nhiều lần. Còn nếu thái mỏng từng lát thì chỉ kho được một lần. Trên mâm cơm độc nhất một tô nước ruốc có cục mỡ, vậy mà cả nhà vẫn ăn rất ngon lành.
Chiều nay, nghe trong làn gió mùi dưa môn mẹ nấu năm xưa từ bàn tay nội trợ của cô em gái. Ừ thì, không đến chợ được, mạ phải tự tay chế biến các món ăn. Cây môn trồng sau ao đem vào tước vỏ, chẻ nhỏ dầm vào muối làm dưa, hai ba ngày vắt nước để kho với ruốc (nếu có mỡ thì xào với mỡ). Rồi thì mạ ra đồng tìm hái rau má về nấu canh. Có khi anh em tôi tan học chạy ra con mương cạnh bờ ruộng để tát nước, bắt cá về hái khế trong vườn cho mạ nấu canh. Tôi nhớ và thèm lắm tô canh khế nấu với cá zét đồng mạ nấu. Nó vừa có vị chua, vừa ngọt thanh tao. Nói không ngoa, xa quê lâu năm, được đi đây đi đó, được ăn nhiều món đắt tiền... vậy mà vẫn cứ thèm, cứ nhớ mùi vị các món ăn từ bàn tay mạ.
Nhớ một đêm tháng chạp mưa rả rích trên mái tranh, mạ ngồi trong chái bếp nấu bánh đúc. Chao ôi, những cái miệng háu ăn của anh em tôi ngồi quanh bếp lửa chực chờ bánh chín. Tay mạ thoăn thoắt cắt từng lát bánh, rồi chế biến nước lèo, rồi rau sống... Cả một mâm bánh đúc đầy chỉ trong thoáng chốc đã hết sạch. Nhìn đàn con ăn, mạ vui lắm. Mỗi lần ăn món gì, mạ cũng là người ăn sau cùng. Giục mạ ăn đi, bao giờ mạ cũng trả lời “từ từ mạ ăn sau, lo chi”. Nhớ những bữa ăn mà sắn nhiều hơn cơm vẫn cứ nhai ngon lành. Một cái bàn dài, hai cái ghế dài đặt hai bên mà vẫn thiếu chỗ. Mạ ngồi gần nồi cơm hấp sắn, cứ đón bát từng đứa mà bới. Có những bữa, ngồi đơm cơm cho đàn con, đến lượt mạ, chỉ còn miếng cháy.
Chiều nay về thăm quê, lòng lại the thắt khi đi ngang qua gian bếp xưa mạ nấu. Cô em gái vẫn đều đặn sớm hôm nấu cơm, nấu nước, nấu cám lợn nơi chái bếp nhà xưa. Nhìn dáng em gom từng chiếc lá vàng nơi góc vườn quê mát rượi mà mường tượng bóng dáng mạ năm nào. Khói bếp tỏa ra mùi rơm rạ, mùi lá cây, vỏ mía. Tôi gọi đó là mùi của tháng năm yêu thương không dễ xa vời.
Mùa nắng, nhớ dáng mẹ gầy trong hoàng hôn từ đồng ruộng trở về. Con khóc, heo kêu... Đặt đôi quang gánh xuống sân, mạ vào bếp nấu ăn, rồi nhắc đứa lớn tắm rửa cho mấy đứa nhỏ. Bàn tay mạ thoăn thoắt. Chân vừa đi vừa chạy. Rồi bóng tối phủ đầy, đèn dầu thắp lên, cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc...
Rong ruổi tháng ngày dài, đời người miên miết đi tìm chốn phố xá đèn hoa kiêu sa... để rồi một ngày ta lại buồn hoang hoải khi đôi chân chưa tìm về được chốn quê xưa bao kỷ niệm. Thèm lắm được hít hà mùi nồi nước ruốc, thèm lắm mùi dưa môn mạ nấu. Thèm mùi rơm rạ xốc vào hoài niệm mà chưng cất thành nỗi nhớ se sắt ruột gan.
Mạ đã đi xa. Chiều nay tôi trở về ngôi nhà ba gian và thèm đứng yên nơi chái bếp. Lửa cháy ấm trong tôi. Lửa từ góc bếp hiên nhà hay lửa từ lòng mạ. Tôi nhận ra, đây chính là nơi yên bình, an nhiên nhất của mỗi người. 
Trần Văn Toản (TNO)

Có thể bạn quan tâm