(GLO)- Khuôn mặt còn “búng ra sữa” của Kpuih Pưh, ở làng Dơ Mút, xã Ia Bang, huyện Chư Prông cứ đỏ lựng lên khi nghe tôi hỏi về chuyện em mới “bắt chồng” tháng trước. Chồng em-Kpuih Tiên với mái tóc dài nhuộm vàng loang lổ, 16 tuổi (hơn vợ 1 tuổi) ngồi bên cũng thẹn thùng không kém. Chuyện cả hai, một đang học lớp 6, một đang học lớp 5, mới bỏ học hồi tháng 3 vừa rồi để đám cưới đều khiến chúng nhận thức được rằng: Đấy là một việc làm trái pháp luật.
Trong suốt cuộc trò chuyện với khách, cả hai đều cố giấu đi khuôn mặt của mình. Chỉ khi được hỏi về thành tích học tập, Kpuih Pưh mới phấn chấn hẳn lên, chạy nhanh vào buồng lấy ra những tấm giấy khen của Trường Tiểu học Phan Bội Châu khoe với khách. Thì ra trong các năm học, Kpuih Pưh đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi.
Vợ chồng Kpuih Pưh. Ảnh: Ngọc Hà |
Tục bắt chồng, lấy vợ ở tuổi vị thành niên tại xã Ia Bang này không hiếm. “Từ khi thành lập xã (năm 2008) đến nay, có 197 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn; 80% trong số đó đều không thực hiện đăng ký kết hôn trước khi tổ chức cưới; chỉ đến khi đã có vài đứa con, cần phải có giấy khai sinh để làm thẻ khám-chữa bệnh miễn phí cho lũ trẻ, họ mới lên UBND xã đăng ký kết hôn. Tính ngược lại mốc thời gian, tức là tại thời điểm họ đăng ký kết hôn so với ngày tổ chức đám cưới theo phong tục, không ít cặp vợ chồng lấy nhau ở tuổi vị thành niên”-anh Lê Văn Khính-cán bộ Tư pháp xã Ia Băng cho biết.
Lần giở cuốn sổ đăng ký kết hôn của xã Ia Bang, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi tận mắt chứng kiến không ít những dấu điểm chỉ của cả vợ và chồng. Làng Dơ Mút có 79 em học sinh các cấp nhưng có tới 34 em đã bỏ học. Kpuih Pưh cho chúng tôi biết: Ở lớp, không chỉ có mình em bỏ học “bắt chồng” mà còn một vài bạn nữa cũng bỏ học và vừa “bắt chồng” như em. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân trí thấp, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật là điều không thể tránh khỏi.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Prông, trên địa bàn huyện có 197 trường hợp tảo hôn, riêng tại làng Dơ Mút có 24 trường hợp. Trong vòng 10 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra 1.118 trường hợp tảo hôn. Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi đã phá vỡ tính trật tự trong quản lý xã hội, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững, không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội học hành của trẻ em mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe sinh sản, tính mạng, chất lượng sống và trình độ phát triển dân trí.
Ngọc Hà
Điều 6-Nghị định 87 ngày 21-11-2001 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình) quy định: Hành vi “tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội tổ chức tảo hôn theo Điều 148 Bộ luật Hình sự với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. |