Những cái tên “vượt thời gian”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là những người mà cái tên đã gắn liền với một thời kỳ lịch sử: Kháng chiến chống Mỹ. Tên của anh chị em trong gia đình họ đã kết thành niềm mong mỏi lớn lao của từng gia đình cũng như của cả đất nước. Đó là mơ ước chiến thắng, hòa bình.

“Thắng Mỹ!”- đó là niềm vui vỡ òa trong lòng vợ chồng ông Trần Minh Cúc và bà Trần Thị Lệ Thu khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc sau hơn 21 năm ròng rã với biết bao hy sinh, gian khổ. 4 năm sau ngày giải phóng, 2 người con của họ lần lượt ra đời; con trai đầu được đặt tên là Thắng, con gái mang tên Mỹ.

Niềm mong mỏi hòa bình

Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Lý Tự Trọng (phường Tây Sơn, TP. Pleiku), bà Trần Thị Lệ Thu-một cựu chiến binh bước ra từ cuộc kháng chiến trường kỳ, sẵn lòng chia sẻ với chúng tôi về một thời kỳ được xem là khốc liệt nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Từ năm 1956 bà đã là cán bộ hoạt động bí mật tại quê nhà là xã Phổ Cường, Quảng Ngãi; năm 1963 bà chuyển về Ban Dân y huyện Đức Phổ, 6 năm sau đó thì chuyển về Ban Dân y Gia Lai và gắn  bó luôn với mảnh đất Tây Nguyên từ đó đến giờ. Đặc biệt, chính trong thời gian công tác tại Ban Dân y huyện Đức Phổ, bà và bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở thành chị em kết nghĩa.

Bà Lệ Thu (giữa) cùng hai con Thắng-Mỹ và cháu nội. Ảnh: P.D

Trong ký ức của bà dường như cuộc chiến vẫn chưa xa: Những khi đạn bắn sát sạt sau gót chân, những lần trực diện với lính Mỹ và bị điểm mặt là Vi-xi (VC-Việt Cộng), hàng loạt cái chết tức tưởi của dân thường hay thương binh… Năm 1970, khi hay tin người em gái kết nghĩa Đặng Thùy Trâm cũng hy sinh trong một trận càn của địch, nỗi uất nghẹn đã trở thành mối thù. “Phải thắng Mỹ!”-quyết tâm ấy từ đó đã dấy lên mạnh mẽ trong lòng bà. Vì thế, sau ngày hòa bình ít lâu, 2 người con của bà khi ra đời đã mang theo niềm hân hoan chiến thắng của cha mẹ trong cái tên Thắng và Mỹ.

Rất nhiều gia đình cũng đã gửi gắm mong ước hòa bình vào việc đặt tên con cái nên thường quyết định… đặt tên hàng loạt rồi mới sinh con. Cô Trương Thị Thắng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), 54 tuổi, vui vẻ cho hay, theo ý của cha là ông Trương Đình Uynh, tên của 7 anh chị em cô kết thành một “biểu ngữ”: Chiến-Thắng-Oanh-Nghiêm-Liên-Khu-Bảy. Thực ra Liên khu 7 không có trong bản đồ hành chính-quân sự Việt Nam thời kỳ này, nhưng theo cô Thắng, có lẽ ông cụ đặt tên Bảy là vì muốn tránh trùng tên với ông bà cụ kỵ.

Từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi là bộ đội khi là dân công hỏa tuyến tiếp viện lương thực, khí tài cho miền Nam, ông là người hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt, đau thương của hai cuộc chiến dài hơn nửa đời người. Nhất là khi vợ con ông chỉ ở cách cầu Hàm Rồng-vị trí giao thông đặc biệt quan trọng và cũng là nơi bị không lực địch liên tục đánh phá-có vài cây số. Vậy nên, khi bom đạn vẫn rơi như vãi trấu trên đầu thì ông đã mơ về ngày chiến thắng. “Ông thường nói, chết thì xanh cỏ, sống thì đỏ ngực, suốt đời ông sẽ luôn phục vụ đất nước”-cô Thắng nói về người cha nay đã khuất núi.

Tương tự, có cha là bộ đội từng vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tên của chị em bà Nguyễn Thị Kháng, 60 tuổi (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cũng đau đáu nỗi mong đợi vào tương lai: Kháng-Chiến-Thắng-Lợi-Thành-Công. Người con thứ 7 ra đời thì được cha bà đặt tên Bằng, theo ý nối với với tên người anh trai kế thành ra từ Công-Bằng. Bà Kháng cho hay, cha bà là ông Nguyễn Văn Bân, quê xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình), xã cuối cùng của đường 9 để đi vào chiến trường và cũng là xã anh hùng.

Chiến tranh ở khúc ruột miền Trung này ác liệt đến nỗi có lúc nhà bà bị cháy đến 2 lần trong 2 năm liên tiếp. Thế nên, niềm tin vào tương lai chính là liều thuốc bổ cho tinh thần con người lúc bấy giờ. “Thật ra lúc nhỏ mẹ đặt tên tôi tên Lê, nhưng sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp trở về, bố tôi quyết đổi lại tên cho con cái”-bà Kháng không khỏi mỉm cười nhớ lại.

“Hòa bình là ước mơ không chỉ của gia đình mình mà của cả đất nước thời kỳ đó”-anh Nguyễn Yên Nam (phường Hội Thương, TP. Pleiku) trò chuyện với chúng tôi. Những người từng tham gia cách mạng trên chính vùng đất Gia Lai hầu như đều biết cha anh, ông Nguyễn Châu, quê xã An Thượng, thị xã An Khê, người từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Huân chương Chiến thắng. Thời kỳ chống Pháp, ông hoạt động ở vùng An Khê, từ năm 1954-1975 tập kết ra Bắc.

Ba trong số 4 người con của ông và bà Nguyễn Thị Na, công nhân quốc phòng (quê Bắc Ninh) được sinh ra trên đất Bắc. Đau đáu với một nửa đất nước còn chìm trong khói lửa, ông dự định đặt tên con lần lượt là Bắc-Trung-Nam-Hòa-Bình (riêng chị Bắc có tên khác là Nga), “nhưng có lẽ vì không sinh tiếp nên chỉ tới Hòa là hết, còn thiếu Bình”-anh Nam dí dỏm nói.

Tự hào những cái tên

Mang những cái tên rất đặc biệt và ý nghĩa kể trên, tất cả những người chúng tôi đã gặp đều khẳng định họ rất tự hào và hãnh diện với cái tên này. “Tên cha mẹ đặt bình thường đã quý, tên Mỹ còn quý hơn”-chị Trần Thị Xuân Mỹ bày tỏ, mặc dù khi còn nhỏ chị từng nài nỉ xin mẹ… đổi tên vì bị bạn bè chọc ghẹo. Anh Trần Minh Thắng cũng chân thành trải lòng: “Từ khi hiểu biết về cuộc kháng chiến trường kỳ của thế hệ đi trước, tôi rất tự hào khi 2 anh em mang tên Thắng-Mỹ, nhất là khi trong kháng chiến giành độc lập của đất nước có sự hy sinh của gia đình mình. Tôi rất trân trọng cái tên ba mẹ đặt cho và tự nhủ sẽ luôn cố gắng thể hiện trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Nam-Bắc-Thái-Bình-Yên-Tâm-Công-Tác. Lẽ ra những người con của cô Trương Thị Thắng sẽ mang những cái tên như thế, tiếp nối ý nguyện sau ngày hòa bình của ông ngoại. “Nhưng thời bao cấp khổ lắm, đẻ 8 đứa thì lấy gì nuôi? Nên mình không đẻ nhiều như thế, thành ra cũng không đặt được tên theo ý ông”-cô Thắng chia sẻ. Trước đó, được sự khuyến khích của người cha luôn tâm nguyện vì nước, cô gái trẻ Trương Thị Thắng rời quê ở Hậu Lộc-Thanh Hóa vào Gia Lai, nơi lúc bấy giờ nổi tiếng là rừng thiêng nước độc và trở thành một trong những giáo viên đầu tiên đi gieo chữ ở vùng biên giới (huyện Chư Pah, nay là Ia Grai).

Từng đi B năm 1972, kinh qua các vị trí công tác ở Ban Dân y khu 5, Bệnh viện 1-Khu ủy Khu 5, Bệnh viện C-Đà Nẵng, chỉ sau giải phóng 1 năm bà Nguyễn Thị Kháng đã có mặt ở Gia Lai và tiếp tục công tác trong ngành Y tế. 4 người em kế bà cũng lần lượt chọn Gia Lai làm nơi lập nghiệp. Trong 7 anh chị em của gia đình thì có đến 5 người đi bộ đội; hòa bình, cả 5 đều chọn Gia Lai là quê hương thứ 2. “Nay người đã nghỉ hưu, người nghỉ mất sức, người làm trong ngành y, người công tác ở trường học… nhưng tôi vẫn vui vì gia đình mình đã cống hiến rất nhiều cho đất nước trong kháng chiến cũng như trong thời bình”-bà Kháng nhẹ nhàng chia sẻ.

Tương tự, anh Trần Yên Nam-người có cái tên với hàm ý là niềm mong đợi về một ngày miền Nam yên bình-suốt 15 năm nay cũng là một trong hàng ngàn công nhân đang ngày đêm khơi dòng điện sáng từ thủy điện Ia Ly.

Gặp họ, tôi không khỏi liên tưởng đến sự gắn kết giữa những cái tên của mong ước một thời và những bàn tay dựng xây hiện tại. Rồi đây những cái tên cũng sẽ trở thành quá khứ, nhưng là quá khứ đáng tự hào. Quá khứ ấy soi sáng cho tất cả những ngày tới của tương lai…

Phương Duyên
 

Có thể bạn quan tâm