(GLO)- Với phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ và thời gian quy định”, huyện Chư Sê đã hoàn thành sửa chữa, xây mới 105 căn nhà cho người có công trên địa bàn. Mỗi căn nhà được xây mới hay sửa chữa đều đem đến rất nhiều niềm vui cho gia đình người có công và cũng thể hiện lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đến những người đã có đóng góp lớn lao cho quê hương, đất nước.
Những năm qua, công tác chăm lo cho người có công luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên của Đảng, Nhà nước và cả sự chung tay góp sức của cộng đồng. Với mong muốn thực hiện chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” mang ý nghĩa thiết thực, bám sát nhu cầu của cá nhân, gia đình người có công, huyện Chư Sê đã triển khai việc xây mới, sửa chữa nhà ở từ nguồn ngân sách hỗ trợ và vận động thêm các cá nhân, tập thể hảo tâm.
Những căn nhà vừa được sửa chữa, xây mới thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với gia đình chính sách. Ảnh: T.D |
“Đạt được kết quả trên là nhờ huyện Chư Sê đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc triển khai, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ. Huyện cũng công khai, minh bạch để việc hỗ trợ đến tận tay hộ có công. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai quyết liệt việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ”-bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê, cho biết. Theo đó, nhà ở sau khi được hỗ trợ xây mới và sửa chữa phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chí “3 cứng”: nền cứng, khung cứng và mái cứng.
Trong quá trình triển khai công tác xây dựng nhà ở cho người có công, UBND huyện thường xuyên xuống tận nơi để theo dõi, kiểm tra và phân công cụ thể công tác phụ trách giúp đỡ các hộ; kịp thời phát hiện những hạng mục chưa hợp lý để điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong huyện chú trọng việc vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở, tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ để giảm giá thành xây dựng và tăng giá trị căn nhà. Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã tích cực ủng hộ việc sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng với mức hỗ trợ từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/hộ.
Đến nay, huyện đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa 105 căn nhà cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở. Trong đó, có 53 hộ thuộc diện xây mới nhà ở với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí của tỉnh và 52 hộ thuộc diện sửa chữa với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí xã hội hóa do huyện vận động. Tổng kinh phí thực hiện xây mới và sửa chữa nhà ở là trên 4,3 tỷ đồng. |
Từ chủ trương sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công đã có rất nhiều căn nhà kiên cố, vững chãi được xây dựng, đem đến niềm vui cho cá nhân, gia đình người có công. Trước đây, không ít cá nhân, người có công trên địa bàn huyện phải sống trong những căn nhà dột nát, thiếu an toàn. Chính vì thế, việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ này là một chủ trương hợp lòng dân. Nhận căn nhà mới xây hay vừa được sửa chữa khang trang, nhiều người đã vô cùng xúc động. Bởi với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thì có được căn nhà kiên cố là cả một giấc mơ. Bà Siu Phok (làng Glan, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) là một trong 105 trường hợp người có công của huyện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Là một thương binh, sống neo đơn, cuộc sống của bà Phok khá khó khăn. Nay nhận được sự quan tâm từ cộng đồng, bà không giấu được niềm vui: “Phải sống trong căn nhà lụp xụp khi tuổi đã già, chân tay nhức mỏi, mắt thì mờ nên mình rất lo khi trời mưa gió. Giờ có nhà đẹp thì không lo nữa”.
Những ngôi nhà thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với gia đình chính sách đã được hoàn tất trong niềm vui của hết thảy mọi người. Mỗi căn nhà là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương và là tình cảm, trách nhiệm của người dân với công lao to lớn của các gia đình có công với cách mạng, giúp họ an cư, lạc nghiệp.
Trần Dung