(GLO)- Toàn tỉnh hiện có trên 10 ngàn km đường giao thông; trong đó đường giao thông nông thôn chiếm khoảng 5.600 km, phần lớn là đường đất gây khó khăn trong việc giao thương đi lại, nhất là trong mùa mưa bão.
Trong nhiều năm qua, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phải sống chung với những con đường lầy lội mỗi khi mùa mưa bão về không những gây rất nhiều cản trở lưu thông mà còn ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa của người dân.
Sự vất vả của người dân xã Ia Mơr trên con đường lầy lội này. Ảnh: Q.T |
Điển hình, từ nhiều năm nay, người dân ở làng Chư Pố 1, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh luôn phải sống chung với những con đường mưa lầy, nắng bụi, bởi hầu như các con đường trong làng chủ yếu là đường đất. Vào mùa mưa bão, hầu hết các con đường giao thông của Chư Pố 1 đều trong tình trạng lầy lội, gây cho người dân nhiều vất vả trong việc đi lại, vận chuyển nông sản.
Ông Rah Lan Thúc-làng Chư Pố 1, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: mùa nắng mặc dù bụi nhưng còn đi lại dễ dàng, còn vào mùa mưa thì khó khăn lắm, nhất là thời gian thu hoạch bắp, bí đỏ thì các con đường càng bị tàn phá nặng hơn bởi các loại máy cày, công nông, làm cho đường càng trở nên sình lầy và trơn trượt. Tương tự, còn rất nhiều con đường giao thông nông thôn trên địa bàn các thôn, làng của huyện Chư Pưh cũng phải đối mặt với sự gian nan, vất vả mỗi khi vào mùa mưa bão.
Đặc biệt, nhiều năm nay 2 con đường đi vào 2 xã vùng biên giới của huyện Chư Prông là xã Ia Mơr, Ia Lâu luôn bị chia cắt với bên ngoài khi mùa mưa bão về bởi khoảng cách hơn 10 km đường đất của 2 con đường đi vào 2 xã đầy những vũng sình lầy lội. Không những vấn đề đi lại gặp nhiều khó khăn, mà chuyện vận chuyển, trao đổi, giao thương hàng hóa nông sản của người dân cũng bị ảnh hưởng không kém.
Nông sản người dân làm ra bị ép giá, bán không được; giá bán hàng hóa, các mặt hàng nhu yếu phẩm tại xã thì đội lên cao với lý do điều kiện địa hình đi lại cách trở nên chi phí vận chuyển tăng cao. Anh Siu Minh-làng Hnáp, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: vào mùa mưa con đường nối trung tâm xã với bên ngoài trở nên lầy lội gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, đặc biệt mỗi khi có người đau hay bị tai nạn phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương, dẫn đến tình trạng đói nghèo có nguy cơ gia tăng.
Ngoài ra, vào mùa mưa những con đường nội đồng cũng gây rất nhiều vất vả cho người dân trong việc thu hoạch, vận chuyển nông sản, làm cho chi phí vận chuyển tăng rất cao. Bà Nguyễn Thị Huệ- thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết: mặc dù gia đình chỉ gieo trồng khoảng 5 sào bắp, thu hoạch được hơn 40 bao nhưng do thời tiết mưa nhiều nên việc vận chuyển bắp về gặp rất nhiều khó khăn bởi sự lầy lội của con đường.
Vẫn còn rất nhiều những con đường giao thông nông thôn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh tương tự mỗi khi mùa mưa bão về, người dân đang cần sự quan tâm của chính quyền các cấp để không còn những con đường sình lầy, trơn trượt.
Quang Tấn