(GLO)- Pleiku của tôi phố thênh thang và những con hẻm cũng vô cùng. Với tôi, hẻm cũng như ngõ ngách tâm hồn của phố. Bước vào hẻm sẽ tìm thấy sự bình yên, bắt được nhịp sống chậm rãi, thư thả. Bước vào hẻm là như thể đã lạc vào một thế giới nào đó rất riêng tư và lắng đọng.
Ảnh nguồn internet |
Những con hẻm ở Pleiku luôn nhấp nhô, hết lên cao rồi xuống thấp. Địa hình đồi núi của cao nguyên đã ban tặng cho những con hẻm xứ này một diện mạo đặc trưng và quyến rũ. Giống như đường làng quanh co, hẻm cũng có những ngõ ngách rộng hẹp. Có con hẻm rộng đủ cho xe bốn bánh có thể vào nhưng có những con hẻm nhỏ, dốc thoai thoải như các hẻm dọc theo tuyến đường Hùng Vương đoạn từ ngã ba Diệp Kính đến ngã ba Phù Đổng (giờ chắc đã là ngã năm, ngã sáu). Nhiều con hẻm ngoằn ngoèo như mê cung. Rồi từ con hẻm này có thể đi xuyên sang con hẻm khác và hẻm khác nữa. Dọc theo tuyến đường Hùng Vương còn có hẻm Gà Cồ mà nếu nhắc tới thì hầu như không ai không biết. Hồi đó, để thông báo địa điểm cửa hàng của mình, ông chủ đã đẽo một con Gà Cồ thật to bằng gỗ và cắm ở trước nhà để mọi người dễ tìm thấy. Cái tên Gà Cồ từ đó trở nên thân thuộc và còn mãi đến giờ, dù chú gà trống chẳng còn đứng ở đó nữa. Hẻm bây giờ nhiều cư dân trẻ, nhưng cái tên Gà Cồ vẫn còn gắn bó và đi qua những năm tháng đời người.
Những con hẻm đáng nhớ khác là hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh. Đầu hẻm thường có quán bún riêu, bánh canh, cà phê quán cóc kê vài chiếc ghế nhựa… Phụ huynh đưa con đi học, đi làm hay ghé ăn sáng rồi cà kê vỉa hè. Dù vội đến đâu họ cũng dành thời gian hỏi han nhau, trò chuyện. Bàn tán, trao đổi sôi nổi là vậy nhưng ít phút sau đó ai nấy lại vội vã đến công sở hay lao vào cuộc mưu sinh. Ban ngày, thỉnh thoảng có vài gánh hàng rong, tiếng rao len lỏi từ đầu đến cuối hẻm. Chiều tối, hẻm lại tấp nập người về. Tiếng xe máy, tiếng trẻ con í ới, tiếng bếp núc quen thuộc… Hẻm như một tổ ong khổng lồ mà mỗi nhà là một ngăn nhỏ, gắn bó với nhau, ấm áp tình người…
Hẻm đông vui, tấp nập nhất phải kể đến hẻm đường Phùng Hưng (chợ Nhỏ). Không chỉ ồn ào vào buổi sáng, hẻm lúc nào cũng đông đúc vào ban chiều bởi hẻm chợ nổi tiếng này tập trung bán những món ăn bình dân ngon, rẻ như bún cua, bún bò, chè... Rồi tự tấm tắc, thắc mắc rằng: Giữa chốn phồn hoa thế mà vẫn còn hàng quán với giá rẻ như thế sao?
Còn có con một hẻm sát Trường THPT Lê Lợi (đường Lê Lợi). Những năm trước, đây được gọi là hẻm Thanh Tùng vì đặt tên theo hiệu thuốc Thanh Tùng nổi tiếng về nghề thuốc võ gia truyền. Sau này, hẻm gắn bó với những thế hệ 8X, 9X đời đầu vì có quán bánh bèo chén rất ngon và rẻ. Chiếc bánh bèo nhỏ xíu trong cái chén sành cũng nhỏ xíu dậy lên mùi dẻo thơm của bột gạo, vị ngọt của tôm, béo ngậy hạt đậu phộng, sóng sánh của mỡ và mùi hăng hắc của lá hẹ cùng với muỗng nước mắm cay xè làm những đứa học trò ngày ấy đều xuýt xoa khi thưởng thức. Cái chén bánh bèo của bà chủ “thần thánh” đến nỗi giờ tìm lại cái vị ngày xưa ấy sao khó biết bao!
Khi phố lên đèn, hẻm thu mình lại trước thế giới bao la rộng lớn bên ngoài. Những tối cúp điện, các ngôi nhà trong hẻm mở toang cửa sổ, có nhà bắc ghế ra nhìn trăng, rồi kể chuyện ngày xưa thế hệ ông bà đã đến vùng đất này sinh sống, xây dựng thành phố ra sao. Cứ thế, những đứa trẻ lớn dần lên, đi xa và tìm đến những con đường lớn, rộng thênh thang với những đại lộ và biển hiệu sáng chói. Có khi nào chúng nhớ đến ngày xưa xa, ngày mưa nắng trong con hẻm nhỏ?
Nguyễn Thị Diễm