Nhắc đến cây ổi, người ta thường chỉ nghĩ đến công dụng chữa tiêu chảy của lá ổi, nhưng nhiều phần khác của cây ổi cũng có những công dụng chữa bệnh bất ngờ.
hác với các dạng dược liệu khác, lá ổi vừa có thể dùng dưới dạng chiết xuất hoạt chất, vừa có thể dùng trực tiếp. Trong nghiên cứu của Viện Dược liệu và Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã sàng lọc 136 loại dược liệu về khả năng ức chế men pepsin.
Kết quả cho thấy lá ổi là một trong 5 dược liệu có khả năng ức chế mạnh hoạt tính của pepsin. Nghiên cứu thành phần hóa học cho thấy trong lá ổi có chứa tinh dầu, tanin, đặc biệt là acid ursolic (ức chế protease của HIV-1). Cao lá ổi có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như tụ cầu vàng và Escherichia coli, Salmonella và Shigella, Bacilus subtilis… Lá ổi vừa có tác dụng ức chế vi rút HIV, vừa có tác dụng cầm tiêu chảy - một trong những hội chứng thường gặp của bệnh nhân HIV. Trong đông y, lá ổi có tác dụng thu liễm chỉ tả, tiêu viêm chỉ huyết.
Một vài đơn thuốc có lá ổi
Bài 1: Trị tiêu chảy ở bệnh nhân nhiễm HIV
- Lá ổi vừa non, vừa già dùng 1 nắm độ 50 gr, đem sắc với hai chén nước, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15 - 30 phút, sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ, có thể thêm đường.
- Lá ổi 50 gr, vỏ quả măng cụt khô 10 gr, đem sắc với hai chén nước, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15 - 30 phút, sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ. Vỏ quả măng cụt cũng có tác dụng cầm tiêu chảy và ức chế HIV.
- Búp ổi 12 gr, vỏ thân cây ổi 10 gr, lá ổi 50 gr, tô mộc 8 gr, gừng tươi 2 lát, sắc uống ngày một thang.
- Búp ổi (sao qua 20 gr), lá ổi 50 gr, lá khổ sâm 12 gr, gừng tươi 2 lát, sắc uống ngày một thang.
- Búp ổi (sao qua 20 gr), lá ổi 50 gr, vỏ quýt khô 4 gr, gừng nướng chín 10 gr, sắc uống ngày một thang.
- Búp ổi (sao qua 20 gr), lá ổi 50 gr, củ riềng nếp 8 gr, củ sả 16 gr, sắc uống ngày một thang.
- Búp ổi (sao qua 20 gr), lá ổi 50 gr, lá trà tươi 20 gr, gừng tươi 2 lát sắc uống ngày một thang.
- Búp ổi (sao qua 20 gr), lá ổi 50 gr, vỏ rộp ổi 20 gr, đọt cây sapoche (cây hồng xiêm, cây lồng mứt) 20 gr, sao vàng hạ thổ, sắc đặc uống ngày một thang.
- Búp ổi (sao qua 20 gr), lá ổi 50 gr, vỏ trái thốt nốt 10 gr, sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Nước súc miệng từ lá ổi
Lá ổi vừa non, vừa già dùng 1 nắm độ 50 gr, đem sắc với hai chén nước, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15 - 30 phút, sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước dùng để súc miệng, trị đau răng, nhọt ở lợi và viêm lợi.
Hữu ích cho bệnh nhân đái tháo đường
Người bình thường ăn quả ổi xanh sẽ bị táo bón, nhưng sẽ hữu ích cho người bị tiêu chảy bằng cách nhai quả xanh nuốt nước nhả bã. Quả xanh giải độc các chất gây tiêu chảy. Quả ổi chín vỏ màu vàng chứa nhiều pectin nên có tác dụng nhuận tràng. Dịch ép quả ổi có tác dụng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc vào insulin.
Mỗi năm có vài trăm ngàn tấn quả ổi được đưa ra thị trường thế giới. Nếu áp dụng quy trình trồng trọt sạch, quả ổi VN không chỉ có cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính mà còn có thể tận dụng nguồn lá để cung cấp cho công nghiệp dược, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân.
Tô Hoàng Thái/thanhnien