Pháp luật

Tin tức

Những điều không bình thường trong việc giải quyết vụ kiện dân sự tại Tòa án TP. Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đôi bên vay nợ tiền tỷ của nhau, vì không có tài sản thế chấp nên bên vay phải mượn nhà của người thân để bán. Thực tế bên cho mượn nhà đã làm các hợp đồng mua bán nhà với bên cho vay tiền. Cứ tưởng việc mua bán như vậy là đã hoàn thành, nào ngờ “một quả lật kèo êm dịu” đã xảy ra và bên cho vay mất trắng cả chì lẫn chài thậm chí còn mang tiếng là người đã giựt nợ bởi sự quá sốt sắng của Tòa án Nhân dân TP. Pleiku, Gia Lai.
Tóm tắt sự việc
Giấy nộp tiền bị sửa chữa.
Ngày 1-11-2007, ông Châu Hồng Sơn và bà Lê Thị Hiến ở 124B Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku, có cho ông bà Nguyễn Thanh Hùng và Trần Thị Thanh Nga, ở 130 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku vay một số tiền là 1,1 tỷ đồng. Để chứng minh việc vay mượn là ngay tình, ông Hùng, bà Nga mượn căn nhà 440 Hùng Vương, TP. Pleiku của bà Trần Thị Lan Anh và ông Thái Như Hiệp (bà Nga là chị ruột của bà Lan Anh) để thế chấp cho ông bà Sơn, Hiến. Tuy nhiên vì không có tiền trả nên vợ chồng Lan Anh đồng ý bán căn nhà trên cho ông Sơn, bà Hiến với số tiền 2,9 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng từ bà Lan Anh sang vợ chồng Sơn, Hiến được thực hiện tại Phòng Công chứng Nhà nước tỉnh Gia Lai ngày 3-12-2007. Sau khi trừ 1,1 tỷ đồng vay như đã nói ở trên và trả thêm 800 triệu đồng (tổng cộng 1,9 tỷ đồng), vợ chồng ông Sơn bà Hiến phải trả ngược lại 1 tỷ đồng cho vợ chồng bà Nga-Hùng.
Đồng thời với việc trả nợ này là biên bản thỏa thuận giữa đôi bên, khi nào ông Sơn, bà Hiến nhận được nhà 440 Hùng Vương, thì thanh toán nốt số tiền còn lại. Một điều oái oăm trước đó đã xảy ra tại nhà 440 Hùng Vương là căn nhà này đang do vợ chồng Trần Văn Điền và Nguyễn Thị Mãi sử dụng. Như vậy, thực chất căn nhà 440 Hùng Vương là nhà đang tranh chấp, bà Lan Anh đứng tên chủ sở hữu chỉ có ý nghĩa trên giấy còn thực tế là người khác đang ở.
Chưa hết, vì không có tiền nên ông Sơn, bà Hiến đã dùng toàn bộ giấy tờ căn nhà 440 Hùng Vương để thế chấp cho Ngân hàng Công thương- Chi nhánh Gia Lai để vay 2 tỷ đồng. Sau khi vay tiền, vợ chồng ông Sơn, bà Hiến cũng không trả đúng cam kết nên ngân hàng phát mãi căn nhà này để thu hồi nợ. Ngày 27-10-2010, vợ chồng Hùng-Nga khởi kiện vợ chồng ông Sơn, bà Hiến, yêu cầu trả nốt số tiền 1 tỷ đồng còn lại cho mình. Tòa án TP. Pleiku đã lập tức “chạy đua với thời gian” để xử lý vụ kiện này với tinh thần “nhanh chóng” đến không ngờ.
Những điều không bình thường
Hồ sơ vụ kiện.
Ngày 27-10-2010, vợ chồng ông bà Nga-Hùng phát đơn lên Tòa án TP. Pleiku, đồng thời với đơn khởi kiện, ngày 29-10 là đơn yêu cầu áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong tỏa một số tài sản của ông Sơn, bà Hiến. Cụ thể, họ  yêu cầu Tòa án cấm ông Sơn, bà Hiến không được cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng một số tài sản như xe ô tô mang tên Châu Hồng Sơn, căn nhà tại 07 Phùng Hưng, TP. Pleiku và căn nhà 124B Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku. Ngay trong ngày 29-10, Tòa án TP. Pleiku do Thẩm phán Nguyễn Duy Ngọc ký đã nâng cấp độ áp dụng biện pháp cao hơn là thay vì cấm không cho giao dịch thì Tòa thu giữ chiếc xe ô tô biển kiểm soát 81L-3600.
Một điều không bình thường nữa là trong khi ông Hùng, bà Nga chưa thực hiện biện pháp đảm bảo (đặt tiền tại ngân hàng) thì Thẩm phán Nguyễn Duy Ngọc đã ra quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều kỳ lạ là ngày 2-11-2010, ông Hùng, bà Nga mới nộp 30 triệu đồng tại ngân hàng để gọi là thực hiện biện pháp đảm bảo thì trước đó, ngày 29-10, Tòa án đã ra quyết định và ngày 1-11 đã dùng lực lượng đông đảo đến 124B Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku thu giữ chiếc xe ô tô đứng tên Châu Ngọc Sơn. Trắng trợn hơn nữa, để hợp pháp hóa chứng cứ, Thẩm phán Nguyễn Duy Ngọc đã dùng bút sửa thẳng trong giấy nộp tiền 30 triệu đồng của ông Hùng-bà Nga cho Ngân hàng từ ngày 2-11 thành ngày 1-11-2010.
Việc này được hiểu theo kiểu: “Ở đời chưa sinh cha mà đã sinh con”. Vì sao Thẩm phán Nguyễn Duy Ngọc lại quá ưu ái cho vợ chồng Trần Thị Thanh Nga và Nguyễn Thanh Hùng? Chưa hết, sau khi sửa chữa thời gian ghi trong giấy nộp tiền từ ngày 2-11 sang ngày 1-11 để cung cấp hồ sơ cho bị đơn thì sau đó Thẩm phán Ngọc sửa ngược lại từ ngày 1-11 sang 2-11. Chúng tôi thực sự không hiểu việc làm tùy tiện này lại xảy ra tại Tòa án TP. Pleiku. 
Sau khi ông Sơn, bà Hiến khiếu nại những việc làm sai trái của Tòa án TP. Pleiku thì ngay lập tức ngày 2-11-2010 chiếc ô tô trên được trả về cho chủ cũ và thay vào đó Thẩm phán Nguyễn Duy Ngọc ra một quyết định “rất dữ dội” là kê biên phong tỏa một loạt tài sản khác gồm nhà, đất của ông bà Sơn, Hiến mà những loại tài sản này gộp lại có giá trị hơn 6 lần tài sản mà họ phải thanh toán (1 tỷ đồng).
Chính vì cách giải quyết không bình thường, thiếu công bằng, lộ liễu sự ưu ái quá đáng của Tòa án TP. Pleiku đã để lại sự xung đột, kiện tụng kéo dài, phức tạp. Chúng tôi đề nghị Tòa án TP. Pleiku sớm chấn chỉnh sự việc, đưa việc xét xử vụ kiện này vào đúng khuôn khổ của pháp luật. Có như vậy thì lòng dân mới được yên và công lý mới được thực thi một cách nghiêm chỉnh.
Duy Anh
 

Có thể bạn quan tâm