Ở buôn A Ma Dương phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa- Gia Lai có hơn chục đứa trẻ phải lang thang mưu sinh bằng đủ nghề như lượm ve chai, nhặt phân bò, hoặc theo người lớn đi nhổ cỏ mì thuê… “Mới tí tuổi đầu nhưng các cháu nhỏ đã phải rời xa trường lớp để kiếm tiền vì… nhà nghèo. Thương lắm nhưng đành chịu!”- Già làng Rơ Com Pơ chua xót trải lòng.
Lầm lũi mưu sinh
Khi trời vừa đứng bóng, em Ksor Yin sinh năm 1998 trú ở buôn Ma Dơng, phường Đoàn Kết, lom khom vác bao tải nhôm nhựa, tay dắt đứa em nhỏ kịp lần về căn nhà nhỏ ngoài bìa ruộng của bà cô mà các em ở nhờ. Giơ tà áo quệt vội gương mặt dẫm mồ hôi lem nhem đất, Yin thở dốc: “Trời nắng quá, đi chưa hết ba con đường chính trong buôn mà em và em trai Ksor Ka mới 7 tuổi đã không chịu nổi phải quay về nhà. Từ sáng đến giờ hai anh em mới nhặt được gần chục vỏ chai nhựa bán được 5.000 đồng, mua hai ổ bánh mì chia nhau ăn”.
Em Ksor Yin (12 tuổi) dắt theo em trai Ksor Ka (7 tuổi) đi nhặt rác. Ảnh: Đức Phương |
Ngày mưa cũng như nắng, hai anh em Ksor Yin lại lầm lũi dắt nhau lần mò mọi ngóc ngách của buôn Ma Dơng và nhiều tổ dân phố khác của thị xã Ayun Pa để nhặt rác. Mười hai tuổi đầu, dáng người đem nhẻm của Ksor Yin lúc nào cũng như chực đổ về phía trước, mắt cúi thấp xuống đất tìm kiếm ra dáng “bệnh nghề nghiệp”. Em day day ngón chân trần nguệch ngoạc xuống đất, lí nhí nói: “Em không biết tính toán cây số cây siếc gì cả. Cứ sáng sớm là dắt em Ksor Ka rời nhà đến chiều muộn lại về. Đói thì ghé vào bóng cây để nghỉ, khát thì vào nhà người ta xin nước lạnh uống. Đi nhặt rác mệt nhọc lắm nhưng mỗi ngày kiếm được 5-10 nghìn đồng, có cái ăn vào bụng đỡ đói, còn hơn là ở nhà…”.
Lỡ bước đến trường
Hai anh em Ksor Yin và bà cô Nay H’Yut trước căn nhà tạm. Ảnh: Đức Phương |
Không riêng gì anh em Ksor Yin, ở buôn nghèo Ma Dương này có hơn chục em nhỏ ngày hè phải gác lại sách vở để vác bao tải đi lượm ve chai, nhặt rác, nhặt phân bò về bán kiếm tiền. Trong buổi trưa ngày 28-6-2010, chúng tôi theo chân ông Siu Híp tổ trưởng tổ dân phố 8 phường Đoàn Kết (một trong ba tổ dân phố thuộc buôn Ma Dương), rảo khắp buôn, bắt gặp một tốp bốn, năm em nhỏ vừa đi nhặt rác về.
Gương mặt đen nhẻm, dáng lỏng khỏng, em Rơ ô H’Bé, sinh năm 1998 gây ấn tượng với chúng tôi bởi một bên hông vẹo đi vì nách thêm em nhỏ, còn tay kia kéo lê một bao tải vỏ chai nhựa. Em H’Bé thở dốc, nói: “Bố em chết rồi, mẹ em đi cuốc ruộng, nhổ cỏ mì thuê cho người ta nên không có nhiều tiền. Em năm nay lên lớp 4 Trường tiểu học Nay Der. Ngày hè em ẵm theo em nhỏ đi nhặt rác và phân bò về bán kiếm thêm ít tiền. Từ hôm nghỉ hè đến giờ em đã dành được hơn một trăm nghìn đồng rồi. Còn hai tháng hè nữa, mong kiếm thêm được ít tiền đủ mua bộ áo mới kịp ngày khai trường. Được như em còn may chán! Mấy đứa kia còn phải nghỉ học giữa chùng để lượm rác, nhặt phân bò kìa…”.
A Khiêm 17 tuổi chỉ học hết lớp 4 đã phải đi lượm rác, nhặt phân bò và thả trúm lươn. Ảnh: Đức Phương |
Nhìn cách nói chuyện dửng dưng của A Khiêm, tôi ái ngại hỏi về chuyện quay lại trường học. Giọng A Khiêm đượm buồn: “Đầu mùa hè, cô giáo cũ ngoài trường tiểu học Nay Der vào nhà vận động mấy anh em quay lại trường. Cô giáo nói học được nhiều chữ thì bụng mới sáng ra để biết cách làm ăn, mới thoát nghèo được! Em biết vậy, nhưng hai em gái em gần thành thiếu nữ rồi xấu hổ không muốn đi học nữa. Riêng phần em chắc phải chờ dành giụm thêm ít tiền nữa mới trở lại trường học được…”.
Già làng Rơ Com Pơ, buôn A Ma Dơng bức xúc: “Buôn A Ma Dơng có 493 hộ, 2.157 người dân; trong đó người Jrai có trên 300 hộ. Trong buôn còn nhiều nhà thiếu đất sản xuất nên cuộc sống nghèo khó. Trẻ em 15-16 tuổi không đi học, hoặc bỏ học đi làm thuê làm mướn nhiều. Thậm chí nhiều nhà như: Rơ ô H’Huýt ở tổ 9 có một bầy 6 đứa con không được đi học, sáng nào cũng cầm bao đi lượm rác. Chỉ riêng tổ 9 đã có 3- 4 nhà như vậy!”
Trẻ em đi xâu thuốc lá thuê tại buôn Ma Knik, phường Sông Bờ , TX. Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương |
“Để tìm giải pháp cho tình trạng lao động trẻ em, mới đây Phòng LĐTB và XH thị xã Ayun Pa đã yêu cầu các xã phường trên địa bàn thống kê tình trạng lao động trẻ em, nhưng đến hạn rồi mà chưa thấy đơn vị nào báo cáo lên” -bà Ngô Thị Ngọc Phú- Trưởng phòng này, cho biết.
…Một ngày theo chân ông Siu Híp tổ trưởng tổ dân phố 8 lang thang khắp buôn A Ma Dương, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa chúng tôi ghi nhận biết bao nỗi nhọc nhằn dưới đôi chân lầm lũi mưu sinh của nhiều em nhỏ và ánh mắt cháy bỏng nỗi khát khao trở lại mái trường. Và trên hết, thấp thoáng đâu đó là sự thờ ơ đến vô cảm của nhiều bậc cha mẹ và khong ít người có trách nhiệm.
Đức Phương