Thời sự - Bình luận

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.

Hầu như ngày nào đi làm, tôi cũng bắt gặp khuôn mặt đen nhẻm của 3 đứa trẻ đứng xin tiền và bán vé số ở ngã tư đường dẫn xuống cầu Tân Thuận và Nguyễn Văn Linh ở quận 7. Dừng xe chờ đèn đỏ, tôi và số ít người cũng cho những đứa trẻ này tiền khi chúng chạy tới cạnh rồi chìa chiếc mũ ra. Công việc của những đứa trẻ khoảng 5-10 tuổi này không kể giờ giấc và địa điểm cố định, chúng chỉ cần tiền, miễn là xin được tiền. Có hôm tôi thấy chúng xuất hiện ở góc đường Nguyễn Văn Linh nhưng trưa hôm sau lại thấy chúng ở khu vực ngã tư đường Nguyễn Thị Thập và Lê Văn Lương. Dưới cái nắng như đổ lửa chúng thậm chí quỳ rạp người giữa đường, hai tay đưa cao chiếc mũ quá đầu để tìm tình thương của người đi đường.

Tiền Phong đăng loạt bài “Bí mật phía sau những đứa trẻ ăn xin”. Đọc xong chắc cũng cảm thấy chạnh lòng, không biết tuổi thơ của những đứa trẻ ấy sẽ ra sao khi ngày ngày dầm mưa dãi nắng ở ngoài đường, trở thành “phương tiện” cho cha mẹ và những người “chăn dắt” kiếm tiền. Tương lai của các em ngày mai sẽ ra sao khi không được ba mẹ cho đến trường?

Tôi lại nhớ đến 2 câu thơ: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” của Bác Hồ trong bài thơ “Trẻ con” đăng trên báo Việt Nam Độc Lập ngày 21/9/1941. 83 năm trước, khi đất nước chưa giành được Độc Lập, Bác đã đặt sự quan tâm đến trẻ em, đến tương lai của thế hệ gánh vác trọng trách của dân tộc, Bác cũng nhắc nhở tất cả các bậc cha mẹ, những người lớn về tình thương yêu với trẻ em, quan tâm đến trẻ từ ăn ngủ đến học hành… Hai câu thơ ấy cũng nhắc nhở chúng ta phải biết nâng niu, bảo vệ để hàng triệu ‘búp trên cành” ấy mãi luôn tươi tốt.

Chúng ta càng tự hào hơn vì Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Đây là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên nói về quyền trẻ em gồm quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Vậy nhưng, đâu đó Quyền trẻ em vẫn chưa được bảo vệ. Những đứa trẻ hồn nhiên bỗng dưng trở thành “cái bang” phải đi ăn xin, thậm chí hằng đêm được người lớn đưa đến các quán nhậu để biểu diễn thổi lửa xin tiền thực khách vẫn diễn ra ở nhiều nơi…

Bất chấp những hệ lụy, “chăn dắt” người già và trẻ con đi bán vé số, ăn xin ở các thành phố lớn vẫn tung hoành. Phải chăng mức xử phạt hành chính cho các hành vi ngược đãi, bóc lột trẻ em hiện nay là chưa đủ sức răn đe? Thực tế, Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định: người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng… xem ra số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu với hàng chục trẻ đi ăn xin mỗi ngày dưới sự “chăn dắt” của người lớn.

Những bậc cha mẹ, những người “chăn dắt” vẫn ngồi trong bóng mát quan sát những đứa trẻ lem luốc đi lại ngửa mũ xin tiền, chắc họ chưa bao giờ nhận ra tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ về đâu?

Theo Ngọc Lâm (TPO)

Có thể bạn quan tâm