Những kết quả bước đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một thời gian triển khai thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro gồm: An Trung, Kông Yang, Chư Krey, Đak Pơ Pho và Đak Tơ Pang đã được tiếp thêm nguồn lực để vươn lên thoát nghèo, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Bớt đói mùa giáp hạt

Cuối quý II-2015, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên chính thức triển khai các hợp phần tại huyện Kông Chro. Một trong những hợp phần quan trọng được dự án thực hiện trong năm 2015 là Hợp phần 2-Phát triển sinh kế bền vững. 14 tiểu dự án sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng đã triển khai cho hơn 200 hộ nghèo tham gia. Trong đó, có 4 nhóm nuôi bò lai sinh sản, 5 nhóm sản xuất bắp lai, 1 nhóm trồng mía và 4 nhóm cải tạo vườn hộ. Sau một thời gian thực hiện, đến nay một số tiểu dự án sinh kế đã đạt được kết quả khá khả quan.

 

Con đường kết nối xã An Trung với tỉnh lộ 667 xã Kông Yang. Ảnh: Đ.Y
Con đường kết nối xã An Trung với tỉnh lộ 667 xã Kông Yang. Ảnh: Đ.Y

Ông Trang Châu Khoa-cán bộ tư vấn sinh kế Dự án giảm nghèo huyện Kông Chro, nhận xét: 5 nhóm tiểu dự án trồng bắp lai được thực hiện tại 5 làng cho năng suất đạt 6-7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng các loại cây hoa màu khác, như: bí xanh, bí đỏ, dưa mà lâu nay bà con đã trồng. Còn trưởng nhóm tiểu dự án sản xuất bắp lai làng Hưnh Đak-Đinh Thị Ponh, cho biết: “Sau gần 3 tháng, bắp cho thu hoạch, 1 ha thu được hơn 6 tấn bắp. Với giá 3.200 đồng/kg như hiện nay thì 1 ha bắp lai thu được gần 20 triệu đồng. Với số tiền này, chị em không còn lo đói giáp hạt như vụ trước nữa. Mỗi chị cũng để dành được ít vốn để mua giống bắp gieo trồng vụ sau”.

4 nhóm tiểu dự án nuôi bò lai sinh sản của 40 hộ tham gia dự án tại làng Châu (xã Chư Krey), làng Trong (xã Đak Pơ Pho), làng Krông Hra (xã Kông Yang) và làng Brò (xã An Trung) cũng đã bước đầu có những tín hiệu khả quan. Hiện nay, trong 4 nhóm bò lai đã có 20 con mang thai, trong đó, gia đình chị Đinh Thị Duech (làng Brò, xã An Trung) đã được nuôi con bê đầu tiên từ tiểu dự án. Ông Phùng Bảo Quốc-hướng dẫn viên cộng đồng (CF) xã An Trung (huyện Kông Chro), cho biết: “Các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó có nguồn vốn mua một con bò. Vì vậy, khi dự án hỗ trợ cho gia đình một con bò, họ rất phấn khởi. Họ đã hứa sẽ chăn nuôi tốt để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Những công trình kết nối dân sinh

Dấu ấn đậm nét mà dự án mang lại ở huyện Kông Chro phải kể đến Hợp phần 1-Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn làng và Hợp phần 3-Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện.

Đối với Hợp phần 1, năm 2015, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kông Chro đã thực hiện đầu tư 4 tiểu dự án cơ sở hạ tầng, trong đó, có 2 công trình giao thông nông thôn xây mới là đường từ trung tâm xã An Trung đi làng Chiêu Liêu và đường vào làng Krông Hra, làng Húp (xã Kông Yang). Ông Đinh Bông-Trưởng thôn Krông Hra, nói: “Từ ngày có con đường mới dẫn về làng, bà con vui mừng lắm. Con đường này là niềm mơ ước bao đời nay của dân làng. Có đường đi sẽ thuận lợi việc giao thương hàng hóa, không còn bị tư thương ép giá, đưa con cái đi học cũng thuận lợi hơn nhiều nữa”.

Còn 2 công trình thủy lợi tại làng Vreh (xã Chư Krey) và làng Dy Rao (xã Đak Pơ Pho), với tổng số tiền dự án hỗ trợ 2 tỷ đồng đã được khởi công và đưa vào sử dụng đầu năm 2016. Hai công trình thủy lợi này đã giúp cho 120 hộ ở đây hưởng lợi trong việc sản xuất lúa nước 2 vụ. Công trình 1 nhà học gồm 3 phòng ở làng Krap (xã Đak Tơ Pang) cũng đã giúp cho con em cán bộ, nhân dân trong làng có nơi để học tập, sinh hoạt cộng đồng. Con đường phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện thuộc Hợp phần 3, nối xã An Trung với tỉnh lộ 667 xã Kông Yang, với tổng vốn hơn 2 tỷ đồng đã được thi công và đưa vào sử dụng góp phần giúp cho hàng trăm hộ dân 2 xã đi lại sản xuất thuận lợi hơn và giảm chi phí vận chuyển hàng nông sản mỗi mùa thu hoạch mía, mì…

Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Tân-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kông Chro cho biết: “Thông qua các hoạt động tiểu dự án sinh kế, bên cạnh những kết quả trực tiếp, những hộ nghèo còn được tiếp cận nhiều hơn các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thường xuyên học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nhờ đó cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Những công trình cơ sở hạ tầng sẽ là tiền đề để kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo ở đây phát triển kinh tế”.

Đinh Thị Yến

Có thể bạn quan tâm