(GLO)- Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, định canh định cư giai đoạn 2007-2013 và định hướng đến năm 2020, từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh: Đức Thụy |
Ngay từ những năm đầu triển khai Nghị quyết 08, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, làm rõ cơ chế chính sách, thảo luận kỹ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt triển khai thực hiện Nghị quyết 08 theo đúng hướng dẫn của Tỉnh ủy. Theo đó, Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các huyện, thị xã, thành phố xuống cơ sở phối hợp với địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực trạng các hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đói của từng hộ, tổ chức họp dân để thống kê nhu cầu của mỗi hộ. Sau đó, các địa phương xây dựng đề án cụ thể, tổng hợp xây dựng đề án của huyện để có giải pháp hỗ trợ cho người nghèo.
Một trong những giải pháp hiệu quả là hỗ trợ nguồn vốn cho người nghèo. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, hàng năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương đã mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó ưu tiên vốn cho các vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính từ năm 2007 đến 2013, có 132.503 hộ nghèo được vay vốn làm ăn, dư nợ cho vay đến ngày 31-12-2013 là trên 1.020 tỷ đồng và tính đến ngày 31-12-2013 số tiền cho vay hộ nghèo giải quyết việc làm là 72,360 tỷ đồng. Số hộ được vay giải quyết việc làm là 15.010 hộ, trong đó có 2.401 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 16%). Từ nguồn vốn vay, hàng năm có hàng trăm dự án được triển khai, giúp cho hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Ảnh: Đức Thụy |
Giải pháp hướng dẫn người nghèo cách làm ăn cũng là cách làm hiệu quả trong thời gian qua. Đó là Chương trình 135 giai đoạn II; chính sách đất đai, nước sinh hoạt, hỗ trợ tiền điện theo Quyết định 132, 134, 168 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ người nghèo về giáo dục và y tế; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; giao khoán rừng cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ… Trong đó, điển hình là Chương trình 135 giai đoạn I, II. Hơn chục năm qua, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho người nghèo cách làm giàu đạt hiệu quả cao. Tính riêng vốn được phân bổ trong giai đoạn 2007-2011 cho việc hướng dẫn người nghèo cách làm giàu là 119,545 tỷ đồng để thực hiện các mô hình, như: mô hình thâm canh lúa nước, mô hình cắt tạo tán cà phê, mô hình đào ao nuôi cá, mô hình khử chua phèn, hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, trồng măng tre Điền Trúc, hỗ trợ thiết bị máy móc... Từ những mô hình cụ thể, người nghèo đã được cầm tay, chỉ việc cho đến khi biết tạo ra sản phẩm, áp dụng được vào sản xuất. Nhờ đó, bà con dân tộc thiểu số các xã, làng đặc biệt khó khăn đã từng bước thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã có tích lũy, đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm trang-thiết bị và các vật dụng gia đình.
Gia Lai phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 10% theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015; đến năm 2020 cơ bản thoát nghèo bền vững, cơ bản không còn hộ chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 45 xã điểm hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các xã điểm nông thôn mới chỉ còn 7%. |
Những năm qua, việc triển khai Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện và động lực để người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, hàng năm, có hàng ngàn hộ được chuyển đến ở trong căn nhà mới, khang trang; điện lưới quốc gia đã được đầu tư về đến trung tâm xã, hàng ngàn hộ gia đình được nghe đài, xem ti vi; người nghèo được hỗ trợ vốn để mua cây, con giống, phát triển nghề phụ tạo ra thu nhập; hàng ngàn cháu nhỏ có thêm quần áo ấm, sách bút, đồ dùng học tập để đến trường; người nghèo khám-chữa bệnh được hỗ trợ miễn phí…
Tuy nhiên, hiện nay việc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta chưa thật sự bền vững; nhiều hộ thoát nghèo nhưng nằm sát với mức chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo cao; chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiểm tỷ lệ cao (82,92%) trong tổng số hộ nghèo.
Để Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, các sở, ngành chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm; đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về y tế cho người nghèo, cận nghèo; tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đột xuất, trợ giúp xã hội khi có thiên tai, dịch bệnh, tai nạn rủi ro, trợ cấp dịp lễ, Tết... Bên cạnh đó là các chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao; xã và thôn nghèo đặc biệt khó khăn; có chính sách hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân. Đồng thời, tăng cường cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối ưu cho người dân được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo.
Đinh Yến