Những kết quả đáng ghi nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng khu vực biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bài 1: Nhiều mô hình kinh tế giúp dân

Bằng những việc làm cụ thể thông qua các mô hình phát triển kinh tế giúp dân, các đồn biên phòng đã chung tay góp sức cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt chủ trương xóa đói giảm nghèo, giúp nhân dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, qua đó góp phần tạo nền tảng, động lực xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

 

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân làm lúa nước. Ảnh: P.D
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân làm lúa nước. Ảnh: P.D

Lúa nước 2 vụ ở Đồn Biên phòng Ia Púch

Quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 10,2 km đang trong giai đoạn phân giới cắm mốc nên Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) luôn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, thực hiện tốt các hương ước, quy ước thôn làng.

Cùng với đó, Đồn đã khảo sát, xây dựng mô hình điểm về giúp dân phát triển kinh tế ở các khu vực biên phòng nhằm vận động quần chúng nhân dân tham gia tốt phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn làng trên khu vực biên giới. Trên cơ sở thực tế của địa phương, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã khảo sát, nghiên cứu, chọn lựa mô hình kinh tế phát triển phù hợp với hộ gia đình cũng như điều kiện thực tế đồn phụ trách mà cụ thể là mô hình trồng lúa nước 2 vụ.

Ban đầu, đơn vị chọn hộ gia đình ông Rah Lan Hun (làng Chư Kó) để triển khai trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha với vốn đầu tư 22 triệu đồng. Sau quá trình “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân, đồng thời vừa hướng dẫn vừa chuyển giao, kết quả là sản lượng lúa mà gia đình ông Rah Lan Hun thu hoạch vụ đầu tiên được 5 tấn thóc/ha.

Từ mô hình này, đã có 14 hộ dân trong xã hưởng ứng nhân rộng trên diện tích 20 ha. Mặt khác, cán bộ chiến sĩ của đồn còn giúp dân vệ sinh thôn làng, chăm sóc cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp… và kết hợp chặt chẽ việc xây dựng mô hình giúp dân phát triển kinh tế với việc triển khai thực hiện hiệu quả phong trào tự quản đường biên, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng trên khu vực biên giới.

Đồng bào có đạo tham gia tự quản đường biên

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Thành- cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) thì làng Chan trước đây là trọng điểm về tình trạng vượt biên, hoạt động “Tin lành Đê-ga”… Cách đây 6 năm, đồn đã triển khai mô hình tự quản đường biên trong đồng bào có đạo và thông qua mô hình này, cán bộ, chiến sĩ có thêm điều kiện gần gũi các tín đồ hay trong những buổi sinh hoạt có thể lồng ghép tuyên truyền, vận động...

Hơn thế, tổ công tác cũng có thể tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong đồng bào có đạo thông qua uy tín của những người trong Ban chấp sự… Bên cạnh đó, Đồn cũng đã triển khai mô hình trồng tre lấy măng ở hộ gia đình ông Rah Lan Tâm với diện tích 5 sào. Vì biết tận dụng khu vực đất gần suối nên diện tích măng tre của gia đình ông luôn cho năng suất cao, ngay sau đó, gần 80 hộ dân trong xã cũng đã học tập, nhân rộng mô hình này…

Không chỉ triển khai mô hình trồng tre lấy măng, Đồn còn triển khai mô hình lúa nước ở cánh đồng Ia Sấp, làm nhà, cải tạo vườn tạp, trồng cây điều… Từ đó, người dân trong làng đã nghe theo tiếng nói của Bộ đội Biên phòng, chấp hành quy định của địa phương, những đối tượng “Tin lành Đê-ga” cũng đã nhận ra sai trái và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Từ chủ trương của Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, tất cả các đồn biên phòng đều xây dựng mô hình kinh tế giúp dân, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân-dân trên khu vực biên giới. Và hơn thế, ý thức bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng của người dân cũng được nâng cao, phong trào tự quản đường biên luôn được duy trì.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm