Biển đảo Việt Nam

Những mầm xanh trên đảo chìm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hành trình tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa lần này, chúng tôi có dịp tìm hiểu cuộc sống của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo chìm Đá Nam và Đá Thị. Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc, lính đảo còn tăng gia sản xuất rau xanh nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Rau được trồng trong những thùng nhựa. Ảnh: Lê Nam
Rau được trồng trong những thùng nhựa. Ảnh: Lê Nam

Vượt qua hành trình dài hơn 320 hải lý (hơn 600 km) từ đất liền, chúng tôi đến đảo chìm Đá Nam. Tàu vận tải hơn 2.000 tấn mang số hiệu 996 phải dừng lại cách đảo khá xa do thềm san hô của đảo rộng và nông. Chúng tôi xuống xuồng chuyển tải nhỏ rồi “tăng bo” bằng xuồng máy kéo vượt qua bãi san hô dài gần 3 km mới lên được đảo.

Nhìn từ xa, đảo Đá Nam như một ngôi nhà 3 tầng nằm giữa biển khơi bốn bề sóng vỗ, xung quanh chỉ có san hô, gió và nước mặn. Các đảo chìm được ví như “vương quốc” của sóng và gió. Từ trên đảo nhìn ra chung quanh, chỉ thấy mịt mùng sóng nước và gió gào thét không ngừng. Nhưng vừa đặt chân lên đảo, tôi đã thực sự ngỡ ngàng trước sức sống mãnh liệt ở nơi này. Ngay dưới chân đảo, sát mép sóng, đàn vịt gần hai chục con đang nằm phơi nắng. Gần đó, những chú chó nhỏ vừa chạy vừa sủa loạn xạ quanh 2 chú heo đang đi lại trên thềm bê tông quanh đảo. Mọi mệt mỏi của chúng tôi dường như tan biến trước hình ảnh thanh bình trên hòn đảo tiền tiêu giữa trùng khơi sóng vỗ.


 

Làm nhà cho rau ở.
Làm nhà cho rau ở.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là rất nhiều ô rau xanh mướt. Chỉ rộng vài mét vuông và phải quây kín bằng tôn, gỗ hoặc ni lông để tránh sóng, gió và hơi nước mặn nhưng mồng tơi, cải, lá mơ, rau húng, rau muống... chen nhau mọc lên trong những ô đất hẹp. Ở nơi chỉ có sắt thép, bê tông với bốn bề sóng gió vẫn hiện lên những mảng xanh mát mắt mới thấy được sự kỳ công của những người lính. Chiến sĩ Huỳnh Phi Cổn đang chăm sóc vườn rau chỉ rộng chừng 7 m2 cho biết: Đất được gói vào từng bao nhỏ theo những chuyến tàu vận tải chuyển nhu yếu phẩm, lương thực, vật liệu ra đảo. Chiến sĩ trộn thêm san hô nghiền nát, thực phẩm thừa, chất thải hữu cơ... ủ lên men, rồi đóng vào các khay. Mọi vật dụng đều được tận dụng để trồng rau như xô chậu hỏng, thùng xốp đựng thức ăn, thùng đựng lương khô...

Trên đảo chìm Đá Thị, màu xanh cũng hiện diện trên từng góc nhỏ. Lính đảo tận dụng mọi khoảng trống để đặt các thùng trồng rau. Các loại rau muống, bầu đất, mồng tơi, cải mầm, cải xanh, rau húng, lá mơ... hiện ra xanh mướt. Không phụ công người chăm sóc, những ô rau vươn lên mơn mởn. Những cây mồng tơi vươn ngọn mỡ màng, lá to gấp đôi, gấp ba lá mồng tơi trong đất liền. Rau cải, rau muống như cũng xanh hơn, đẹp hơn. Đàn chó gần hai chục con trên đảo cũng khỏe mạnh, đầy sức sống. Khi có khách lên đảo, chúng vui mừng ùa đến vây quanh như thân quen tự bao giờ.

 

Nuôi heo trên đảo chìm.
Nuôi heo trên đảo chìm.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Thức cho hay: Gió biển mang theo hơi mặn làm rau úa và thối lá. Chính vì thế phải dùng các loại phông, bạt để che chắn. Vào mùa khô, các chiến sĩ phải chắt chiu từng ca nước nhỏ để tưới rau. Nhiều khi phải “nhịn” tắm để nhường nước tưới cho rau.
 
Đối với những người lính đảo chìm, chăm sóc rau, chăn nuôi gà, vịt là niềm vui sau những giờ luyện tập và trực chiến vất vả. Trồng rau là nhiệm vụ hàng ngày của lính đảo chìm. Việc tiếp tế từ đất liền không thường xuyên nên đảo chìm luôn luôn thiếu rau. Lính đảo trồng rau vừa để cung cấp cho bữa ăn, vừa để quên đi bao nỗi mệt mỏi, vất vả. Ngày ngày, nhìn những ô rau vươn lên mơn mởn trong nắng gió, nỗi nhớ nhà cũng vơi bớt phần nào. Đảo chật chội nên mỗi khi rảnh rỗi, cánh lính trẻ lại ra vườn rau, chuyện trò gia đình, quê hương, động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Trồng rau trên đảo chìm Đá Thị phải che chắn rất cẩn thận.
Trồng rau trên đảo chìm Đá Thị phải che chắn rất cẩn thận.

Lê Nam  

Có thể bạn quan tâm