Kinh tế

Những mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Khiến nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, 6/9 mặt hàng thiết yếu đang trên đà tăng giá từng ngày. Các chuyên gia dự báo từ giờ đến Tết Nguyên đán Tân Mão, giá sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá gặp không ít khó khăn. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt để kiểm tra kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hiện tượng té nước theo mưa bằng việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ và đại lý bán lẻ được điều chỉnh tăng từng tuần. Áp lực tăng giá mạnh nhất đang thuộc về các mặt hàng lương thực, thực phẩm như đỗ xanh loại ngon từ mức 46.000 đồng/kg hiện đã lên 50.000 đồng; gạo nếp tăng lên 2 giá so với mức 22.000 đồng/kg trước kia, thịt lợn tăng từ 8-10 giá do nguồn cung khan hiếm và chi phí vận chuyển tăng.

Ngoài ra, dầu ăn nhãn hiệu Neptune, Simply vừa có sự điều chỉnh tăng lần thứ 3 thêm từ 17.000-18.000 đồng/thùng (12 chai 1 lít) từ ngày 5-12 nâng mức giá bán lẻ lên mức 39.000-40.000 đồng hiện tại. Tương tự, mỳ chính nhãn hiệu Ajinomoto từ mức giá 23.000 đồng/gói 400g cách đây chưa lâu, nay cũng đã vọt lên 27.000 đồng. Bên cạnh thực phẩm, chiều hướng tăng giá trải đều ở các ngành hàng tiêu dùng và gia dụng khác vẫn không dừng lại.

Đại diện hệ thống Intimex cho biết, các tuần đầu tháng 12, đơn vị này vẫn đang tiếp nhận một loạt báo giá mới từ các nhà cung cấp hàng tiêu dùng với mức tăng phổ biến từ 5-10%. Thực tế này tạo nên sức ép lớn đối với nhiều đơn vị tham gia bình ổn giá.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Hapro cho biết hiện nay doanh nghiệp tham gia bình ổn giá gặp nhiều khó khăn. Trước biến động của thị trường, thì mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn và thịt gà tại nhiều siêu thị đang phải điều chỉnh giá mỗi tuần/lần, những mặt hàng khác điều chỉnh một tháng/lần theo sự cho phép của Sở Công thương. Tuy nhiên cái khó của doanh nghiệp phân phối trong nước là chỉ có thể ký hợp đồng nguyên tắc với các nhà cung cấp mà thôi chứ không thể cam kết về giá mà giá vẫn phải tuân thủ giá của thị trường thời điểm cung ứng. Mặt khác, khi đơn vị bình ổn giá có giá bán thấp hơn giá thị trường thì sẽ xuất hiện ngay hiện tượng đầu nậu gom hàng. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.

Ông Kiên chia sẻ: “Hiện nay có một số khó khăn như: Giá dầu ăn đang thấp hơn giá thị trường rất nhiều, có hiện tượng tư thương đầu cơ mua lại nên chúng tôi khống chế chỉ bán cho người tiêu dùng và chúng tôi khuyến cáo mỗi người mua số lượng vừa phải. Chúng tôi mong muốn có biện pháp nào đó để chứng minh hàng đã bán cho người tiêu dùng chứ không bán cho người buôn bán nhỏ. Chúng tôi mong muốn là người tiêu dùng thông cảm và chấp nhận vì chúng tôi có thể bị mang tiếng là không tôn trọng khách hàng. Đối với mặt hàng thịt thì chúng tôi đã xuống cơ sở giết mổ nhưng cũng chỉ có thể đặt tiền ký hợp đồng nguyên tắc, cam kết sẽ tiêu thụ lượng hàng tháng, hàng tuần còn chốt giá thì không nhà cung ứng nào họ chốt với chúng tôi cả. Theo nhận định thì giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng”.

Liên tiếp trong 2 ngày 16 và 17-12 vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã có những động thái quyết liệt để quản lý, điều hành và kiềm chế giá xăng dầu, giá sữa trong nước. Cụ thể Bộ Công thương ấn định một chủ trương nhất quán là không tăng giá xăng dầu bán lẻ ít nhất từ nay đến Tết nguyên đán. Thậm chí Bộ Công thương còn khẳng định nếu có hiện tượng cây xăng nào dừng bán, vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể sử dụng biện pháp cao nhất là rút giấy phép vĩnh viễn đối với cây xăng đó.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng khí dầu mỏ như gas. Từ ngày 17-12, mặt hàng này được giảm thuế nhập khẩu xuống còn 2%. Đồng thời Cục quản lý thị trường đã có công điện khẩn gửi các Chi cục quản lý thị trường tăng cường quản lý việc dự trữ hàng hóa, chống việc đầu cơ tăng giá, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Bộ Công Thương cũng khẳng định, từ nay đến tết nguyên đán Tân Mão 2011 nguồn cung của 12 mặt hàng thiết yếu  trong đó có gạo, thịt, đường và phân bón, thức ăn chăn nuôi vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Bộ Công hương đã phối hợp các Bộ, ngành địa phương kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa để bình ổn giá đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu. Bộ Công thương đã ban hành chỉ thị 22 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở công thương  hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung phân bón…”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định hàng hóa phục vụ cho tết rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm tốt khâu kiểm soát giá. Bên cạnh yếu tố khách quan như tỷ giá tăng, giá vàng tăng, chi phí lương và vận chuyển tăng, thiên tai, dịch bệnh tăng thì tâm lý tiêu dùng vẫn là yếu tố chi phối chủ yếu đến giá các mặt hàng. Chủ trương bình ổn giá của Hà Nội và TP HCM cũng chỉ giải quyết được 8% thị phần mà thôi còn lại vẫn là do thị trường tự do chi phối. Theo ông Phú, thời điểm này nếu như chúng ta không quản lý tốt lực lượng đầu cơ thao túng giá, buôn lậu thì sẽ rất khó kiểm soát giá cả, đặc biệt là sau tết và năm 2011.

Ông Vũ Vinh Phú nhận định: “Chúng ta thấy hàng hóa nhiều nhưng vẫn tăng giá là do hệ thống phân phối và do cách quản lý và nhiều yếu tố khác. Nhà nước chỉ quản lý 18 mặt hàng còn lại là thị trường tự do. Cái gốc vẫn là sản xuất.  Số người giàu chiếm 20% cũng góp phần đẩy giá lên. Chúng ta chạy vòng quanh thế này không giải quyết được vấn đề. Vấn đề là thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho lưu thông phân phối, kiểm soát gian lận thương mại”.

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này, thị trường sẽ không có biến động lớn nếu như các biện pháp được thực hiện chặt chẽ. Cụ thể sẽ chỉ có một lượng hàng hóa nhỏ tăng nhẹ do tỷ giá đô la Mỹ tăng. Còn lại các yếu tố đầu vào như xăng dầu, điện, than đều đã được bình ổn. Do vậy việc nơi này, nơi kia tăng giá là không chính đáng. Chính vì vậy việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá và đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng té nước theo mưa đặc biệt cần thiết.

Hiện Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá. Trước mắt, trong dịp Tết Tân Mão và quý I-2011 sẽ giữ ổn định giá: Điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch... các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục.

Sử dụng các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đủ điều kiện, dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu bình ổn giá nhất là các thời điểm diễn ra lễ, tết.
Theo VOV

Có thể bạn quan tâm