Những ngọn đèn không tắt...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi những ngôi làng vẫn đang còn chìm trong màn đêm tĩnh mịch thì trên con đường mòn lởm chởm đá, các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Rong (huyện Kbang) đã đội đèn đi tìm học sinh đến trường.  

Đội đèn tìm trò trong đêm

Mới 3 giờ sáng, thầy Phạm Quốc Tuấn-Hiệu trưởng nhà trường đã đánh thức chúng tôi dậy để cùng thầy đi vào làng vận động học sinh đến trường. Thầy Tuấn bảo rằng: “Một số em vừa mới vào lớp 1 chưa quen môi trường mới nên đã bỏ về nhà. Giờ này đến nhà mới gặp được chứ để sáng ra các em đã lên rẫy rồi ở luôn trên đó cùng cha mẹ”.

 

Vượt suối đưa học sinh đến trường. Ảnh: L.A

Chúng tôi cùng thầy Tuấn và thầy Nguyễn Văn Linh-Chủ tịch Công đoàn chạy xe máy giữa màn sương trắng xóa, thẳng tiến vào làng Đak Hro, nơi có 8 em học sinh lớp 1 bỏ học giữa chừng. Con đường mòn vào làng Đak Hro lầy lội hơn sau những cơn mưa rừng bất chợt từ hôm trước và cũng chỉ vừa một chiếc xe máy đi. Hơn 1 giờ đồng hồ vật lộn với con đường mòn bám theo vách núi cheo leo, những ngôi nhà sàn đơn sơ của người dân làng Đak Hro mới hiện ra lờ mờ trong đêm. Tắt ổ khóa điện, thầy Tuấn quay lại nhắc: “Mình nói nhỏ thôi chứ mấy em biết thầy đến là trốn!”.

Trong căn nhà tềnh toàng, em Đinh Văn In cùng bố, mẹ vẫn còn say giấc. Thầy Tuấn đến lay nhẹ: “In, dậy theo thầy về đi học nào!”. Vẫn đang còn chưa tỉnh ngủ nhưng In vội choàng dậy khi nghe tiếng thầy Tuấn. Mắt nhắm, mắt mở, In quờ tay tìm đôi dép và khoác vội chiếc áo. Như một người cha ân cần, thầy Tuấn mặc áo cho In rồi bế em xuống nhà sàn và tiếp tục đi tìm các em học sinh khác. Cách đó không xa là nhà của em Đinh Văn Eu. Khi đến nơi, cha mẹ của em cho biết, Eu đang ngủ trên nhà rẫy cách đó chừng 2 km. Chúng tôi lại cùng thầy Tuấn, thầy Linh vượt qua con đường mòn trơn trượt để đến nơi Eu đang ngủ. Trong căn nhà sàn chênh vênh nằm tựa vào vách núi, Eu vẫn đang ngủ say với chiếc áo trắng đã nhuốm đủ thứ màu.

Như một phản ứng tự nhiên khi thấy người lạ, Eu choàng dậy định bỏ đi, nhưng nghe tiếng thầy Linh gọi, Eu quay đầu lại, nhoẻn miệng cười hồn nhiên. “Đi học thôi em!”-thầy Linh nói rồi vội vàng dắt tay Eu bước xuống… Phải mất thêm hơn 1 tiếng đồng hồ sau, thầy Tuấn và thầy Linh mới tìm thêm được Đinh Văn Hợp, Đinh Văn Khay, Đinh Thị Huey, Đinh Thị Khoi, Đinh Thị Choei và Đinh Thị Thei để đưa các em đến trường.

Khi trường là nhà

Trời vừa hửng sáng, các thầy đã đưa được 8 em học sinh về trường. Vừa đến nơi, các thầy cô lại tất bật đưa học sinh ra bể nước để lau, rửa mặt cho kịp giờ vào lớp. “Những ngày trường mới thành lập, dù đã tích cực vận động, nhưng cũng chỉ có vài chục em đến lớp vì chưa quen với môi trường mới. Ở đây có gần 95% học sinh là người Bahnar nên từ bán trú chúng tôi dần chuyển sang như nội trú, bởi các em quá nhỏ để đi, về trong ngày, vì từ nhà đến trường mất vài cây số đến hàng chục cây số. Chiều chủ nhật, thầy cô phải đến tận làng để đón các em về học, đến thứ sáu các em ở xa lại được thầy cô đưa về tận nhà”-thầy Tuấn chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Để giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình, giáo viên của trường đã đóng góp kinh phí phụ giúp mua quần áo, mua thêm lương thực cho học sinh trong các bữa ăn hàng ngày. Với những em mới vào lớp 1, từ cách cầm đũa đến việc vệ sinh cá nhân đều được các thầy cô hướng dẫn từng li, từng tí. Những hôm đau ốm, giáo viên cũng thức trắng đêm. Đối với những em bệnh nặng, nhà trường cử người đưa đi bệnh viện bởi gia đình các em gần như không có điều kiện.

Để tạo một không gian thân thuộc cho học sinh, nhà trường kêu gọi mọi người đóng góp kinh phí xây dựng nhà sàn, sân bóng và tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa mang đậm tính chất đặc trưng văn hóa của người Bahnar để các em xem trường như nhà mình mà không còn bỏ trường, bỏ lớp. Nhờ cách làm này mà bây giờ nhà trường luôn duy trì sĩ số đạt gần 99%. Em Đinh Thị Hay (làng Đak Trum, xã Đak Rong), học sinh lớp 5D chia sẻ: “Em thích đi học hơn thích đi nhà đầm (nhà rẫy), đi học vui hơn vì có nhiều bạn và cũng biết được nhiều điều hơn. Chúng em sẽ cố gắng học để không phụ lòng thầy cô đã quan tâm, chăm sóc…”.

Đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Roong, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của thầy cô nơi đây. Họ như những ngọn đèn không bao giờ tắt giữa đại ngàn.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm