Kinh tế

Những người còn chịu thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cùng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nhưng những người làm công tác này ở các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp lại chịu nhiều thiệt thòi về chế độ chính sách cũng như trang-thiết bị công cụ hỗ trợ khi gặp tình huống cấp thiết. Vì vậy, lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở những đơn vị này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Làm đường ranh cản lửa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Làm đường ranh cản lửa. Ảnh: Nguyễn Diệp

Gia Lai có đất rừng chiếm khoảng 705.377,4 ha; trong đó, rừng tự nhiên 658.565 ha, rừng trồng 46.811 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho 20 BQLRPH, 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp cùng một Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng quản lý và bảo vệ. Song song với lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị này cũng có lực lượng làm nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Mặc dù cùng chung nhiệm vụ nhưng hiện nay những người làm việc ở các BQLRPH và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và bất cập về chế độ đãi ngộ cũng như công cụ hỗ trợ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly được giao quản lý 18.000 ha rừng phòng hộ trải dài ở 4 xã: Ia Kreng, Ia Ka, Ia Nhin và Ia Mơ Nông và thị trấn Ia Ly (thuộc địa bàn huyện Chư Pah). Theo đánh giá của lãnh đạo BQLRPH Ia Ly, diện tích rừng khá lớn nhưng lực lượng hiện nay của Ban mỏng chỉ có 23 người gánh vác trọng trách quản lý bảo vệ rừng không bị xâm hại là vô cùng khó. Dù vậy, anh em vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm được giao. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn, bất cập vì mức lương thấp so với công việc thực tế; không có các công cụ hỗ trợ cần thiết cho lực lượng nòng cốt khi đi làm công tác quản lý bảo vệ rừng…

Anh Nguyễn Ngọc Hiền-Trạm trưởng Trạm cửa rừng số 1, BQLRPH Ia Ly tâm sự: “Trước đây các anh em phải ở trong căn nhà tạm bợ, vừa rồi được tỉnh đầu tư xây dựng nhà mới nên anh em rất phấn khởi. Tuy nhiên, đời sống của 5 anh em ở Trạm gặp rất nhiều khó khăn do lương thấp (anh Hiền có thâm niên công tác hơn 20 năm nhưng lương chỉ 4 triệu đồng/tháng và thêm 100 ngàn đồng tiền điện thoại), trong khi mọi sinh hoạt ăn, uống và các chi phí khác chúng tôi phải tự bỏ tiền túi để đóng góp và trang trải cuộc sống. Không những vậy, đường giao thông cách trở, nằm xa khu dân cư nên không có các “công ty hai sọt” ra vào cung cấp thực phẩm tươi sống nên anh em thay phiên nhau ra chợ Ia Sao cách đấy khoảng 18 km mua thực phẩm về để ăn vài ba hôm sau là chuyện bình thường. Cũng theo anh Hiền, dù cùng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nhưng lực lượng kiểm lâm địa bàn lại có nhiều ưu đãi hơn chúng tôi rất nhiều. Vì vậy Nhà nước cần có chế độ chính sách phù hợp để những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng như chúng tôi yên tâm công tác lâu dài”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Rân-Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Gia Lai, cho biết: Hiện nay hầu hết lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở các BQLRPH và công ty lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù cùng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nhưng lực lượng ở đây hưởng chế độ chính sách của Nhà nước còn thiệt thòi hơn nhiều. Như không có phụ cấp thâm niên nghề; ưu đãi ngành và các trang-thiết bị hỗ trợ để thi hành nhiệm vụ. Nói chung họ thiệt thòi hơn so với lực lượng Kiểm lâm.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Văn Cậy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng, cho hay: Đơn vị hiện đang quản lý trên 18.000 ha rừng. Nhiều năm nay, lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng của đơn vị cũng chỉ sống bằng mức lương cơ bản theo ngạch, bậc. Vì vậy, đời sống gặp rất nhiều khó khăn do mức lương thấp, không có nhiều ưu đãi về chế độ chính sách… Theo ông Cậy: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là thang bậc lương giữa các lực lượng cùng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nhưng lực lượng ở các công ty lâm nghiệp chịu nhiều thiệt thòi hơn. Họ không được hưởng thâm niên, ưu đãi nghề mà chỉ sống bằng mức lương cơ bản. Dù mang tên công ty TNHH một thành viên nhưng thực tế không có các hoạt động sản xuất kinh doanh mà chủ yếu sống từ nguồn lương cơ bản. Đặc biệt, những khu rừng nằm gần những khu dân cư, đường giao thông… áp lực rất lớn và dễ bị xâm hại. Vì vậy cần khoán định mức thấp hơn những khu vực xa xôi hẻo lánh”.
 
Để công tác quản lý bảo vệ rừng phát huy hiệu quả cao nhất, Nhà nước cần có chế độ chính sách phù hợp cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở các công ty lâm nghiệp và BQLRPH. Vì đã cùng ngành nghề thì nên có sự công bằng về chế độ chính sách nhằm thu hút mọi người cùng tham gia bảo vệ rừng, để những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng yên tâm công tác giữ màu xanh cho rừng.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm