Theo dõi dự báo thời tiết. |
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên- ông Tạ Đăng Hoàng bộc bạch: “Nói không phải để tự đề cao công việc mình đang làm, nhưng hầu hết những người làm nhiệm vụ “đoán ý trời” phải yêu công việc và biết vượt qua áp lực dư luận mới gắn bó lâu dài với nghề”.
Tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên những ngày Gia Lai bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Một tổ làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin đầu vào 5 người ngồi trong căn phòng 30 m2 dán mắt vào vi tính cập nhật thông tin diễn biến thời tiết từ các trạm khí tượng thủy văn thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên chuyển về, trong đó nguồn thông tin từ 4 trạm khí tượng cơ bản, 3 trạm thủy văn và 8 điểm đo mưa. Nguồn tin tại địa bàn được kết hợp với số liệu đầu vào của châu lục, quốc gia được lấy từ mạng internet, mạng nội bộ ngành… tạo ra hệ thống nguồn tin đa dạng làm cơ sở phân tích, đối chiếu để chạy nhiều mô hình, phương án dự báo khác nhau trước khi thống nhất chọn ra phương án tối ưu nhất chuyển thành bản tin dự báo thời tiết chính thức.
Công việc vô cùng vất vả khi mỗi ngày phải công bố 1 bản tin dự báo thời tiết, đặc biệt khi diễn biến thời tiết phức tạp, mật độ cập nhật tiếp tục rút ngắn để chuyển tải kịp thời đến cơ quan chức năng và nhân dân. Để có một bản tin thời tiết chính thức, nguồn thông tin đầu vào tại địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng. Cán bộ làm việc tại trạm thủy văn, các điểm đo mưa đặt ở vùng sâu, vùng xa trần mình giữa trời, cán bộ làm nhiệm vụ tại các trạm khí tượng duy trì chế độ quan trắc khí tượng từ 4 lần/ngày lên 7 lần/ngày. Thời gian làm việc không kể ngày, đêm để chuyển tải dữ liệu kịp thời về Trung tâm tổng hợp, phân tích chuyển thành bản tin dự báo thời tiết chính thức.
Anh Nguyễn Tiến Công- người có hơn 10 năm làm việc tại Trạm Khí tượng Thủy văn thị xã An Khê vừa được điều về giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Công việc vất vả, làm việc cả ngày đêm, nhiều lúc không được nghỉ lễ Tết, trong khi thu nhập hàng tháng chỉ dựa vào đồng lương cơ bản nên cuộc sống của anh em nói chung là khó khăn.
“Vất vả, thu nhập thấp nhưng anh em không ngại, lo nhất là không nhận được sự cảm thông, chia sẻ”- Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên- ông Trần Trung Thành thổ lộ. Khu vực Tây Nguyên có 34 trạm khí tượng thủy văn tiếp nhận thông tin đầu vào chuyển tải về Trung tâm làm cơ sở dữ liệu phân tích đưa ra dự báo, chỉ đáp ứng 40% yêu cầu công việc. Khoảng cách trạm cách trạm hiện nay quá xa, công nghệ dự báo cơ sở chuyển về còn sử dụng bằng điện thoại nên khả năng thu nhận, xử lý nguồn tin cũng bị hạn chế. Kinh tế phát triển mạnh cũng đã tác động tiêu cực đến thiên nhiên, gây biến động khí hậu trên phạm vi rộng; diễn biến mưa, lũ tại địa bàn Tây Nguyên thời gian qua nhiều lúc trái quy luật làm công tác dự báo thời tiết hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, cái được ấy ít khi nhận được lời động viên, khích lệ, song chỉ cần 1 bản tin dự báo độ chính xác không cao, lập tức bị dư luận chỉ trích. Cách nhìn thiếu chia sẻ và cảm thông ấy thực sự tạo ra sức ép công việc cho những người làm công việc dự báo.
Quang Văn