(GLO)- Các căn cứ địa cách mạng Krong (huyện Kbang), Yang Bắc (huyện Đak Pơ), Ia Boòng (huyện Chư Prông), xã Gào (TP. Pleiku)... không chỉ là những chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động chống giặc cứu nước mà còn là nơi sinh ra và lớn lên của rất nhiều người hiện đang làm cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ban, ngành. Đó là các đồng chí: Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Phạm Thị Tố Hải-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Thủy-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; H’Ngân-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang...
Nhớ lại chuyện cũ, đồng chí Hồ Văn Điềm cho biết: Bố mẹ tôi đều là cán bộ cấp cao của tỉnh Gia Lai, đều tham gia hoạt động cách mạng trong khu căn cứ địa Krong. Tại đây, năm 1965, mẹ tôi (bà H’Lơ-P.V) đã sinh chị H’Ngân, hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang. Năm 1968, mẹ sinh ra tôi. Năm 1969, trong đợt máy bay B52 của Mỹ oanh kích vào căn cứ địa Krong, mẹ tôi chẳng may bị trúng mảnh bom và bà đã hy sinh, bỏ lại chị em tôi! Sau khi mẹ hy sinh, bố đưa tôi về căn cứ địa Yang Bắc ở với bà ngoại. Lớn lên, tôi được đi học ở trường thiếu sinh quân, học cao đẳng, đại học và làm việc trong cơ quan nhà nước cho đến nay.
Nhắc đến chuyện sinh nở, bà Phan Thị Mô, hiện ở 52 Hoàng Văn Thụ, phường Ia Kring, TP. Pleiku kể: Bà ưng ông Đặng Ngọc Bân (Bo) ở trong núi. Ngày đó, bà làm y tá thuộc Tỉnh ủy Gia Lai, còn ông Bân làm Bí thư Huyện ủy Chư Prông. Ông bà sinh dưỡng được 2 người con (Đặng Phan Chung, hiện là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Đặng Thị Ngọc Lý, hiện làm giáo viên ở Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) ở trong núi. Bà nhớ nhất là ngày 15-3-1971, đội công tác của bà đang ở căn cứ xã E7, H5 (nay là xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) thì nhận được tin mật báo: Mỹ-Ngụy ở đồn Lệ Thanh (nay thuộc xã Thăng Hưng và xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) và đồn Lệ Ngọc (nay thuộc thị trấn Chư Prông) phối hợp đổ bộ vào xã E7 càn quét. Nhận được tin này, đội công tác của bà liền chạy vào căn cứ xã E6 (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) để bảo toàn lực lượng. Trên đường chạy giặc, đến khu vực rừng le, gần làng Klũ, xã E7 thì bà đau đẻ dữ dội. Không thể chạy tiếp, đồng đội liền đưa bà vào khoảng trống ở giữa những bụi le xanh tốt nhất để bà sinh nở. Và bà đã sinh ra anh Đặng Phan Chung bây giờ. Lúc mới sinh ra, Chung khóc quá chừng quá đỗi. Sợ bị giặc phát hiện, bà đành phải bịt miệng Chung nhiều giờ liền. Sau này, để nhớ tới việc bà sinh con trong rừng le, nhiều người thường gọi anh Chung là Le.
Nói đến chuyện đi kháng chiến cứu quốc, bà Phạm Thị Nga đang ở 33 Quyết Tiến, phường Ia Kring, TP. Pleiku không giấu được niềm tự hào: Bà tham gia hoạt động cách mạng từ hồi còn ở dưới quê (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Năm 1961, địch càn quét dữ quá, bà cùng các đồng đội tạm biệt quê nhà, hành quân lên căn cứ địa Krong. Lên căn cứ này, bà được Tỉnh ủy Gia Lai đón tiếp chu đáo và giao nhiệm vụ làm văn thư đánh máy. Tại đây, bà tìm hiểu và kết hôn với ông Phan Duy Ngọc. Ông bà sinh chị Phan Thị Thủy Ngân vào năm 1965 và Phan Thị Kim Nguyên vào năm 1973. Thủy Ngân và Kim Nguyên đều chăm ngoan, học xong đại học và có công ăn việc làm khá ổn định. Thời trước, căn cứ này còn thiếu thốn về vật chất, nhưng mọi người giàu về tình cảm, nhất là mỗi lần sinh đều được cơ quan, các đồng chí, đồng đội quan tâm giúp đỡ. Nhờ được sinh sống và làm việc trong môi trường đầy tình đồng chí, động đội mà gia đình bà luôn hòa thuận và hạnh phúc.
Những người được sinh ra trong các căn cứ địa cách mạng đều có một điểm chung là ý chí vượt khó vươn lên. “Có lẽ được thừa hưởng những năm tháng hoạt động cách mạng của bố mẹ nên những người con sinh ra từ căn cứ địa cách mạng đều có ý chí khắc phục khó khăn, tự lập, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”-đồng chí Hồ Văn Điềm tự hào cho biết thêm.
Hoàng Minh