Phóng sự - Ký sự

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 3: Về Đồng Tháp Mười xưa với cô gái 23 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khách du lịch hết trồng lúa, nhặt trứng vịt rồi chuyển sang ngồi xe trâu dạo quanh ruộng đồng bát ngát. Đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi đặt chân đến với Viet Mekong Farmstay của Hồ Ngọc Trâm ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp.
Hồ Ngọc Trâm đang tạo dựng “Đồng Tháp Mười xưa” thân thiện, an lành cho du khách - Ảnh: T.NHƠN
Hồ Ngọc Trâm đang tạo dựng “Đồng Tháp Mười xưa” thân thiện, an lành cho du khách - Ảnh: T.NHƠN
Tất cả thực phẩm ở đây đều trồng theo hướng hữu cơ tự nhiên có thể ăn tại chỗ, từ đậu đũa, đậu bắp, cà chua, so đũa đến hoa đậu biếc, hoa hồng...
HỒ NGỌC TRÂM
23 tuổi, quê Đồng Tháp, Hồ Ngọc Trâm hiện là sinh viên năm 3 chuyên ngành văn hóa du lịch Trường đại học Đồng Tháp.
Ngập tràn khó khăn ban đầu
Cũng giống các du khách, tôi như lạc vào miền ký ức khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười xưa với mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp sạch.
Cách thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) chừng 500m, dự án Viet Mekong Farmstay đang tất bật chuẩn bị các công đoạn cuối cùng cho việc đón du khách trở lại sau dịch COVID-19.
Nằm lọt thỏm giữa bốn bề là ruộng lúa, cảm nhận đầu tiên khi đặt chân tới nơi đây là không khí trong lành, sảng khoái. Đường đê nhỏ rợp hoa mười giờ, dừa cạn. Men theo những hàng dừa, chuối là không gian thiên nhiên hoang dã xưa.
Đó là nhà tranh vách lá Nam Bộ, là ao sen, vườn rau, vườn hoa xanh mướt mắt. Cạnh đó là gian nhà trưng bày các dụng cụ làm đồng, bắt cá. Những cái cà ràng, mê bồ đựng lúa, gian bếp cũ dẫn du khách lạc vào vùng Đồng Tháp Mười xưa.
"Càng hiện đại người ta càng yêu thích những giá trị xưa. Ngày nay, do không gian sống chật hẹp, ồn ào nên du khách thường hay tìm về với thiên nhiên, với sự mộc mạc, giản dị" - Hồ Ngọc Trâm, CEO Viet Mekong Farmstay, chia sẻ.
Farmstay của Trâm kết hợp du lịch với trải nghiệm nông nghiệp sạch. Tại đây, du khách được tận tay trồng lúa, thu hoạch nông sản, đánh bắt cá đồng và cưỡi xe trâu men triền đê hóng gió. Mục đích Trâm gửi gắm đến du khách không đơn thuần là vui chơi, giải trí bình thường mà còn hướng đến việc tìm hiểu văn hóa bản địa.
"Mình không đi theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng, nên hiện mỗi tháng chỉ đón từ 30 đến 40 khách. Cái mình muốn là du khách có được những cảm nhận thú vị về vùng đất phương Nam" - Trâm cho biết.
Câu chuyện Trâm đến với du lịch cũng hoàn toàn bất ngờ thú vị, bởi trước đó cô vốn chọn học sư phạm mầm non. Những giờ học trên giảng đường, cô thấy mình "lạc lõng" và mất định hướng nghề nghiệp.
Mãi đến khi gặp tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh, giảng viên Đại học Đồng Tháp, cô mới được "khơi thông" và quyết dấn thân cho đam mê.
Trâm chọn học lại ngành du lịch và không ngại ngần làm lễ tân, chạy bàn, dọn phòng. Cô tham gia các hội, nhóm khởi nghiệp tại Đồng Tháp, đi thực tế các mô hình khởi nghiệp du lịch trên khắp cả nước.
Từ đó Trâm nhận thấy Đồng Tháp có những giá trị văn hóa bản địa rất đặc sắc, có thể phát triển loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm ruộng đồng thực tế.
Không chịu an phận làm thuê lãnh lương như bao người khác, Trâm quyết định dấn thân khởi nghiệp riêng. Số vốn ban đầu từ tiền cô dành dụm và kêu gọi một số nhà đầu tư cùng nhiệt huyết. Nhưng con đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng cho bất kỳ ai, với Trâm cũng thế.
Cô vẫn còn nhớ như in những tháng ngày băng đồng vượt nắng gió tìm địa điểm đặt farmstay. Địa điểm phải đủ rộng và không quá cách xa thành phố. Cuối cùng, cô chọn Tam Nông bởi gần Vườn quốc gia Tràm Chim và không quá xa với du khách Cần Thơ, TP.HCM.
Khó khăn cũng bắt đầu từ đây. Đất đai sau khi cày ải sâu thì nổi phèn vàng quạch. Thói quen canh tác sử dụng thuốc hóa học và phân dìm phèn khiến phèn bị chôn sâu xuống lòng đất. Trâm quyết tâm cải tạo đất bằng cách rải vôi, bón hữu cơ và bỏ ruộng cho cỏ dại, lục bình mọc hoang để phục hồi đất.
Vụ đầu tiên cô cày ải đất trồng sen, toàn bộ chết sạch. Hàng cây dâu tằm, xoài, mận trồng quanh bờ đê cũng vàng hoe, rũ chết.
"Thiệt sự là nản vô cùng luôn. Mặc dù ban đầu xác định sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đến mức cỏ cây chết hết thì mình không lường trước được. Bỏ cuộc thì dễ, đi tiếp mới thật sự khó khăn" - Trâm tự nhủ rồi bước tiếp.
Cô dẫn nước từ sông vào ruộng để rửa phèn hết đợt này đến đợt khác. Phải mất hơn nửa năm, bông sen đầu tiên mới nhú lên khỏi mặt ruộng và hé cánh nở. Cá nhỏ cũng bắt đầu xuất hiện trên kênh rạch quanh ruộng...
Đường vào farmstay men theo bờ ruộng nên việc chuyên chở nguyên liệu xây cất lán trại, bungalow cũng muôn phần trắc trở. Trâm phải dùng xe trâu kéo từng đoạn gỗ, phên lá dừa từ ngoài lộ lớn vào. Gạch tàu, lá dừa, gỗ được Trâm đích thân đến vùng sản xuất mang về.
"Mình muốn tự tay lựa vật liệu xây dựng farmstay. Tiêu chí là sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng không gian xanh kết nối mọi người với nhau" - Trâm cho biết.
Những lán trại đầu tiên bắt đầu được dựng lên, rồi sen, lúa cũng dần vượt thử thách khắc nghiệt. Thông qua những đơn vị lữ hành, những đoàn du khách Việt, Nhật Bản, châu Âu ghé thăm farmstay và vô cùng hào hứng với những trải nghiệm thú vị.
Farmstay dần đi vào hoạt động ổn định với lượng du khách đặt tour đều đặn hằng tháng.
Du khách Tây trải nghiệm thú vui đồng quê hoang dã, tinh khiết - Ảnh: NVCC
Du khách Tây trải nghiệm thú vui đồng quê hoang dã, tinh khiết - Ảnh: NVCC
Trải nghiệm nông nghiệp tinh khiết ngày xưa
Con trâu, ruộng lúa bắt đầu biết làm du lịch. Du khách đến farmstay được cưỡi trâu tắm sông, thu lượm trứng vịt, đổ bánh xèo bánh khọt. Tối đến được nghe đờn ca tài tử và các bậc tiền nhân kể về lịch sử hình thành vùng đất Đồng Tháp Mười, những điển tích, điển cố nơi mảnh đất phương Nam.
Hái vài loại hồng thơm ngoài vườn, rửa sạch rồi châm trà hoa đãi khách, Trâm tâm sự dân Đồng Tháp Mười ngày xưa chỉ trồng lúa mùa, ăn cá đồng nên chuyện bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoàn toàn không có.
Chính vì vậy bữa ăn dành cho thực khách tại farmstay cũng chú trọng vào chế độ ăn thực dưỡng với rau, củ, quả và hạn chế đạm, đặc biệt là đạm 4 chân như heo, bò.
Farmstay sắp tới sẽ hướng đến luân vụ giữa trồng sen, trồng lúa ST và thả nước tràn đồng nuôi cá mùa lũ. "Mình cố gắng đưa mùa vụ ruộng đồng trở lại thuận thiên nhiên như xưa. Mùa nào thức nấy để du khách cảm nhận rõ ràng nhất về vùng Đồng Tháp Mười xưa cũ" - Trâm chia sẻ.
Hiện farmstay có một lán trại lớn có sức chứa khoảng 50 khách và 10 bungalow có sức chứa khoảng 20 khách. Tất cả đều được làm hoàn toàn từ gỗ, tre, lá. Vỏ gối nằm được làm từ khăn làng dệt choàng Hồng Ngự.
Thay vì dùng nhang muỗi hay bình xịt côn trùng thì chủ nhân chọn trồng sả tím và dùng tinh dầu sả để xua đuổi muỗi, rắn...
Hiện Trâm đang theo học các lớp CEO khởi nghiệp, song song đó trau dồi thêm tiếng Anh để có thể dễ dàng giao tiếp với du khách nước ngoài. Với Trâm, muốn thành công cần phải có khát khao theo đuổi đam mê đến cùng.
Trong một lần được mời về giao lưu với học sinh Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp), Trâm từng chia sẻ: "Mặc dù chị có nhiều điều kiện để đi xa, nhưng chị quyết ở lại để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tạo ra những giá trị cho cộng đồng. Chỉ cần kiên trì, giữ vững lòng tin vào đam mê thì thành công sẽ đến".
Dám đương đầu thử thách
Là người hướng dẫn, gắn bó với Trâm từ những ngày đầu khởi nghiệp, TS Nguyễn Trọng Minh - giảng viên Đại học Đồng Tháp - cho biết ý chí Trâm rất bền bỉ, không bỏ cuộc khi gặp sóng to gió lớn.
"Trâm luôn đương đầu mọi thử thách, không chọn việc nhẹ nhàng để làm. Trâm muốn xây dựng một hình tượng người trẻ dám nghĩ dám làm trên mảnh đất sen hồng Đồng Tháp", TS Minh chia sẻ.
Học xong đại học, đi bộ đội, rồi trải qua một số công việc hấp dẫn, nhưng cuối cùng chàng trai trẻ vẫn quyết định quay về quê hương miền Tây tạo dựng cánh đồng thu nhập cao...
Kỳ tới: Làm giàu cho quê hương mình trước
THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm