Trong tâm thức người Việt Nam, niềm vui đón Tết bao giờ cũng gắn với việc đoàn tụ gia đình, quây quần bên người thân. Ngày cuối năm này, dù xa cách dặm dài, đi lại khó khăn, đắt đỏ, nhưng vẫn có rất nhiều người con miền Bắc đang sinh sống, làm việc tại Gia Lai hối hả tìm cho mình một tấm vé xe với hy vọng kịp trở về sum họp bên gia đình.
Khác hẳn với không khí ồn ào, đông đúc người xe của hàng chục ngày qua, sáng 12-2 (tức 29 Tết), bến xe Đức Long khá vắng vẻ, yên tĩnh. Trên bến, ở khu vực dành cho xe khách chạy tuyến phía Bắc chỉ còn duy nhất chiếc xe ô tô biển số 29Z-6690 của hãng Quân Trung. Đây là chuyến xe cuối cùng chở những hành khách từ Gia Lai về các tỉnh phía Bắc ăn Tết.
Ngồi đợi xe chạy, em Phạm Thị Hiệp (quê Yên Khánh, Ninh Bình) không giấu nổi vẻ bồn chồn của một người lần đầu biết đến cảm giác đi xa- trở về. Mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9, Hiệp đã phải xa nhà vào Pleiku giúp việc nhà cho một người cô họ để có thêm được ít tiền phụ giúp cha mẹ nuôi 2 đứa em ăn học. Hiệp bảo, về quê lần này, ngoài tiền công 4 tháng, cô em còn cho thêm 500 ngàn đồng. Em sẽ đưa tất cả cho mẹ để lo Tết.
Những hành khách cuôi cùng tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh Tiến Dũng |
Cũng trên chuyến xe trên còn có vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Dương (kế toán Siêu thị Co.op Mart Gia Lai). Bồng trên tay cô con gái mới 2 tháng tuổi, nghĩ đến hành trình gần một ngàn cây số, khuôn mặt chị Dương không giấu nổi những nét âu lo. Bởi lẽ, mấy ngày gần đây, cháu bé bỗng nhiên bị viêm phế quản. Phải đến chiều 11-2, khi bệnh cháu đỡ bớt, vợ chồng chị mới quyết định mua vé về quê, vừa là để ăn Tết vừa kết hợp đưa con đi khám bệnh.
Không định về quê ăn Tết, nhưng cuối cùng Bàn Hữu Quảng (người dân tộc Dao, quê huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) vẫn buộc lòng phải có mặt trên chuyến xe sáng 29 Tết. Quảng kể, đầu năm 2009, em và 2 đứa bạn cùng quê vào Gia Lai kiếm việc. Ban đầu thì làm thợ hồ, sau chuyển sang làm điện dân dụng. Thu nhập mỗi tháng trừ ăn uống cũng còn khoảng trên 1,5 triệu đồng gửi về cho cha mẹ. Một tháng trước, 2 người bạn của Quảng đã về quê, riêng em thì ở lại để tranh thủ làm và học thêm về nghề điện. Thế nhưng sáng 28 Tết, bố Quảng gọi điện vào nói em phải về gấp vì ông nội năm nay 85 tuổi bỗng nhiên đổ bệnh. Lòng nặng trĩu lo lắng, Quảng bảo: “Em chẳng còn bao nhiêu tiền để về quê. Nhưng không về không được. Sau Tết, nếu ông nội khỏe, em lại vào Gia Lai. So với những nơi em đã làm, ở Gia Lai cuộc sống khá dễ chịu, thu nhập lại cao”.
Hầu hết những hành khách có mặt trên chuyến xe cuối cùng rời bến Đức Long về các tỉnh phía Bắc ăn Tết mà chúng tôi gặp đều là người lao động. Cũng như tất cả những người Việt Nam khác, họ rất muốn được về sớm để chuẩn bị đón mừng năm mới bên gia đình và người thân. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, trong đó đa phần liên quan đến công việc, phải đến tận ngày áp chót của năm cũ, họ mới được lên xe trở về nhà. Nếu không có bất trắc nào xảy ra trên đường, chỉ sớm ngày 30 Tết, những người như vợ chồng chị Dương, em Hiệp sẽ có mặt ở nhà. Còn với những người ở xa hơn như Bàn Hữu Quảng, dù sau khi xuống xe ở Hà Nội, em sẽ lại phải tiếp tục một chặng hành trình dài và khó nhọc để về Bắc Kạn. Nhưng chắc rằng em sẽ kịp có mặt ở nhà khi mâm cơm chiều 30 Tết của gia đình được bày ra.
Tiến Dũng
Theo ông Lê Phú Hà- Giám đốc Bến xe Đức Long, từ ngày 30-1 đến 11-2-2010 (tức ngày 28 Tết), tổng cộng đã có 9.318 hành khách từ Bến xe Đức Long đưa khác về các tỉnh phía Bắc ăn Tết. Để giải quyết vấn đề đi lại cho số khách này, ngoài 155 lượt xe như kế hoạch, các doanh nghiệp vận tải đã phải huy động thêm 87 lượt xe. Ban quản lý bến xe đã đảm bảo cho tất cả các hành khách vào bến đi về quê đều có ghế ngồi. Không có hiện tượng hành khách nào bị chèn ép, mất cắp tài sản.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu