Phóng sự - Ký sự

Những nốt trầm, ai tỏ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
…Tôi rẽ vào nhà 34 của cụ Trịnh Văn Bô liền kề với ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đường Hoàng Diệu (Hà Nội). Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã về cõi năm 2018 thọ 104 tuổi. Bây giờ người con trai của cụ, ông Trịnh Cần Chính ở nhà 34 này. Nhiều năm, may mắn nhiều lần tôi được thường xuyên lui tới nhà 34!

Nỗi buồn của người con trai Cụ Trịnh Văn Bô

… Cụ Trịnh Văn Bô, dòng dõi của Khánh quận công Trịnh Kiều, con thứ tư Chúa Trịnh Cương. Thân sinh cụ Bô, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ Trịnh Phúc Lợi. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau nối nghiệp chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột ông cũng là một doanh nhân nổi tiếng đầu thế kỷ XX với hiệu buôn Cự Hưng. Cha ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà còn nổi tiếng đào tạo ra lớp doanh nhân kế thừa. Trong số học trò của cụ Phúc Lợi, ngoài 2 người con ruột là Trịnh Văn Bô (sau kế thừa hiệu Phúc Lợi) và Trịnh Thị Thục (hiệu Phúc Đồng), còn có Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa, Sài Gòn)... đều trở thành những doanh nhân thành đạt tại Việt Nam giữa thế kỷ XX.

Ông Trịnh Văn Bô được học hành tử tế, thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp. Nhưng tốt nghiệp tú tài, cha ông không cho sang Pháp học tiếp, giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp. Bấy giờ, hiệu buôn Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang và do mẹ của ông làm quản lý.

Những ngày đầu cụ khởi nghiệp chỉ bằng 30 ngàn Đông Dương nhưng tháo vát sáng tạo cẩn thận và tiết kiệm, cộng với uy tín được cha ông chuyển nhượng lại từ đời trước nên việc kinh doanh của gia đình lớn mạnh dần. Hai ông bà đã kế thừa và nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi, trở thành một nhà tư sản lớn thời bấy giờ. Hiệu buôn Phúc Lợi sản xuất và buôn bán tơ lụa sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan. Thậm chí có giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật.

Khỏi nhắc lại sự hằng tâm hằng sản của vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô đối với chính quyền non trẻ. Họ đã hiến cho Chính phủ 5.147 lượng vàng (gấp đôi ngân khố Chính phủ năm 1946).

Ở nhà 34 có một thứ gần như quốc bảo. Đó là chiếc tràng kỷ mà Cụ Hồ, thời gian tá túc ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô sau khi từ chiến khu về Thành đã từng dùng làm giường ngủ. Theo lời cụ bà, nhà 48 Hàng Ngang, giường chiếu bàn ghế vật dụng đủ cả nhưng nhiều khi mang trà nước, hoa quả lên cho ông cụ và những ông Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… thấy Cụ Hồ khi ngồi, khi phủ phục trên chiếc tràng kỷ mà viết lách gì đó.

Về sau, người nhà nước nói lại với gia đình bà, cũng chính trên chiếc tràng kỷ này cụ Hồ Chí Minh đã khởi thảo và hoàn chỉnh bản Tuyên Ngôn độc lập công bố trước quốc dân đồng bào chiều 2/9/1945.

Sau này yên hàn, khi quyết định hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang và vật dụng để làm nhà bảo tàng, cụ ông và cụ bà Trịnh Văn Bô đã giữ lại chiếc tràng kỷ này để có chút kỷ niệm về Bác.

Nhưng các nhà chức việc không đồng ý nói là chiếc tràng kỷ và cũng là cái giường này đã thuộc về lịch sử!

Mặc dù hai cụ không thuận việc hiến tặng tiếp chiếc tràng kỷ nhưng vẫn có có người đến nài cụ nhường lại chiếc tràng kỷ cho nhà bảo tàng 48 Hàng Ngang.

Và sau này khi xây xong Bảo tàng Hồ Chí Minh, người ta cũng gợi ý là chủ nhà nên hiến nốt chiếc tràng kỷ? Nhưng cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn không đổi ý!

Chất giọng rành rọt của cụ bà buổi tối được ngồi hầu chuyện cụ tại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu ấy khiến tôi giật mình tôi không đổi ý vì sau này nhỡ ra có bề nào thì nhà mình mất hết kỷ niệm về Ông Cụ…

Tôi thoáng giật mình vì linh cảm của cụ bà đã đúng.

Một quá vãng buồn ập về. Cái bề nào ấy là thế này…

…Tháng 10/1987, ông cố vấn Trường Chinh có mời ông Trịnh Văn Bô (ông Trịnh Văn Bô mất năm 1990) và bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.

Hai ông bà nhân cuộc gặp thân mật này đã ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều.

Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm ( 1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả.

Năm 1986, đồng chí Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai rất rộng rãi, khang trang. Gia đình tướng Hoàng Văn Thái được chuyển về Liễu Giai.

Ngày 1/6/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10/7/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho ông bà Trịnh Văn Bô.

Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn chưa nhận được nhà.

Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình Trịnh Văn Bô.

Ngày 24/10/1994, có hẳn một cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội và Sở Nhà đất thành phố Hà Nội quyết định trả nhà cho bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Không hiểu sao gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn không nhận được nhà! Điều kỳ quặc đến khó hiểu, rằng từng ấy cá nhân cùng cơ quan có trách nhiệm đã quyết định việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình ông Trịnh Văn Bô với ngần ấy chữ ký đầy quyền lực nhưng không được thực thi?

Nhà 34 Hoàng Diệu

Nhà 34 Hoàng Diệu

Mãi đến 9 năm sau, năm 2003, gia đình bà quả phụ Hoàng Thị Minh Hồ mới được trở về ngôi nhà cũ của mình ở 34 Hoàng Diệu, với những giấy tờ về bằng khoán điền thổ của ngôi nhà mà gia đình bà đã mua từ trước năm 1945.

Nhưng ít ai biết rằng để vào được chính ngôi nhà của mình sau những dằng dặc chầu chực xin xỏ, một việc mạo hiểm và vô tiền khoáng hậu đã diễn ra.

Anh con trai thứ của ông bà Trịnh Văn Bô là Trịnh Cần Chính (vốn là bạn chung của chúng tôi) chắc do quá bức xúc việc đòi nhà cứ phải chờ đợi dằng dặc… Chính đã chọn đúng đêm 10/10/2003 ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô để làm cái việc… giải phóng cho nhà mình.

Câu chuyện về cuối với doanh nhân Trịnh Cần Chính đột nhiên như hẫng hụt như rời rạc tẻ ngắt. Tôi hơi choáng như không tin ở tai mình bởi đến thời điểm này, sau tròn 20 năm việc bất đắc dĩ “nhảy dù’’ ngày ấy, nhà 34 này vẫn chưa được cấp sổ đỏ!

Tầm 3 giờ sáng, Chính đã cõng mẹ vượt rào đột nhập vào chính nhà mình ở 34 Hoàng Diệu.

Một sáng hè năm 1949. Chiến khu Việt Bắc.

Âm thanh vó ngựa dồn nước kiệu rồi dừng trước mấy căn nhà lụp xụp ven suối dành cho khu cán bộ tản cư trong An toàn khu. Người cưỡi ngựa chừng như đã thuộc lối, bước nhanh vào nhà của ông bà Trịnh Văn Bô. Thời ấy ông Bô đang có chân trong một cơ quan chính phủ. Vợ ông, Hoàng Thị Minh Hồ mới sinh con trai. Ông Bô hồ hởi bắt tay anh nhân viên giao thông của chính phủ. Khi đã ráo mồ hôi, khách cười xin lỗi.

“Tôi cũng đương bấn. Biết bà nhà vừa sinh cháu bé, Cụ Hồ giao cho tôi đem đến tặng chiếc gối bông và dặn nguyên văn thế này: Nếu cô chú chưa đặt tên cho cháu thì lấy tên Chính. Ý là Cần Kiệm Liêm Chính”.

Một góc Trịnh Gia Thế Miếu

Một góc Trịnh Gia Thế Miếu

Xuất hiện cái tên Trịnh Cần Chính là như thế!

May mà chiếc tràng kỷ sau bao tao loạn vẫn còn đây.

May nữa, trong 7 người con của ông bà Trịnh Văn Bô khi trưởng thành không ai theo nghiệp kinh doanh mà đều trở thành giáo viên, kỹ sư làm việc tại các cơ quan của nhà nước.

Mãi đến cuối 2014 ló dạng một kỹ sư doanh nhân Trịnh Cần Chính, cháu đích tôn nhà tư sản Trịnh Phúc Lợi- cha đẻ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô. Cứ như sự liền lại suốt một hoa giáp (60 năm) đứt đoạn mạch kinh doanh của nhà Trịnh Văn Bô?

Có vẻ như lần gặp lại này, Trịnh Cần Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long không muốn nhắc nhiều về quá trình vất vả gian truân để chèo lái con thuyền doanh nghiệp qua cơn sóng gió thương trường thời gian qua. Nhưng cũng được biết thêm, cô con gái lớn của Chính đang học tài chính kinh doanh ở nước ngoài. Cháu cũng có nguyện vọng về nước giúp việc cho bố. Và cô thứ hai, ông bố Trịnh Cần Chính cũng đã định hướng để theo nghề truyền thống của dòng họ Trịnh Văn Bô như cụ bà ngày nào căn dặn doanh nhân Trịnh Cần Chính trên chiếc tràng kỷ lịch sử làm gì thì làm nhưng buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo, làm việc phúc đức!

Câu chuyện về cuối với doanh nhân Trịnh Cần Chính đột nhiên như hẫng hụt như rời rạc tẻ ngắt. Tôi hơi choáng như không tin ở tai mình bởi đến thời điểm này, sau tròn 20 năm việc bất đắc dĩ “nhảy dù’’ ngày ấy, nhà 34 này vẫn chưa được cấp sổ đỏ!

Tại sao? Tôi hỏi Trịnh Cần Chính.

Ông hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Chịu đựng mãi rồi. Chắc cũng sắp thôi…

Ám ảnh mãi cái cười hiu hắt của chủ nhân khi tiễn khách.

Và nỗi đau của hậu duệ ông hoàng thủy tinh Đông Dương

Qua nhà sử học Dương Trung Quốc tôi quen với nhiếp ảnh gia Trịnh Tiến. Ông Tiến hằng bao năm lo chăm chút cái khoản ảnh cho Tạp chí Xưa& Nay.

Ông Trịnh Tiến là con trai cụ Trịnh Đình Kính.

Cụ Kính sinh năm 1886 quê làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai.

Năm mười tuổi, cậu bé Kính rời đất Thanh Oai lên Hà Nội kiếm sống gánh thuê than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Tàu ở phố Hàng Bồ. Có một ông chủ người Hoa đã sớm thấy được sự khéo léo, thông minh và trung thực của cậu bé, ông đã nhận cậu làm con nuôi và truyền nghề cho.

Dần dà, qua người bố nuôi, anh thợ Trịnh Đình Kính nắm trong tay những ngón nghề trong đó có bí quyết làm thủy tinh thời đó. Từ thô sơ đến cao cấp. Sản phẩm công ty mang tên Thanh Đức của ông Trịnh Đình Kính khá nổi tiếng.

Rồi sự kiện nhà hàng Gô-đa hợp đồng nhận hàng của Thanh Đức bởi sản phẩm không thua kém hàng Pháp quốc. Trịnh Đình Kính được Vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội Tinh. 16 lần, Thanh Đức được tặng Huy chương Vàng Hội chợ Đông Dương. Báo chí Pháp gọi ông Kính là ông hoàng thủy tinh Đông Dương. Cuốn Vua chúa và hào kiệt xứ Đông Dương (xuất bản năm 1943) viết nhiều về ông hoàng cùng nhiều mặt hàng thủy tinh.

Sau Cách mạng tháng Tám, nhà tư sản Trịnh Đình Kính ủng hộ hai vạn đồng Đông Dương và hàng tấn gạo cứu đói. Ông hăng hái tham gia “Tuần lễ vàng”. Ông bê một hộp đồ trang sức vài kí lô với hơn trăm cây vàng lá để ủng hộ Cách mạng. Ngôi nhà của ông ở 65 Hàng Bồ, Hà Nội trở thành nơi ăn ở cho nhiều đại biểu Quốc hội khóa I khi ấy. Năm 1947, Pháp bắt ông giam nhiều ngày trong Hỏa Lò vì tội ủng hộ Việt Minh.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà tư sản Trịnh Đình Kính giàu có đã về Đôn Thư dựng lên ngôi nhà thờ các chúa Trịnh với tư cách là hậu duệ thứ chín của Chúa Trịnh Căn có tên là Trịnh Gia Thế Miếu (TGTM). Ngôi thế miếu nguy nga nhưng duyên dáng nằm giữa làng Đôn Thư nay thuộc xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội.

Sau này, giới kiến trúc và sử học đã đồng thuận coi TGTM (được Hà Nội xếp hạng di tích) là loại hình kiến trúc ít gặp ở nước ta. Ngôi TGTM bề thế nổi trội ở làng Đôn Thư sau 1954 đã trở thành trụ sở làm việc chính của Ủy ban Hành chính huyện Thanh Oai sau thỏa thuận giữa những nhà chức việc với nhà tư sản Trịnh Đình Kính. Thỏa thuận rằng, huyện mượn tạm ít năm, sau khi xây xong trụ sở huyện sẽ trả. Nhưng rồi việc xây trụ sở huyện đã hoàn tất nhưng việc trả lại không diễn ra. Đã thế huyện lại giao TGTM cho xã Kim Thư tiếp tục dùng làm trụ sở ủy ban xã!

Nhà tư sản, ông hoàng thủy tinh Đông Dương sau cải tạo gia sản đã sạch bách, đời sống cả nhà cùng quẫn, ở quê nhà lại có cơ mất nốt ngôi thờ tự tiên tổ đã mạnh dạn đâm đơn đi khắp các nơi kêu cứu.

Kêu thì cứ kêu, chẳng có một hồi âm! Trước khi nhắm mắt về với tiên tổ, cụ Kính dặn các con phải kiên trì đòi bằng được TGTM.

Cũng phải mở thêm cái ngoặc.

Ông Tiến như nhân chứng của Hà Nội một thời. Cái thời đại quân ta từ chiến khu kéo về Thủ đô tiếp quản. Mãi sau này có một cuộc triển lãm ảnh ghi lại những ngày nổi sôi tưng bừng ấy. Triển lãm ảnh khá độc đáo là 36 phố phường Hà thành mỗi phố, mỗi phường có một cổng chào mà lạ không có cổng chào nào giống cái cổng chào nào. Cổng chào như một thứ Khải Hoàn Môn được dựng lên để chào mừng đại quân. 5 tay máy Hà Nội khi ấy trong đó có Trịnh Tiến đã góp những tấm hình đen trắng về các loại cổng chào Hà Nội thời điểm những ngày tháng Mười năm 1954!

Lại cũng là người kém may mắn. Cạy cục xin vào một đoàn làm phim nhưng chỉ được giữ chân sai vặt.

Đứt mộng quay phim. Trịnh Tiến tiếp tục cái đam mê chụp ảnh. Ông chuyên chụp ảnh cho khách vãn hồ Hoàn Kiếm để kiếm sống những năm đầu 60.

Ai rủ đi chụp ảnh, Tiến cũng đi. Cánh bạn hữu nhiều người làm văn sử đã rủ rê chèo kéo Tiến. Nhà sử học Dương Trung Quốc tình cờ gặp được Tiến…

Bấn bíu tất tả mưu sinh cùng chia lòng chia trí niềm đam mê về ảnh, nhưng ở tuổi già sức lực đã chẳng còn mấy nả, ông Trịnh Tiến vẫn không nguôi niềm đau đáu mấy chục năm nay đòi lại TGTM! Hàng gánh đơn là cách nói của ông Tiến chỉ cái công sức kiên trì, nhẫn nhịn hằng bao năm của các thành viên họ Trịnh hậu duệ cụ Trịnh Đình Kính kêu lên các cấp.

Những xấp đơn từ do họ Trịnh ở Đôn Thư ủy quyền cho ông đứng đơn vẫn phải nhọc nhằn lần gửi đi.

Ngậm ngùi nhớ lại lần chứng kiến những nét hân hoan khi ông Tiến ngỏ cho tôi cái tin mừng!

Rằng trong chồng đơn thư gửi ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội việc trả lại TGTM đã có hồi âm.

Ông Bí thư Thành ủy đã chỉ thị cho UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Sở văn hóa phải giải quyết. Lại ấn định thời gian thực hiện là từ ngày 25/6/2019 đến ngày 5/7/2019.

Nhưng mọi sự sau đó vẫn tuyệt vô âm tín!

Lần ấy ông Tiến ốm nặng. Chúng tôi ghé thăm. Bên giường một con bệnh trọng, tôi cố trấn tĩnh trước những nhịp thở nặng nhọc của ông Tiến.

Thấy có điều chi đó khủng khiếp lẫn vô vọng khi cuối buổi thăm, ông Tiến phều phào nhắc cho một người cháu tin cẩn rằng “thế mấy cái đơn đã gửi cho ông Tân Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chưa?”.

Cũng cần nói thêm, ông hoàng thủy tinh Đông Dương Trịnh Đình Kính còn có người con gái là Trịnh Thị Ngọ, chị ruột ông Tiến. Đó là Hannah Hà Nội Trịnh Thị Ngọ.

Hannah là cái tên lính Mỹ dùng để gọi người con gái ông hoàng thủy tinh Đông Dương. Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng chính là phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam Trịnh Thị Ngọ có biệt hiệu là Thu Hương. Hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ gọi là Hannah có giọng nói chuẩn xác ngọt ngào được binh sĩ Mỹ rất ưa thích!

Cuối năm 1989, dịp dự Lễ kỷ niệm 30 năm Cục địch vận Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, trong số những người được vinh dự tặng thưởng Huân chương chiến công, tôi có dịp may được tiếp cận với Hannah Hà Nội danh tiếng!

Dù không được khỏe nhưng lần ấy ra Hà Nội (sau 1976 bà Ngọ và gia đình vào sinh sống ở TPHCM) bà Ngọ cũng phải gánh một việc trọng.

Đó là việc đòi lại nhà TGTM. Các cụ mình có câu con cả giả cha. Ấy là con trai là đàn ông. Nhưng bà Ngọ là con gái cả cụ Trịnh Đình Kính. Người thân bà đã từng hàng gánh đơn kêu cứu, lẽ nào mình là chị cả, con gái cả?

Tôi nhớ, mãi đến cuối năm 1992. Việc đòi TGTM của Hannah Hà Nội cũng chả đi đến đâu. Mặc dù bà Ngọ nhiều lần gửi đơn thư đến các vị lãnh đạo, các nhà chức việc và các cơ quan công quyền.

Cũng trích ra một đoạn lá đơn của bà Ngọ gửi Cố vấn Phạm Văn Đồng. (Hannah Hà Nội Trịnh Thị Ngọ từng được chụp ảnh với Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

“…Cháu kính xin Bác gia ơn can thiệp để con cháu họ Trịnh được nhận lại ngôi nhà Trịnh Gia Thế Miếu do chính bố cháu bỏ công sức xây dựng để thờ cúng Tổ tiên. Hiện tại ngôi nhà đã hư hỏng nhiều nếu không được trông nom gìn giữ thì rất lãng phí…”.

Rồi người con gái cả Trịnh Thị Ngọ của nhà tư sản dân tộc, ông hoàng thủy tinh Đông Dương cũng đã về cõi ôm theo nỗi niềm mong ngóng hậu duệ cụ Trịnh Đình Kính sẽ trở lại là chủ nhân ngôi thế miếu tâm linh của dòng họ Trịnh!

Và giữa giai đoạn dịch Covid-19 càn quét ác liệt, một ngày tháng 7/2021, người em trai của Hannah Hà Nội Trịnh Thị Ngọ, Trịnh Tiến cũng trút hơi thở cuối cùng!

Chắc sang cõi khác, ông Trịnh Tiến vẫn chưa hề hay biết, theo sự hối thúc trong cơn tuyệt vọng của ông, những lá đơn cùng một nội dung đòi lại TGTM mà người nhà ông sau đó gửi đến những vị có trách nhiệm đến thời điểm này, tháng 10/2023 vẫn chẳng hề có hồi âm!

Có thể bạn quan tâm