Những phận đời côi cút | Báo Gia Lai điện tử

Những phận đời côi cút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vì một phút cạn nghĩ của bậc sinh thành, những đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ như chim non mất tổ... Điều khiến chúng tôi day dứt mãi khôn nguôi chính là ánh mắt buồn bã, ngơ ngác của những đứa trẻ đáng thương ấy, bởi các em còn quá nhỏ để có thể hiểu và chống đỡ trước biến cố lớn của cuộc đời.
“Cái chết xấu” của làng
Khi chúng tôi đến làng Sur A (xã Ia Ko, huyện Chư Sê), Siu Núi đang ngồi ở bậu cửa, cầm que củi nhỏ nguệch ngoạc những hình thù vô định trên mặt đất. Thi thoảng, em ngước nhìn ra phía đường đi. Mọi ngày, cậu bé 7 tuổi vẫn ngồi đây ngóng mẹ. Nhưng mẹ em đã vĩnh viễn không về...
Cuối tháng 3-2019, một sáng thức dậy, Siu Núi thấy trong nhà ồn ào. Em sợ hãi vì nghe tiếng mẹ gào khóc. Người ta bảo với em rằng cha em vừa chết. Núi chưa hiểu thế nào là chết, chỉ thấy mẹ vật vã bên cha đang nằm bất động. Thỉnh thoảng, mẹ lại tự đấm vào ngực mình. Đám tang của cha Núi không đông, chỉ có những người trong họ tiễn cha về với “cõi ma”. Người lớn nói, đó là vì cha em đã chọn “cái chết xấu”.
Cha của Núi tên Siu Jêl (làng Vel, xã Ia Ko, huyện Chư Sê), treo cổ tự vẫn ở tuổi 49 sau một trận cãi vã với vợ. Nhà Núi có 3 anh em. Núi còn có 2 em gái nhỏ là Siu Bách (5 tuổi) và Siu Ren (3 tuổi). Cha mất, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ gửi Núi đến ở nhờ nhà dì ruột ở làng Sur A. Mẹ còn dặn, vài hôm nữa mẹ và các em sẽ đến thăm Núi. 1 tuần trôi qua, Núi cứ ngóng mãi mà chẳng thấy mẹ đâu. Rồi Núi thấy dì đưa các em đến. Hỏi sao mẹ không đến thăm Núi, dì chỉ nhìn em và khóc. Lúc ấy, Núi chưa biết rằng, vì quá đau đớn và ân hận sau cái chết của chồng, mẹ em-chị Siu Soát (40 tuổi) đã tự kết liễu cuộc đời bằng sợi dây thừng.
Chỉ trong 1 tuần, anh em Siu Núi đã trở thành trẻ mồ côi vì cả cha lẫn mẹ đều chết do tự tử. Ảnh: T.T
Chỉ trong 1 tuần, anh em Siu Núi đã trở thành trẻ mồ côi vì cả cha lẫn mẹ đều chết do tự tử. Ảnh: T.T
Sau biến cố ấy, ngôi nhà từng là tổ ấm của gia đình Siu Núi giờ đây chỉ còn cảnh hoang tàn, lạnh lẽo đến rợn người. Già làng Rmah Vít (60 tuổi, làng Sur A) cho biết, theo phong tục của người Jrai, người tự tử chết sẽ không được chăm sóc mồ mả như những người khác để con ma xấu không về quấy nhiễu buôn làng. Già Vít nói: “Người tự tử chết thì chôn riêng, không được chôn chung ở nhà mả trong làng, sợ nó lây cho người còn sống, lây cho trẻ em, thanh niên… Chôn được 1 tháng, 2 tháng thì trong họ nó bỏ mả luôn, không chăm sóc nữa”.
Ở Blút Griêng-một ngôi làng ở xã Al Bá, chúng tôi cũng gặp 3 chị em Puih Nga (21 tuổi), Puih Ngân (12 tuổi), Puih Ngoh (8 tuổi) cùng cảnh mồ côi cha mẹ. Cách đây 9 năm, cha các em mất vì bệnh tật; 2 năm sau, mẹ cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử. Trong tình cảnh ấy, Puih Nga dù còn nhỏ đã phải đi làm thuê để có gạo nuôi em. Ngân thì phải trông em để chị đi làm. Puih Ngoh khi ấy mới 1 tuổi, cứ khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Buồn nhất là những buổi chiều muộn, khi những đứa trẻ khác được trở về quây quần bên cha mẹ thì ngôi nhà của chị em Nga thật quạnh quẽ, đìu hiu… 3 chị em cứ thế chật vật lớn lên giữa núi rừng.
 Một người hàng xóm của các em, bà Puih Hyên, kể lại: “Tôi không biết nguyên nhân gì mà chị Puih Yu-mẹ của Nga-lại uống thuốc tự tử, chỉ biết sau khi chồng chết, Yu hay uống rượu. Sáng hôm đó tôi gặp chị ấy, trông chị cũng bình thường, nhưng buổi trưa thì người ta báo tin là đã chết trong rẫy rồi. Sau khi cha mẹ mất, chị em nó đáng thương lắm, còn nhỏ quá mà. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên, thỉnh thoảng cho ít gạo, ít muối vậy thôi”.
Những phận đời côi cút
Mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng 1 tuần, không còn chỗ nương tựa, 3 anh em Siu Núi về ở với dì. Gặp chúng tôi, những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu giương mắt nhìn lạ lẫm. Siu Bách thì mới trải qua một trận ốm nên gương mặt bơ phờ, tóc bết dính. Sau một hồi trò chuyện, Núi mới bộc bạch: “Cháu hay mơ thấy mẹ. Cháu mong được gặp lại cha mẹ lắm cô à”.
 Trao nhà tình thương cho anh em Siu Núi. Ảnh: T.T
Trao nhà tình thương cho anh em Siu Núi. Ảnh: T.T

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 58 ca nhập viện cấp cứu vì uống thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu tự tử. Mặc dù được bệnh viện kịp thời cứu chữa nhưng di chứng để lại là rất nặng nề về sức khỏe lẫn tinh thần. Ngoài ra, có 4 trường hợp tử vong trước khi được phát hiện.

Nhà chị Siu Soách-dì Núi-rất nghèo. Căn nhà lụp xụp, được lợp, quây bằng tôn tạm bợ. Khi mẹ Núi mất, dì vừa sinh bé thứ 2. Dù vậy, chị Soách vẫn muốn cưu mang 3 cháu nhỏ mồ côi. Thương dì, hàng ngày Núi đã biết phụ giúp mấy việc lặt vặt như cho dê ăn, dẫn em đi theo đám trẻ cùng làng chăn bò. Chị Soách không cầm được nước mắt khi kể rằng các cháu mình vẫn thường hay khóc mớ về đêm. “Siu Ren nó nhớ mẹ nhiều lắm, nó mới 3 tuổi mà. Đêm nào cũng khóc đòi “Mẹ, mẹ”… Tôi vừa buồn, lại vừa giận vợ chồng chị. Họ lo thanh thản mình họ, để lại mấy đứa nhỏ, tội nghiệp!”-chị Soách trầm giọng.         

Khi chúng tôi đến thăm nhà Puih Nga thì 2 đứa em của Nga mới đi học về, đang ngồi ăn trưa trong bếp. Bữa ăn chỉ lỏng chỏng 1 nồi cơm và 1 nồi canh bắp cải Nga nấu trước lúc đi làm, nhưng trông 2 cô bé ăn thật ngon lành. Tầm nửa tiếng sau thì thấy Nga địu con về. Cô vừa đi cắt lúa thuê ở làng kế bên. Gương mặt Nga rất có duyên nhưng trông tất bật, vất vả. Nhắc lại chuyện xưa, cô như trầm lặng hẳn, đôi mắt vời vợi buồn. Giờ đây, dù đã lấy chồng, đã là mẹ của một bé gái 11 tháng tuổi nhưng chưa lúc nào cô quên cảm giác bàng hoàng, đau đớn pha chút hờn giận khi người mẹ ra đi, bỏ mặc chị em cô trơ trọi trên đời.
Nhìn sang con, cô nói: “Lúc chuyển dạ sinh bé, tôi chỉ ước có mẹ bên cạnh như người ta. Chưa lúc nào tôi nhớ thương mẹ đến thế… Lúc mẹ mất, tôi còn nhỏ, cái gì cũng không biết làm, phải học dần dần từng việc một. Tôi rất sợ hãi, không biết điều gì đang đợi mình và các em ở phía trước. Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao mẹ lại làm thế với chị em tôi… Hồi đó thấy chúng tôi cực khổ, Công an huyện Chư Sê vận động, quyên góp tặng sổ tiết kiệm, mới đây cũng đến giúp sửa điện, làm bồn nước nữa. Tôi biết ơn nhiều lắm. Nhờ bà con hàng xóm và Công an huyện giúp đỡ, chị em tôi mới vượt qua được giai đoạn khó khăn”.         
Nói về nguyên nhân của nạn tự tử hiện đang là nỗi lo của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện, Trung tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê-cho biết: “Trước những mâu thuẫn, bức xúc, dù rất nhỏ nhặt như mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè, vợ chồng, làm ăn..., bà con thường không kiểm soát được hành vi và tự tử. Để góp phần đẩy lùi vấn nạn này, Công an huyện Chư Sê liên tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để nắm bắt và giải quyết kịp thời những diễn biến, mâu thuẫn trong quần chúng… Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ các em nhỏ có cha mẹ tự tử, tránh để các em bí bách trong cuộc sống sẽ lại tìm đến những hành vi tiêu cực. Mới đây, chúng tôi vừa phối hợp xây dựng, bàn giao nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng cho anh em cháu Siu Núi ở làng Sur A trên phần đất cha mẹ chồng chị Siu Soách tặng; động viên các cháu đến trường với bạn bè cùng trang lứa, tặng sổ tiết kiệm để góp phần giúp các cháu ổn định cuộc sống”.
Rời làng Blút Griêng khi mặt trời đang khuất dần sau núi, chúng tôi chợt nghe Puih Nga hát ru con. “Ơi con gái ơi, con đừng khóc nhé. Mẹ đi lấy nước đây con, ba đi làm rẫy con à…” Tiếng ru như muối xát vào lòng người viết phóng sự này, bởi vấn nạn tự tử nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ khiến nhiều em nhỏ không bao giờ còn được nghe mẹ hát ru dịu dàng như thế nữa…
Sự sống là điều quý giá, thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng, vì vậy mỗi người nên trân trọng từng ngày được sống. Với những ai đã làm mẹ, làm cha, hãy nâng niu cuộc đời bằng tình yêu thương, để những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay bảo bọc, chở che của gia đình.
 THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.