Nữ điều dưỡng thâm niên Đặng Thị Công của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng luôn được các y, bác sĩ ở đây xem như người "truyền lửa" nghề; tấm gương để các y, bác sĩ trẻ noi theo
Dáng người thấp nhưng điều dưỡng Đặng Thị Công lại có tài đi bộ và leo cầu thang rất nhanh mà người bình thường khó theo kịp. Bà bảo đó là cái tật của mình. Nhưng thực chất, chính nghề điều dưỡng đã cho bà "cái tật" ấy. Mỗi ngày, bà thoăn thoắt như con thoi, đến hết khoa này sang khoa kia, từ tầng thấp đến tầng cao của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Có lẽ công việc và tác phong nghề nghiệp tạo cho bà thói quen đi rất nhanh.
Tiếp lửa cho đồng nghiệp trẻ
Ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang có khoa tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 là người chạy thận nhân tạo nên công việc của các điều dưỡng vô cùng vất vả. Bà Công cho biết người bệnh không có thân nhân ở bên cạnh nên điều dưỡng kiêm luôn chăm sóc. Bệnh nhân nặng, điều dưỡng phải đút cơm cháo, vệ sinh, thay áo quần... Thấu hiểu khó khăn của đồng nghiệp, bà động viên từng người, tự bà thường xuyên lui tới, trực tiếp chăm sóc cho những bệnh nhân nặng, những bệnh nhân khó tính...
Điều dưỡng Đặng Thị Công trên xe đưa bệnh nhân khỏi Covid-19 trở về nhà |
Với nhiều người bệnh nội trú dài ngày, bà luôn nhớ tên và hiểu cả thói quen của người bệnh. Chính vì vậy, mỗi khi các nữ điều dưỡng gặp ca "khó chiều" lại cậy nhờ đến điều dưỡng Công. Sự nhẹ nhàng, thuần hậu của bà luôn khiến các bệnh nhân khó tính phải xiêu lòng. "Tôi luôn nói với các bạn điều dưỡng ở bệnh viện rằng chăm sóc người bệnh phải từ cái tâm; phải xem người bệnh như người thân của mình thì giữa bệnh nhân và y, bác sĩ mới thấu hiểu lẫn nhau. Một khi người bệnh thông cảm cho y, bác sĩ, việc chăm sóc, điều trị cũng nhẹ nhàng hơn" - bà Công tâm sự.
Giữa tháng 2 vừa rồi, trong vai trò là bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Nhi mổ đẻ thành công cho một sản phụ mắc Covid-19 bị tiền sản giật. Thành công đó có sự góp phần thầm lặng của điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công. Bà là người đã theo sát diễn biến sức khỏe của sản phụ này, kịp báo cho lãnh đạo bệnh viện hội chẩn và tiến hành ca mổ đúng lúc, cứu sống cả mẹ và con. "Khi mẹ và bé được cứu sống, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt. Không niềm vui nào bằng. Đó cũng là hạnh phúc của những người làm ngành y như tôi" - bà Công trải lòng.
Chính sự tận tụy, không nề hà của bà Công đã khiến các đồng nghiệp như được tiếp thêm lửa nghề, cố gắng thêm mỗi ngày. Tuy nhiên, khi nghe ai nói về vai trò của mình, bà Công lại bảo đó là công sức của cả một tập thể. "Chính tôi cũng được tiếp lửa từ các đồng nghiệp trẻ. Nhiều người làm việc quên mình vì người bệnh. Mới đây, có cô điều dưỡng trẻ ở đơn vị bị nhiễm Covid-19 phải vào đây điều trị cả mẹ và con. Tôi thấy đóng góp của mình chưa là gì cả" - điều dưỡng Công tâm sự.
Không tắt lửa nghề
Gần 2 năm liên tục, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang hoán đổi vị trí giữa bệnh viện thông thường với bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19; hiện tại là mô hình kết hợp, bà Công như con thoi và chưa bao giờ có ngày nghỉ thực sự. Bệnh nhân rất đông, bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa điều trị bệnh nhân thông thường, bà Công phải vất vả điều phối sao cho trọn vẹn.
Khó khăn nhất hiện nay, theo bà Công là Covid-19 tấn công nhân viên y tế ngày một nhiều. Gần như ngày nào, tuần nào cũng có nhân viên y tế mắc Covid- 19. "Có những lúc quá thiếu người, tôi phải xuống tận các khoa để trực tiếp chăm sóc người bệnh" - bà Công lo lắng.
Nữ điều dưỡng Đặng Thị Công với bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang |
Tuần trước, trong lần test định kỳ cho nhân viên y tế, bà phát hiện mình cũng "2 vạch"; phải ở nhà để điều trị. "Nằm nhà mà lòng lúc nào cũng như lửa đốt. Khổ cái là bản thân thấy khỏe nhưng không được vào viện để làm việc" - bà Công bày tỏ. Dù vậy, những ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà, bà vẫn điều phối công việc ở bệnh viện, phân công, nhắc nhở, họp trực tuyến với đội ngũ điều dưỡng đang làm việc tại chỗ.
Mỗi sáng, trước khi dắt xe ra khỏi nhà để đi làm, bà tự nhủ rằng nghề mình đang làm là đi làm phước. Với bà, nghề y là cái nghiệp và là nhiệt huyết mà bà sẽ không bao giờ từ bỏ. Chồng bà hay đùa rằng: "Em đam mê cái gì mà nghiệt ngã dữ vậy?". "Nói vậy nhưng chồng và các con luôn ủng hộ tôi trong công việc" - bà Công cười hạnh phúc.
Bởi vì yêu nghề này mà ngay từ khi mới bước vào nghề, thời điểm gặp khó khăn, bà vẫn tự dặn lòng không được buông bỏ. Năm 1990, bà Công xin vào làm y tá tại một trạm y tế ở huyện Hòa Vang. Khi đó, bà không nhận được đồng lương nào. Đổi lại, ngoài giờ làm việc, bà được trồng rau, nuôi heo trong khuôn viên của trạm y tế, lấy đó làm thu nhập chính. Hơn 10 năm làm việc không lương, bà mới có chân biên chế và bắt đầu nhận được những đồng lương ít ỏi ở trạm y tế cho đến khi chuyển về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. "Thời đó, có rất nhiều người phải bỏ nghề vì cuộc sống quá khó khăn. Tôi cứ nghĩ nếu mình bỏ nghề, lấy ai giúp đỡ bà con nghèo mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Thôi thì tiếp tục làm việc, tranh thủ nuôi thêm vài con heo để lo cho cuộc sống ổn được là tốt rồi" - bà Công nhớ lại.
32 năm trong nghề, chưa ngày nào bà Công nghĩ rằng mình đi sai đường. "Được sống với nghề này mỗi ngày đối với tôi là hạnh phúc" - nữ điều dưỡng thâm niên này trải lòng.
Tấm gương sáng
Năm 2020, bà Công được lựa chọn là đại diện 1 trong 5 đại sứ truyền cảm hứng trong đêm Gala WeChoice Awards và nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong dịp 27-2 năm 2021, bà Công vinh dự là một trong 20 y, bác sĩ nhận giải thưởng "Tỏa sáng blouse trắng" do UBND TP Đà Nẵng trao tặng. Đây là giải thưởng thường niên dành cho những cá nhân có đóng góp, cống hiến cho ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2022, bà nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, nhận xét điều dưỡng Công là tấm gương sáng mà cả thế hệ điều dưỡng trẻ sau này của trung tâm phải noi theo, tấm gương lao động miệt mài, không ngừng học hỏi và tận tâm tận lực với nghề.
|
Theo Bài và ảnh: BÍCH VÂN (NLĐO)