Gia đình chị Thúy làm giàu từ việc canh tác cây cà phê. Ảnh: A.H |
Cách đây 9 năm khi trong thôn Prep chưa có trang trại chăn nuôi, chị Lê Thị Thúy đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 3 con heo nái về nuôi thử nghiệm. Lứa heo con đầu tiên xuất chuồng suôn sẻ, dù hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao nhưng đã bước đầu “khẳng định” chị Thúy đã thành công với hướng đi mới của mình. Đây cũng là trang trại chăn nuôi heo đầu tiên của thôn, không chỉ cung cấp heo giống ra thị trường mà còn cả heo thương phẩm. Lúc cao điểm, gia đình chị nuôi 11 heo nái, cung cấp ra thị trường gần 200 heo giống và 100 con heo thịt, thu nhập từ nuôi heo của gia đình mỗi năm cũng hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn có thêm nguồn thu nhập từ 1,8 ha cà phê với trên 100 triệu đồng/năm.
Nếu chị Lê Thị Thúy khởi nghiệp từ 10 triệu đồng tiền vay và làm giàu bằng nghề chăn nuôi thì chị Lê Thị Minh Thúy-thôn Hà Ra lại nuôi các con trưởng thành từ trồng cây công nghiệp. Trước đây, vì cuộc sống quá chật vật, con cái đang tuổi ăn học nên gia đình chị Minh Thúy đã rời Đak Lak đến Gia Lai sinh sống, lập nghiệp. Buổi đầu chị làm thuê kiếm tiền. Gần 7 năm gia đình chị xếp hàng nhận trợ cấp từng kg gạo theo diện hộ nghèo. Khi an cư ở vùng đất mới, tham gia sinh hoạt trong chi hội Phụ nữ thôn, chị Minh Thúy được tiếp cận với các nguồn vốn vay để mua đất trồng tiêu, cà phê. Từ vài sào cà phê ban đầu, tích góp thêm hàng năm gia đình chị đã có 1,3 ha cà phê, 700 trụ tiêu kinh doanh, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Sau 13 năm lập nghiệp tại Gia Lai, gia đình chị Minh Thúy không chỉ thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn đứng vào “top” những gia đình có thu nhập cao trong xã. Bốn người con của chị luôn là niềm tự hào của cha mẹ, bởi “Chúng thương bố mẹ vất vả nên đều ngoan ngoãn, học giỏi. Hai đứa lớn đã tốt nghiệp cao đẳng, đứa thứ ba đang học đại học chuyên ngành khách sạn, còn cậu út đang học lớp 10”-anh Phạm Văn Khang, chồng chị Thúy tự hào khoe. Kinh tế khá giả cũng là lúc chị Minh Thúy tích cực tham gia công tác Hội Phụ nữ thôn, giúp chị em khác ngày công lao động, phổ biến kỹ thuật, giải quyết việc làm cho lao động trong mùa vụ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đak Djrăng Hoàng Thị Oanh, cho biết: Đa số hội viên phụ nữ xã đều phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, một số ít người dân tộc Bahnar trồng lúa nước, trồng mì nên kinh tế cũng khá giả. Riêng chị Lê Thị Thúy và Lê Thị Minh Thúy là 2 trong rất nhiều hội viên phụ nữ của xã đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Xã chỉ còn 3 hội viên phụ nữ là chủ hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, đặc biệt không còn hội viên nhà ở tạm bợ. Thời gian tới, Hội tập trung vận động hội viên đóng góp quỹ để cho vay không tính lãi, giúp các chị khác vươn lên trong cuộc sống.
Anh Huy