Phóng sự - Ký sự

Những trẻ thơ bị bỏ rơi giữa đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đã được kiểm soát. Nhưng, bên trong “chảo lửa” tuyến đầu, ngoài câu chuyện về ranh giới sinh tử, còn có một lát cắt nhức nhối về những trẻ thơ bị bỏ rơi giữa đại dịch...
Em bé có cha
Trước khi kể về số phận những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi, chúng tôi muốn nhắc tới câu chuyện nhiệm mầu của một em bé đã chiến thắng COVID-19 trong tiếng vỗ tay vui mừng của đội ngũ y, bác sĩ và nụ cười tràn đầy hạnh phúc của người cha.
“Nhìn sang trái, nhìn sang trái...!”. Dòng người vội vàng bước qua, nơi bên ngoài khung cửa sổ khu cách ly Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh. Nhưng không, em và cha nhất quyết nhìn thẳng thôi, cả hai cùng nở nụ cười tươi nhất hướng về phía trước. Vì nơi đó có dòng người tấp nập từng lo lắng cấp cứu cho em suốt gần một tháng trời, là những y, bác sĩ xem bệnh nhi nhiễm COVID-19 như những người thân trong gia đình, chẳng hề vội vàng bước qua hay bỏ lại ai phía sau.

Bé Bắp và bé Sữa ngoan ngoãn, bụ bẫm lớn lên trong vòng tay yêu thương của các y, bác sĩ.
Bé Bắp và bé Sữa ngoan ngoãn, bụ bẫm lớn lên trong vòng tay yêu thương của các y, bác sĩ.
Cả nhà anh Lưu Quốc Trung không may mắc COVID-19, cô bé  Thùy Lâm bị nặng nhất. Thùy Lâm nhập Bệnh viện Nhi đồng với các liệu trình điều trị cao. 3 tuần kháng sinh, kháng viêm, 10 ngày thở máy HFNC, kháng đông, kháng virus đủ bài. Mẹ điều trị ở nhà, cha khỏe nhất nên vào chăm em. Người cha chăm con khéo léo, tỉ mẩn chẳng khác nào bàn tay người mẹ khiến cô bé luôn cười tươi rói, mệt nhưng cố gắng không than bất kì điều gì.
Gần 1 tháng chiến đấu với COVID-19, hai lá phổi trắng xóa do virus tấn công ngày nhập viện đã sáng dần như gương mặt lanh lợi của Thùy Lâm, cùng tin vui khi nhận kết quả âm tính 2 lần với tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Thành phố bước sang tháng cuối cùng của một năm đầy bão tố, cũng là ngày trở về hân hoan của hai ba con Thùy Lâm. Phút tạm biệt bệnh viện, anh Trung xúc động viết lời cảm ơn bác sĩ và nhân viên y tế đã luôn bên cạnh hai cha con, động viên và chia sẻ những điều tốt đẹp nhất giúp họ vượt qua ranh giới sinh tử.
Một đứa trẻ có cha bên cạnh, được hưởng trọn vẹn hơi ấm tình thân đã vượt qua thời khắc khó khăn của cuộc đời. Phải chăng, phép màu nằm ở trái tim thiêng liêng của tình mẫu tử?
Cuộc chiến chống dịch sẽ còn kéo dài, những gì đã qua khiến trẻ thơ mất đi mùa hè, mùa Trung thu, có thể sẽ mất cả mùa Noel sắp tới nhưng bên cạnh chúng vẫn còn có cha mẹ, đó là thứ các em cần nhất trong suốt cuộc đời mình.
Nhưng, không phải ai cũng có cha mẹ ở bên...

Y bác sĩ chăm sóc các em như con ruột của mình.
Y bác sĩ chăm sóc các em như con ruột của mình.
Bơ vơ giữa đại dịch
Câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi sau đại dịch vẫn chưa có hồi kết, khi sự thật đau xót cứ liên tục hiện ra tại các khoa sơ sinh của bệnh viện. Trẻ lành lặn “vô thừa nhận” đã đủ tội nghiệp. Với các trường hợp lâm bạo bệnh, phải chống chọi với tử thần ngay lúc lọt lòng mà không có người thân bên cạnh, lại càng thương tâm gấp bội.
Tại Bệnh viện Nhi đồng, bên cạnh những em bé đang điều trị với hồ sơ mang tên như: Ánh Mai, Minh An, Hồng Nhung... thì vẫn có những bé mang tên là Vô Danh, không biết ba mẹ mình là ai, một tiếng gọi thân thương “Ba ơi! Mẹ ơi! Ông bà ơi...!” dường như quá xa vời.
Các bé được nhân viên y tế đặt cho những cái tên thật ý nghĩa như Trí Đức, Toàn Thiện, Cẩm Tiên... để mong cuộc đời của con sau này sẽ gặp nhiều may mắn.
Bệnh viện Nhi đồng hiện đang điều trị cho 9 bệnh nhi bị bỏ rơi, không có người thân chăm sóc. Đại dịch quét qua, chẳng biết người thân còn hay mất nhưng các em ở đây vẫn lớn lên mỗi ngày, hưởng tình thương yêu từng ngày và luôn ngóng về phía cánh cổng xinh đẹp ngoài kia một bóng hình thân thương trở lại.
Ở một khoảng trời bình yên tại Khoa Bệnh lý sơ sinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh có bé Bắp và Sữa đang nằm gọn trên chiếc giường êm ấm nô đùa cùng những “mẹ” nuôi. Hai đứa trẻ chỉ mới vài ngày tuổi bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện vào một ngày giữa tháng 9, đó là khoảng thời gian dịch bệnh căng thẳng, Bắp và Sữa bị nhiễm COVID-19, phải đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Khỏi bệnh, hai bé quay trở về nơi bị bỏ rơi, nằm trong vòng tay thân thuộc của các điều dưỡng Khoa Sơ sinh. 
“Bắp có mẹ nhưng mẹ Bắp không chịu đến đón, sau mấy lần liên lạc bằng điện thoại, Zalo, mẹ Bắp cứ hứa hẹn rồi biệt tích luôn. Tôi nhắn hàng chục tin nhưng đều không nhận được phản hồi, sau đó thì cô ấy chặn điện thoại của tôi luôn”, điều dưỡng Trần Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Thùy Lâm hạnh phúc bên cha trong ngày trở về gia đình.
Thùy Lâm hạnh phúc bên cha trong ngày trở về gia đình.
Giống như Bắp, Sữa bị mẹ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn. Nay con đã hơn 6 tháng tuổi, ngoan ngoãn, chịu ăn, hay cười mà chẳng có người thân nào đến nhận. Trong thời gian các bé còn ở bệnh viện, các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức để liên lạc với gia đình nhưng đều nhận được sự im lặng lạnh lùng. 
Giữa sự tàn khốc của đại dịch COVID-19, nhân viên y tế là đội ngũ xung kích hàng đầu, họ ngày đêm lao ra “chiến tuyến” thực hiện sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của ngành y mà không có bất cứ nề hà hay suy tính thiệt hơn nào. “Làm mẹ” của những trẻ em bị bỏ rơi chắc hẳn không phải là sự lựa chọn của họ, mà đơn giản là tình yêu thương, trách nhiệm con người đặt trong hoàn cảnh cấp thiết nhất.
Hơi ấm Kangaroo
Mỗi người sinh ra trên đời luôn được đặt cho một cái tên mang ý nghĩa mà người đặt muốn gửi gắm. Nếu một em bé là thiên thần nhỏ thì cái tên như là đôi cánh theo các em suốt cả cuộc đời. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có những thiên thần nhỏ được sinh ra và được đặt cho một “đôi cánh” rất đặc biệt.
Các bệnh nhi ở Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đa phần được chuyển về từ khoa sản của các cơ sở y tế khác trên địa bàn. Trong số đó có những em bé không may bị bỏ rơi. Em nào chưa có tên sẽ được đặt theo tên mẹ để sau này dễ dàng tìm kiếm hồ sơ. Em nào không có tên mẹ sẽ được đặt theo ý nghĩa, mong muốn và sự nguyện cầu, như Bình An, Hạnh Phúc...
Bé Ly là đứa trẻ có số phận đặc biệt khi bị bỏ rơi ngay từ giây phút mới lọt lòng. Có thể người mẹ không đủ điều kiện nuôi con và trước khi quay lưng ra đi cũng quên luôn không cho em một cái tên. Bé Ly là tên các cô y tế ở phòng cấp cứu vội vàng đặt cho em. Bé bị bỏ rơi khi đang mang trong mình bạo bệnh và đã chống chọi kiên cường.
Nhìn con trẻ nằm cô quạnh một mình giữa dây nhợ hô hấp, truyền dịch, tiếp máu khiến các y tá, điều dưỡng không thể cầm lòng. Mỗi ngày, họ thay nhau trông nom, lắng nghe từng hơi thở giành giật sự sống của con.

Những món quà cùng lời chúc yêu thương gửi tới các bé bị bỏ rơi.
Những món quà cùng lời chúc yêu thương gửi tới các bé bị bỏ rơi.
Điều dưỡng Anh Ty tâm sự, các em bé bị bỏ rơi ở đây được nhận tình yêu thương và trái tim tròn đầy của mọi người. Họ không còn xem các em là bệnh nhi nữa mà như đứa con ruột thịt của chính mình.
Mỗi phận đời lưu lạc ở đây đều bắt đầu bằng nỗi đau và sự giằng xé. Sẽ không một ai quên được ánh mắt thống khổ của người cha khi có ý định từ bỏ con. Vào một chiều muộn, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một người đàn ông hớt hải ôm đứa con đỏ hỏn chạy vào đưa cho nhân viên y tế. Anh ta nhận mình là cha và cho biết, vợ sinh rớt con trong nhà vệ sinh. Các chị điều dưỡng dáo dác tìm mẹ nhưng không thấy đâu, người cha cũng ở lại với bé được vài ngày rồi biến mất. Trước khi rời đi, anh ta để lại số điện thoại, bệnh viện gọi điện thì anh ta buông một câu thẫn thờ... “bỏ”. 
Em bé cân nặng 1.7kg, được chẩn đoán sinh non trong khoảng tuần thứ 35 và thể trạng suy dinh dưỡng. Sau thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, bé đã vượt qua tình trạng nhiễm trùng sơ sinh và tăng lên 3,5kg. Bé được các cô điều dưỡng thay nhau chăm sóc, tắm rửa và uống 8 cữ sữa một ngày. Bé ngày càng kháu khỉnh, dễ thương, biết hóng chuyện. Hễ được bế ẵm là bé nằm im trong vòng tay người lớn, khi đặt xuống là khóc thét lên. Dường như bé đang khao khát hơi ấm từ một vòng tay nhưng bất hạnh thay, em đã bị cha mẹ từ chối.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tâm sự: “Chúng tôi thường áp những em bé vào ngực của mình, gọi là biện pháp Kangaroo truyền hơi ấm kích thích cho trẻ sơ sinh khi các em không có mẹ bên cạnh. Đó là biện pháp điều trị chứ không phải tình thương bình thường”.
Sau thời gian chăm bẵm tận tụy, nhiều trẻ khỏe mạnh, bụ bẫm đã được gia đình tới đón về sau cuộc gọi thuyết phục của những “người mẹ lâm thời”. Một số khác không liên lạc được cha mẹ thì bệnh viện sẽ làm thủ tục đưa về mái ấm trẻ mồ côi. Có thể mai này trưởng thành, các em sẽ không còn nhớ về bệnh viện và những người đã thay cha mẹ mình nâng niu tiếng khóc đơn độc, ôm ấp vào lồng ngực, bón đút từng giọt sữa, thay tã, mặc bỉm trong những ngày tháng đầu đời, thì điều đó cũng không sao. Với y, bác sĩ ở đây, món quà quý giá nhất đối với họ chính các em có một cuộc sống đủ đầy, trọn vẹn tình yêu thương và tương lai tươi đẹp sau này.
Ngọc Hoa (cand.com.vn)
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/nhung-tre-tho-bi-bo-roi-giua-dai-dich-i636890/

Có thể bạn quan tâm