Pháp luật

Tin tức

Niềm vui tái hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 400 phạm nhân được đặc xá tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) và Trại tạm giam- Công an tỉnh Gia Lai mà chúng tôi gặp ngày 30-8 đều có chung một niềm xúc động, hân hoan khôn cùng trước khi về lại với cộng đồng. Những tháng ngày tích cực ăn năn, hối cải của họ cho thấy, cánh cửa cuộc đời sẽ luôn rộng mở cho bất kỳ ai lầm lỗi biết quay đầu hướng thiện.
Hân hoan ngày về
Trong số 22 phạm nhân nữ được đặc xá ở Trại giam Gia Trung đợt này, Ngô Thị Dậu (phường Hội Thương, TP. Pleiku) có lẽ là người trẻ nhất. Nhìn khuôn mặt khá xinh xắn với nụ cười rạng rỡ của cô khi cầm quyết định đặc xá và bó hoa chúc mừng của Ban Giám thị, ít ai tin rằng, hơn 10 năm trước, khi mới 16 tuổi, Dậu đã phạm tội giết người. Ngày ấy, chỉ vì một phút nông nổi, không kiềm chế được bản thân khi đứng ra bênh vực một người bạn, lưỡi dao oan nghiệt trên tay cô đã cướp đi mạng sống của một con người. Hậu quả, Dậu bị xử 18 năm tù.
 Trả lại bộ quần áo phạm nhân để khép lại quá khứ lỗi lầm. Ảnh: T.D
Trả lại bộ quần áo phạm nhân để khép lại quá khứ lỗi lầm. Ảnh: T.D
Những tháng ngày đầu tiên trong trại, Dậu gần như suy sụp. Nhưng rồi được sự động viên, khích lệ của gia đình và các quản giáo, cô hăng hái tham gia các phong trào học tập, văn nghệ của trại, tích cực lao động, cải tạo với niềm tin được trở lại với đời. Quyết tâm hướng thiện của Dậu những ngày sau đó không chỉ được các bạn tù mà cả Ban Giám thị cũng ghi nhận khi cô được giảm án 2 lần với tổng thời gian là 10 tháng. Dậu là một trong số những người còn thời gian thụ án nhiều nhất (7 năm 4 tháng 11 ngày) được tha tù trước thời hạn ở Trại giam Gia Trung. Trút bỏ bộ quần áo phạm nhân, Dậu cho biết: “Em sẽ phấn đấu để làm lại cuộc đời”.
Cũng được hưởng niềm vui trở về với gia đình trong đợt đặc xá này ở Trại giam Gia Trung còn có anh Phạm Văn Nam (42 tuổi, trú đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku). Đang yên ổn với công việc là một lái xe chạy tuyến Bắc- Nam, đầu năm 2008, khi đang sát phạt trên chiếu bạc, anh bị Công an bắt rồi sau đó bị Tòa án xử 4 năm 2 tháng tù. Những ngày tháng trong trại, người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình này không khỏi ân hận, dằn vặt mỗi khi nghĩ đến gánh nặng chăm lo 3 đứa con đang tuổi ăn học mà người vợ đang phải một mình cáng đáng. Thương vợ, thương con, anh quyết tâm phấn đấu cải tạo những mong sớm được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Sau khi được giảm án 4 tháng trong dịp lễ 2-9-2009, anh được tha tù trước 1 năm 2 tháng 15 ngày. Ngồi đợi nhận quyết định đặc xá, anh tươi cười cho biết: “Nghĩ đến cảnh được gặp lại vợ con, tôi sung sướng đến không ngủ được. Tôi sẽ cố gắng để bù đắp những thiệt thòi mà vợ con đã phải chịu đựng suốt gần 3 năm qua. Tôi cũng tự hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ làm bất cứ việc gì phi pháp để phải vướng vào vòng lao lý.
Trong ngày 30-8, tại Trại tạm giam- Công an tỉnh, 25 phạm nhân, trong đó có chị Hoàng Thị Hiên (35 tuổi, trú tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cũng được hưởng niềm vui ra tù trước thời hạn. Thỉnh thoảng chị lại sụt sùi khóc, những giọt nước mắt đắng cay khi nhắc lại lý do bị tù giam và sung sướng khi biết mình sắp gặp lại chồng con. Hơn 2 năm trước, khi đang mang 3,5 triệu đồng tiền giả đến chợ Yên Thế (TP. Pleiku) mua hàng, chị bị bắt và bị Tòa án xử 30 tháng tù. Khi biết mình nằm trong diện được đặc xá, lúc nào chị cũng hồi hộp.
Cửa đời luôn rộng mở
Trong ngày 30-8, tại lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước ở Trại giam Gia Trung, ngoài những người được tha tù trước thời hạn, chúng tôi còn gặp một “người quen” vẫn còn tiếp tục phải ở lại thi hành án, đó là Nguyễn Trung Hiếu- hung thủ vụ giết người ở Ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cách đây hơn 3 năm. Ở thời điểm gây án, Hiếu đang là sinh viên chuẩn bị bước vào năm học cuối ở Khoa Lý- Kỹ thuật. Vì một chút bực tức không kiềm chế khi... chơi bài búng tai, Hiếu đã ra tay sát hại dã man một học sinh cấp II đang được một nữ sinh viên dạy kèm trong ký túc xá và phải nhận bản án 18 năm tù.
Tiếp xúc với chúng tôi, Hiếu tỏ ra ân hận về hành vi của mình. Năm nay 23 tuổi, nếu thực hiện hết cái án 18 năm, khi ra trại, Hiếu đã 38 tuổi. Nhưng Hiếu không chán nản. Hiếu cho biết: Nhìn các anh chị được đặc xá đợt này, em càng có quyết tâm phấn đấu cải tạo, hy vọng có ngày được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, trở về với gia đình và trở thành một công dân có ích cho xã hội. Hỏi về cuộc sống trong trại, Hiếu nói, nhờ kiến thức hồi học cao đẳng, em đang được giao làm phụ trách văn hóa tại phân trại số 2. Ngoài ra, Hiếu còn giúp các cán bộ phân trại theo dõi chấm điểm thi đua của các tổ đội và khi có chỉ định thì dạy học cho các phạm nhân mù chữ.
Ngô Thị Dậu rạng rỡ bên anh trai trong ngày đặc xá. Ảnh: T.D
Ngô Thị Dậu rạng rỡ bên anh trai trong ngày đặc xá. Ảnh: T.D
Cùng chung cảnh ngộ với Nguyễn Trung Hiếu, ở Trại tạm giam- Công an tỉnh có Nguyễn Duy Trọng (SN 1990 ở thị xã An Khê, đang thụ án 3 năm 4 tháng về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người). Cuối tháng 1-2009, trong lần về nhà nghỉ Tết (Trọng đang học năm thứ nhất Khoa Kế toán- Kiểm toán Trường Đại học Tôn Đức Thắng), Trọng và một nhóm bạn rủ nhau đi hát karaoke ở quán Thư Giãn (phường An Phú, thị xã An Khê) và đánh lộn với một nhóm thanh niên phường An Phú. Hoàng lấy một ống cao su có lồng 2 thanh sắt ở đầu xông vào giúp bạn, người bị đánh vào đầu đã bị thương nặng và chết vào ngày hôm sau. Hối hận vì tội lỗi mình gây ra, Trọng luôn cố gắng thực hiện tốt các quy định của trại. Trọng tâm sự: “Lần đặc xá này, em rất tiếc vì không có mình nhưng em sẽ tiếp tục phấn đấu. Trong trại, các cán bộ đã tạo điều kiện cho em mang sách vở vào để lúc rảnh rỗi ôn luyện. Khi ra trại, em sẽ thi lại đại học”.
Thượng tá Nguyễn Đình Ba- Giám thị Trại giam Gia Trung: Ngoài việc xét đặc xá cho 371 phạm nhân, dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, còn có trên 400 phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá trong trại được xét giảm án. Tất cả các phạm nhân trong trại đều có điều kiện được hưởng đặc xá nếu họ chấp hành các quy định của trại, cải tạo từ khá đến tốt.
Không chỉ những người trẻ, tương lai còn dài mới nỗ lực phấn đấu, ngay cả những phạm nhân lớn tuổi như Nguyễn Văn Thái (SN 1965, quê TP. Hồ Chí Minh, đang thụ án 11 năm về tội cướp tài sản tại phân trại số 2, Trại giam Gia Trung) bị bắt giam năm 2003, vợ Thái đã ôm con về Tiền Giang sống với ba mẹ đẻ. Trong những lá thư gửi cho chồng, vợ Thái “đặt điều kiện”, nếu Thái sớm ra tù và tu chí thì sẽ về ở với nhau, còn không thì thôi. Khát khao về một mái ấm gia đình và ngày ngày được chăm sóc đứa con nay đã 11 tuổi giúp Thái vươn lên trong những ngày ở trại.
…Bao nhiêu năm qua, chính sách khoan hồng đầy nhân văn, “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” của Đảng và Nhà nước đã giúp cho hàng vạn phạm nhân lầm lỗi được trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Rất nhiều người trong số họ, sau khi ra tù đã nỗ lực phấn đấu vươn lên để có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nhiều người còn trở thành những người thành đạt trong xã hội. Điều đó đã trở thành nguồn động viên to lớn cho những phạm nhân khát khao phục thiện, cố gắng lao động cải tạo để sớm được trở về với cuộc sống đời thường.
Tiến Dũng- Thu Huế
  

Có thể bạn quan tâm