Kinh tế

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S:  Năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế-xã hội Gia Lai vẫn ghi dấu bằng nhiều điểm sáng. Nhân dịp năm mới 2015, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu nổi bật của tỉnh nhà trong năm vừa qua cũng như mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội trong năm tới.

- P.V: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí có thể đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật mà tỉnh ta đã đạt được trong năm vừa qua?

Đồng chí Phạm Thế Dũng: Trước tình hình khó khăn đối với kinh tế thế giới, trong nước; trong quá trình chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện miễn giảm nhiều sắc thuế để khoan thư sức dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; những tác động đó, cùng với việc nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng hạn chế, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh xuống thấp đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh; nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là của nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nên kết quả đã đạt được tương đối toàn diện trên các mặt công tác của năm 2014 (đạt 20/22 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra).

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,71% (kế hoạch là 12,5%), sản  xuất nông nghiệp vượt kế hoạch về diện tích gieo trồng; chăn nuôi có bước chuyển biến mạnh mẽ. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn huy động và cho vay ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm 2013; thu ngân sách tuy bị ảnh hưởng do thực hiện các chính sách miễn thuế VAT đối với kinh doanh hàng nông sản nhưng vẫn đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao; kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng gấp 2,24 lần so với năm 2013; nhiều dự án có tầm quan trọng đối với tỉnh được khởi công, triển khai đúng tiến độ. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng; đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm được quan tâm;  trong năm có 7.410 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 14,7% (tương đương 46.500 hộ).


Việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước trong chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức bước đầu phát huy tác dụng; các vấn đề bức xúc xã hội được quan tâm giải quyết. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; công tác chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức được chú trọng và đã tạo được những kết quả bước đầu; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; tổ chức diễn tập phòng thủ PT-14 đạt kết quả tốt.

- P.V: Năm 2014 là một năm đầy khó khăn nhưng kinh tế Gia Lai vẫn tăng trưởng khá và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về chỉ số năng lực cạnh tranh. Nhờ đâu chúng ta có được kết quả này, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thế Dũng: Năm 2014 là năm thứ hai liên tiếp, Gia Lai duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 31 cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2013). Để đạt được những kết quả bước đầu đó, UBND tỉnh đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, liên tục cập nhật bổ sung các chính sách thu hút đầu tư mới để thu hút đầu tư từ trong cũng như ngoài tỉnh; tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, rà soát chức năng, nhiệm vụ và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị nhằm có sự phân công hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lắp, lạm quyền, thiếu trách nhiệm; xử lý nghiêm các biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, người dân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện đúng các chính sách miễn, giãn, giảm thuế; yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, cũng cần phải ghi nhận sự nỗ lực vượt khó của nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp tỉnh nhà. Tuy vẫn có một số doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động do gặp khó khăn nhưng các doanh nhân, doanh nghiệp đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, vượt khó, xây dựng được cho mình một chiến lược sản xuất-kinh doanh thích hợp; bên cạnh đó các doanh nghiệp đã tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội; để cùng với chính quyền, các cấp chăm lo tốt hơn nữa đời sống của nhân dân trên địa bàn.

 

- P.V: Những mục tiêu chủ yếu tỉnh ta đề ra cho năm 2015-năm cuối thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015 này là gì? Để đạt được kết quả đó, chúng ta đề ra những giải pháp cụ thể nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thế Dũng: Năm 2015 là năm cuối thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; trong bối cảnh kinh tế tỉnh nhà tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn đã đặt ra nhiều cơ hội và những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời dự báo những thuận lợi, khó khăn, kế hoạch phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai năm 2015 được xây dựng với mục tiêu nỗ lực phấn đấu đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2011-2015 là 12,8% thì tốc độ tăng GDP năm 2015 phải đạt 12,98%; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên cơ sở phát huy lợi thế ngành nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 15.500 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.700 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 440 triệu USD...

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể để tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2015, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi


- Ưu tiên các nguồn lực và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như chăn nuôi đại gia súc tập trung, quy mô lớn, chế biến hàng nông sản theo hướng hạn chế xuất khẩu thô; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước nâng cao giá trị, sản lượng trên một đơn vị diện tích.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của nhân dân; lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn, để cùng chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2015 toàn bộ 45 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng các công trình, dự án; tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA... chú trọng công tác thanh tra-kiểm tra, giám sát đầu tư, chấn chỉnh hiện tượng nợ đọng xây dựng cơ bản, chậm quyết toán dự án hoàn thành; kiên quyết xử lý nghiêm những chủ đầu tư để chậm tiến độ, mất vốn, chất lượng công trình không đảm bảo.

- Triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc thực hiện những chính sách miễn, giảm thuế; tỉnh sẽ chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước một cách chủ động, tích cực; triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác thu ngân sách; khai thác các nguồn thu tiềm năng, các nguồn thu mới; thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, không dàn trải, lãng phí, thất thoát; tăng cường chấn chỉnh quản lý tài chính - ngân sách; thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Ưu tiên tập trung phát triển và nâng cao chất lượng một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,... khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ nâng giá, gây rối loạn thị trường.

- Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; tiếp tục chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm trong hoạt động công vụ.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động; đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động khoa học công nghệ với sản xuất và đời sống; tập trung xử lý những vấn đề bức xúc của xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Hòa (thực hiện)
_______
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm