Bạn đọc

Nói không với rượu giả, rượu kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm qua, công tác quản lý trong chế biến, kinh doanh rượu, đặc biệt là các loại rượu được sản xuất thủ công trên địa bàn Gia Lai vẫn chưa được cơ quan chức năng quản lý triệt để. Hậu quả là số vụ ngộ độc do rượu tăng cao, nghiêm trọng hơn đã có 9 người tử vong liên quan đến rượu kém chất lượng.
Rượu giả, rượu kém chất lượng hết đất “sống”
Năm 2011, công tác quản lý kinh doanh, chế biến rượu tại các cơ sở thủ công, nhỏ lẻ trong toàn tỉnh sẽ được triển khai đồng bộ. Cùng với đó, các chủ cơ sở này sẽ thực hiện việc cam kết cung cấp thực phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng.
Ảnh: Nguyễn Giác
Giải thích về việc làm này, ông Đoàn Mạnh Thắng- Chi cục trưởng Chi Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Gia Lai cho biết: Sau các vụ ngộ độc do rượu có chứa methanol hàm lượng cao liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh làm 9 người tử vong, ngành Y tế lập tức phối hợp với các cơ quan chức năng như: Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, Công an tỉnh cùng chính quyền, Trung tâm Y tế tại các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng rà soát, tịch thu các loại rượu không rõ nguồn gốc. Đồng thời Chi cục đã tổ chức tập huấn rộng rãi đến người dân về tác hại của các loại rượu giả, rượu kém chất lượng, qua đó hướng dẫn các hộ đang kinh doanh, chế biến rượu trong toàn tỉnh cam kết thực hiện việc buôn, bán rượu phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
“Hiện tất cả công việc từ khâu phối hợp chính quyền địa phương, vận động, tập huấn, lập biểu mẫu cho việc cam kết kinh doanh sản xuất rượu an toàn đã hoàn tất và sẽ triển khai trong đầu tháng 1-2011. Việc làm này đã được các cơ quan quản lý chuyên môn Trung ương thống nhất, đánh giá cao và xã Ia Băng, huyện Đak Đoa (nơi xảy ra vụ ngộ độc rượu đầu tiên vào ngày 16-2-2010 làm 4 người tử vong) sẽ được chọn là nơi triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng và cả phạm vi trong cả nước bởi vấn đề tử vong do ngộ độc rượu cũng đang là chuyện “thời sự” tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc”- ông Thắng nói.
Ý thức người tiêu dùng là vấn đề then chốt
Bên cạnh việc tích cực tăng cường công tác thanh-kiểm tra của ngành chức năng thì vấn đề ý thức tiêu dùng của người dân sẽ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Hiện toàn tỉnh có gần 6.000 cơ sở dịch vụ kinh doanh thực phẩm, đã kiểm tra 2.970 cơ sở trong năm 2010, trong đó có đến 1.095 số cơ sở vi phạm và 145 sản phẩm bị hủy như bánh kẹo, rượu, nước giải khát…
Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục ATVSTP tỉnh, trong năm 2010 đã ghi nhận 19 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn làm 1.210 ca mắc, trong đó có 9 trường hợp tử vong đều liên quan đến việc sử dụng rượu có chứa methanol với hàm lượng cao gấp hàng trăm lần cho phép.
Qua con số thực tế số vụ ngộ độc được ghi nhận trong năm 2010, cho thấy hầu hết các trường hợp bị ngộ độc đều sử dụng thực phẩm một cách “vô thức” không hề quan tâm đến việc chế biến, nguồn gốc của loại thức ăn, đồ uống dù các thứ này sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của mình. Do vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của nơi chế biến, sản xuất thì người dân cần nâng cao nhận thức và hãy là “người tiêu dùng thông thái” trước việc lựa chọn thực phẩm cho chính mình và gia đình.
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm