Đáng lo ngại hơn, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khi các công sở, cơ quan, đơn vị bắt đầu đi làm trở lại thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể lại có chiều hướng xảy ra nhiều hơn. Mới đây nhất, vụ ngộ độc làm hàng chục nhân viên Siêu thị Metro Thăng Long, Hà Nội phải nhập viện sau khi ăn trưa tại căng tin của siêu thị, nguyên nhân do căng tin sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhiễm vi sinh nguy hại.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, sau Tết Nguyên đán, những lễ hội lớn dài ngày cũng sẽ được tổ chức tại nhiều địa phương, nên nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người mắc và ngộ độc rượu rất cao. Trước nguy cơ hiện hữu này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm yêu cầu sở y tế các địa phương, Trung tâm Y tế dự phòng triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm ATVSTP tại các lễ hội. Theo đó, cơ quan y tế tại địa phương phối hợp với ban quản lý lễ hội và chính quyền địa phương nơi lễ hội diễn ra tổ chức kiểm tra thường xuyên, xử phạt nghiêm khắc hoặc nghiêm cấm những trường hợp kinh doanh thực phẩm, hàng ăn không đảm bảo ATVSTP như bày bán thực phẩm sát mặt đất, không che đậy, bao gói không đúng tiêu chuẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời có quy hoạch bố trí các quán ăn uống, quầy hàng đảm bảo thuận tiện cho người đi lại và an toàn vệ sinh trong ăn uống. Sở Y tế địa phương phải hướng dẫn và yêu cầu các chủ cơ sở dịch vụ ăn uống ký cam kết với ban quản lý lễ hội và y tế về đảm bảo ATVSTP trong lễ hội.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau dịp tết và trong lễ hội, mọi người không nên tụ tập quá đông người để ăn uống, nhậu nhẹt. Nên lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bao bì đầy đủ và được cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng. Đáng chú ý, khi sử dụng rượu phải có nguồn gốc rõ ràng, không uống nhiều, tránh sử dụng các loại rượu có pha chế hóa chất hay cồn công nghiệp.
Theo SGGP