Nỗi lo trong mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa mưa lũ sắp đến, hàng trăm hộ dân  ở huyện Krông Pa sinh sống dọc hai bên bờ sông Ba lại nơm nớp lo sợ ngập lụt và sạt lở đất. Nỗi lo ấy đã kéo dài gần 10 năm nay, dù đã có nhiều giải pháp được đề ra, nhưng do thiếu nguồn kinh phí, nên vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng này...
 

Lũ trên sông Ba. Ảnh: Lê Anh

Cầu Lệ Bắc là cây cầu trọng yếu nối liền hai bờ sông Ba, đảm bảo cho việc thông tuyến trên quốc lộ 25. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, cầu Lệ Bắc lại trở thành mối lo khi liên tục bị các đợt mưa lũ tàn phá. Nếu năm 2007 ở chân mố cầu phía Nam bị xói lở với tổng chiều dài trên 100 mét thì đến bây giờ đã lên gần 300 mét. Cũng từ tác động của mưa lũ, ở phía hạ lưu, sông Ba chuyển dòng chảy, biến dòng suối cạn của thôn Mới, buôn Lang và thôn Quỳnh Phụ 3, xã Chư Rcăm, trở thành nhánh sông dài gần 3 km… Đồng thời đổ vào khu vực suối Dum Ra cuốn trôi hàng chục ha đất thổ cư và đất sản xuất của người dân…

Ngoài ra, do nằm giữa hai công trình thủy điện lớn là thủy điện An Khê-Ka Nak và thủy điện sông Ba Hạ, cùng nhiều công trình thủy điện nhỏ, nên hàng năm khi các công trình thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, không chỉ cuốn đi những diện tích đất  màu mỡ mà còn làm ngập úng hàng trăm ha hoa màu của người dân các xã như Chư Rcăm, Ia Rsươm, Ia Rsai, Ia Rmok… Chỉ tính riêng trong cơn bão số 15 (từ ngày 14 đến ngày 17-11-2013), toàn huyện Krông Pa đã có 800 ha hoa màu, lương thực, hàng trăm con gia cầm bị cuốn trôi và hàng chục nhà dân bị ngập, hệ thống cầu, cống, đường liên thôn, liên xã bị hư hỏng. Chính vì vậy, vào mùa mưa lũ, người dân huyện Krông Pa đang sống, sản xuất dọc bờ sông Ba lại nơm nớp lo sợ. Ông Nay Luân (buôn Hlang, xã Chư Rcăm) cho biết: “Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nên người dân chúng tôi rất lo lắng vì mỗi khi mùa mưa lũ đến, toàn bộ diện tích hoa màu bị ngập úng, đất sản xuất bị nước cuốn trôi. Tính riêng mùa mưa lũ năm trước, gần 2 ha mì của gia đình tôi bị ngập úng, hư hỏng hoàn toàn. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi không thể chuyển đi nơi ở mới…”.
 

Nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Ảnh: Lê Anh

Không chỉ riêng gì hộ gia đình ông Luân, qua khảo sát của huyện Krông Pa, hiện có 110 hộ dân, với gần 600 nhân khẩu nằm trong khu vực bị xói mòn nghiêm trọng, cần được di chuyển đến nơi ở mới trước mùa mưa lũ. Huyện cũng đã lập dự án bố trí cho 110 hộ dân này di chuyển đến nơi ở mới, với quy mô xây dựng trên diện tích 18 ha ở xã Chư Rcăm, cùng các hạng mục công trình thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm… Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 50 tỷ đồng. Cùng với đó, một đề án khác cũng được huyện Krông Pa đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông và bảo vệ đất sản xuất của người dân là xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba. Dự kiến, dự án này nếu được đầu tư sẽ chia thành 6 địa điểm xây dựng qua địa bàn các xã Ia Rsai, Ia Rsươm, qua khu vực cầu Lệ Bắc, quốc lộ 25, với tổng chiều dài 5 km…

Tuy nhiên, theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: “Khó khăn hiện nay là nguồn vốn, dù đã trình dự án lên các cấp, nhưng vẫn chưa được phê duyệt đầu tư…”. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay để có hàng trăm tỷ đồng đầu tư thì không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Vì vậy, cứ vào mùa mưa lũ, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân sống trong vùng nguy hiểm, huyện chỉ còn cách chủ động lực lượng túc trực, tuyên truyền, vận động người dân tạm thời di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người dân sống dọc sông Ba di dời đến nơi ở mới an toàn, để không còn cảnh thấp thỏm mỗi khi mùa mưa lũ đến.  

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm