Huấn luyện viên Guillaume Graechen, người có công đào tạo ra lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... vẫn trăn trở với những thế hệ U19 Hoàng Anh Gia Lai.
Huấn luyện viên Graechen hướng đến mục tiêu vô địch U19 Quốc gia 2020. Ảnh: Đức Đăng |
Huấn luyện viên Guillaume Graechen vẫn được các cầu thủ gọi với cái tên thân mật "thầy Giôm" và được xem là biểu tượng của bóng đá trẻ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Huấn luyện viên người Pháp trực tiếp đào tạo ra thế hệ cầu thủ tài năng thuộc Học viện khoá 1 HAGL Arsenal JMG như Tuấn Anh Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn...
Năm 2014, khi huấn luyện viên Graechen cùng U19 Việt Nam với nòng cốt là quân HAGL tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ với bóng đá Việt Nam, bản thân ông cũng được đặt nhiều kỳ vọng. Vì thế mà sau giải đấu đó, bầu Đức đã đôn toàn bộ lứa cầu thủ U19 lên chơi V.League 2015 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Graechen.
Thế là từ một thầy giáo, huấn luyện Graechen trở thành một vị "tướng đánh trận" ở sân chơi khắc nghiệt như V.League. Thế nhưng đây cũng là bước ngoặt khiến cả huấn luyện viên Graechen và "những đứa trẻ" nhà bầu Đức vỡ mộng. Những kinh nghiệm đào tạo trẻ không phù hợp với môi trường bóng đá V.League đã khiến HAGL thất bại liên tiếp và suýt chút nữa xuống hạng.
U19 Hoàng Anh Gia Lai hướng đến chức vô địch. Ảnh: VFF |
Huấn luyện viên Graechen phải rời ghế khi mùa giải còn chưa kết thúc, quay về làm công việc đào tạo trẻ. Kể từ đó đến nay, huấn luyện viên người Pháp vẫn được đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục phát hiện, đào tạo thêm những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... Nhưng đã 6 năm kể từ ngày lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai trình làng, đội bóng phố Núi không còn được một lứa cầu thủ chất lượng như vậy. Ở các khoá tiếp theo thì HAGL dường như không có nhiều cầu thủ nổi bật. Chính vì thế mà sau khi lứa cầu thủ khoá 1, 2 hết tuổi thì các cầu thủ HAGL không còn đóng góp nhiều quân cho các đội tuyển trẻ như U19, U23.
Sau giải U19 Quốc tế 2018, ông Graechen từng thừa nhận rằng khóa 1 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... có nhiều cầu thủ tài năng hơn, thế hệ tiếp theo lại không được như vậy. Ông phân tích rằng khóa 1 được tuyển vào cùng một thời điểm, khóa 3 không được như vậy. Từ 12 tuổi đến 16 tuổi, một số học viện khóa 3 không được tập những kỹ thuật cơ bản nhất của JMG.
Các em học ở nhiều nơi khác nhau rồi được lấy về nên không có cái nền đồng đều. Chưa kể, khóa 1 được đầu tư, liên tục đi nước ngoài tập huấn, thi đấu cọ xát với những đối thủ mạnh ở Châu Âu nên học hỏi, phát triển nhanh.
Thêm một điểm nữa cần nhìn ra là khóa 1 có đến gần 20.000 thí sinh dự tuyển, trong khi khoá 3 năm 2013 chỉ có gần 4.000 người. Bởi đó là thời điểm không chỉ có Hoàng Anh, nhiều trung tâm bóng đá khác như Hà Nội, Viettel, PVF đã có sức hút lớn.
Chiều nay (20.6), U19 Hoàng Anh Gia Lai sẽ có trận đấu ra quân quân gặp U19 PVF tại vòng chung kết U19 Quốc gia 2020. Ở mùa giải năm ngoái, ông đã cùng U19 Hoàng Anh Gia lai giành ngôi Á quân. Mong rằng, chức vô địch sẽ là mục tiêu mà ông Graechen đạt được để tự tạo cú hích cho chính mình và bóng đá trẻ HAGL.
PHẠM ĐÌNH (LĐO)