(GLO)- Tôi đã đi qua nhiều dòng sông, rất nhiều cây cầu lớn nhỏ với những cảm xúc khác nhau. Nhưng có một cây cầu đã làm trái tim tôi rung lên những niềm vui sướng khi nghe tin cầu được thông xe ngay lúc Tết Nguyên đán 2020 đang cận kề. Đó là cầu Ia Rmok bắc qua sông Ba.
Cây cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa, Gia Lai) là cầu dân sinh bằng xi măng cốt thép lớn nhất cả nước với mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Với chiều dài hơn 300 m, rộng 3,5 m, cầu vững chắc vượt sông Ba. Nhìn từ xa hàng cây số tôi đã thấy cầu bởi cầu được thiết kế cao hơn mặt nước sông hàng mấy chục mét để đề phòng nước lũ. Hai bên thành cầu là những trụ thép vững chãi, trang trí hoa văn cách điệu hình mái nhà rông xinh xắn. Điểm đặc biệt là ở mỗi đầu cầu đều có 2 bức tượng (một nam, một nữ) trong trang phục Jrai trông rất sinh động như đang chào đón những người qua lại.
Cầu Ia Rmok. Ảnh: M.H |
Tháng 8-2018, cầu chính thức được khởi công xây dựng. Hàng ngày, tôi vẫn đến trường trên cây cầu gỗ ngay bên cạnh, âm thầm quan sát sự hình thành của cầu Ia Rmok. Thật ông trời cũng biết chiều lòng người, trong thời gian đầu đổ những trụ móng đầu tiên, mực nước sông Ba xuống thấp lộ những bãi cát dài rất thuận lợi cho việc xây dựng. Ngày qua ngày, các nhịp cầu cứ vươn dài ra mãi, thỏa mãn trí tò mò của tôi. Vì trường tôi dạy chỉ cách cầu khoảng 100 m nên những lúc rảnh rỗi, tôi lại chạy ra xem cầu đã xây đến đâu và lưu lại những bức ảnh.
Những ngày cuối năm, cầu đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Tôi thường lên đứng ở đầu cầu, đoạn có gác chắn để ngắm cầu và ngắm những thời khắc đẹp của dòng sông Ba. Dòng sông thơ mộng với làn sương nhẹ. Mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu tiên xuyên qua làn sương mỏng làm mặt nước thêm phần lung linh. Con đò máy chạy xình xịch dưới sông để lại những vòng sóng nước loang xa. Có lẽ đây là những chuyến đò cuối cùng tại bến sông này trước khi kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó, nhường chỗ cho cây cầu dài thong dong những vòng xe qua.
Cầu Ia Rmok không chỉ giúp bà con đi lại an toàn mà còn là giúp nông dân vận chuyển nông sản đến tận tay người tiêu dùng bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất. Không chỉ thế, cây cầu còn góp phần phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các xã Nam sông Ba. Và con đường đến trường của các em học sinh dân tộc thiểu số của trường tôi cũng không còn xa nữa...
MAI HƯƠNG