Nỗi niềm bác sĩ “cắm” xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một ngày làm việc của bác sĩ Trần Văn Nam-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) thường vào lúc 5 giờ sáng. Từ vài năm nay, anh vẫn giữ nếp quen này: Dậy sớm một chút, chạy thể dục một vòng qua Trạm Y tế xã, rồi ghé vào làng Chan, làng Tiên hay làng Bua gần đó, trước là nắm tình hình, sau là kết hợp vận động tuyên truyền bà con ăn chín uống sôi, ngủ màn, có bệnh thì tới Trạm Y tế xã. “Vài năm gần đây, việc vận động tuyên truyền này là nhiệm vụ chủ yếu của các nhân viên y tế thôn làng nhưng mình có thời gian thì kết hợp, qua đó cũng góp phần nâng cao tỷ lệ khám-chữa bệnh tại trạm. Điều quan trọng là phải giữ được lòng tin của bà con.
Khám bệnh tại trạm y tế xã Đak Pling, huyện Kông Chro. Ảnh: N.G
Mặc dù được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng Trạm Y tế xã Ia Pnôn không phải không khó khăn, nhất là trình độ nhận thức của người dân về công tác khám-chữa bệnh tuyến xã còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ y tế nơi này luôn xác định phải nêu cao tinh thần trách nhiệm làm việc và thái độ phục vụ bệnh nhân tận tụy. Chính sự chân thành, cởi mở và nhiệt tâm này đã khiến người dân ngày một tin tưởng họ hơn. “Riêng trong năm 2010, trung bình mỗi tháng có khoảng 240 lượt người đến khám-chữa bệnh, chủ yếu là các bệnh thông thường, tăng khoảng 40% so với năm 2009. Phần tôi, để có nhiều thời gian cho công việc, từ khi chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Chư Prông (năm 2003) lên đây công tác, tôi đã xin chuyển hộ khẩu về xã, đồng thời thuê nhà ở gần Trạm”-bác sĩ Nam cho biết thêm.
Trên địa bàn huyện Đức Cơ đã có 7/10 xã có bác sĩ, trực tiếp khám-chữa bệnh tuyến cơ sở, nhưng chủ yếu cũng vẫn là chẩn đoán và điều trị ban đầu một số bệnh thông thường. Bởi, có một thực tế là các danh mục thuốc dành cho bác sĩ chủ yếu là kháng sinh, giảm đau, điều trị hô hấp. Còn tại huyện Chư Pah, theo ông Lý Minh Thái-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thì: Hiện vẫn còn 9/14 trạm Y tế xã chưa có bác sĩ hoạt động, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chữa trị ban đầu, làm cho lượng bệnh nhân vượt tuyến ngày càng nhiều và điều này làm cho Trung tâm luôn quá tải.
Cùng chung quan điểm, bác sĩ Lê Nguyên Hưng-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Ka (huyện Chư Pah) bày tỏ: So với các trạm y tế khác, hiện nay Trạm Y tế xã Ia Ka đã được quan tâm đầu tư xây dựng.

Toàn tỉnh hiện có 3.561 cán bộ y tế, trong đó có 530 bác sĩ, 145 dược sĩ; 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 1.901 nhân viên y tế thôn làng và 40% xã có bác sĩ.

Theo Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến 2020, để đảm bảo đạt được chỉ tiêu cơ bản có 7 bác sĩ/1 vạn dân thì hiện Gia Lai còn thiếu 394 bác sĩ.
Trang-thiết bị cần thiết cho việc khám-chữa bệnh cho nhân dân trong vùng cũng được đầu tư, nâng cấp; đặc biệt là nguồn thuốc được phân theo danh mục dành cho bác sĩ đã được bổ sung, là nguồn dược phẩm rất cần thiết dù chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, dù cơ số thuốc được cấp có tăng hơn từ khi trạm y tế có bác sĩ, nhưng do thói quen, người dân vẫn không mấy mặn mà với việc khám-chữa bệnh tại trạm. Có bệnh, người dân thường lên tuyến trên, khi cần các loại giấy tờ cho việc thanh toán thì mới trở về trạm Y tế xã để xin cấp. Để góp phần giảm tải cho tuyến trên cũng như phát huy chức năng vai trò tuyến khám-chữa bệnh ban đầu, các cơ quan chức năng cần thường xuyên lồng ghép chương trình tuyên truyền cho người dân thấy vai trò quan trọng và sự cần thiết của trạm y tế xã.
Nỗi niềm của bác sĩ Hưng cũng chính là tiếng nói chung của đội ngũ bác sĩ “cắm” xã, đặc biệt là những bác sĩ đã công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Họ, luôn đau đáu với nghề. Và, nói như bác sĩ Lương Trữ-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) thì: “Thật ra, nếu mỗi người dân ai cũng đều hiểu rõ điều kiện thực tế tại địa phương mình thì chắc chắn sẽ thấy được vai trò của trạm y tế và bác sĩ tuyến cơ sở. Huyện Mang Yang, hiện nay mới chỉ có 5/11 xã có bác sĩ (gồm các xã Ayun, Đak Jơ Ta, Hà Ra, Đak Djrăng và Kon Thụp). Trong số 5 trạm y tế xã phía Đông sông Ayun của huyện thì duy nhất Kon Thụp là trạm y tế có bác sĩ hoạt động. Các xã Đak Trôi, Kon Chiêng… cách trung tâm huyện trên 40 km, giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nhu cầu có một bác sĩ để khám-chữa bệnh và có thêm thuốc để cấp cho người dân khi bị đau ốm là rất cần thiết. Hiện nay, tại Trạm Y tế xã Kon Thụp, khi khám-chữa bệnh cho dân, có một thuận lợi chính là bác sĩ chẩn đoán kê toa và cấp thuốc theo danh mục”. Bác sĩ Trữ mong muốn được cấp thêm một số dụng cụ chuyên khoa, đặc biệt là máy siêu âm…”.
Thu Huế-Nguyễn Huy

Có thể bạn quan tâm