Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Nơi xưa là rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lấy cảm hứng từ rừng và văn hóa Tây Nguyên, nhà văn Thu Loan vừa ra mắt tập thơ “Nơi xưa là rừng”. Tập thơ chuyển tải thông điệp hãy trân trọng thiên nhiên, yêu quý cuộc sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp.
“Nơi xưa là rừng” tập hợp 39 bài thơ do nhà văn Thu Loan sáng tác trong 10 năm trở lại đây. Bà chia sẻ: “Tôi gắn bó với Gia Lai rất lâu rồi, từ ngày mà nhiều nơi trên vùng đất này còn là rừng rậm rạp. Từng ngày chứng kiến sự đổi thay của nơi mình sinh sống chính là nguồn cảm xúc dạt dào để tôi viết nên những bài thơ này”. Những bài mở đầu như “Ở rừng”, “Đêm ở rừng”, “Lên núi”, “Kon Chư Răng”, “Vào rừng”, “Những người giữ rừng”, “Rừng ơi”… chứa đầy cảm xúc của một người trót nặng lòng với cao nguyên. Bằng chính trải nghiệm của bản thân, nhà thơ ghi lại: “Lên núi gần trời hơn/Kiễng chân níu mây/Xòe tay tràn đầy nắng/Sương là là quẩn quanh/Núi đơn lẻ như mũ nấm/Núi vòng cung như tay nắm tay” (Lên núi). Tác giả coi rừng như người bạn, đủ để cảm nhận sâu sắc, tinh tế từng thanh âm, từng chuyển động giữa mênh mông đại ngàn. “Lá cành thì thào suốt đêm, dòng nước ồn ào quẫy cựa, đêm thức dậy những âm thanh rì rầm bất tận của tiếng chân thú rón rén rình mồi, của côn trùng tới giờ phút giao hoan cho giống nòi sinh sôi nảy nở, của từng cánh hoa bung nở cội rễ nhẫn nại luồn lách dưới từng kẽ đất âm thầm bám sâu” (Đêm ở rừng). Bằng tình yêu sâu thẳm, tác giả cũng không thể thờ ơ trước sự mất đi của những cánh rừng: “Những bầy chim lượn qua/Thảng thốt tìm chỗ đậu/Rừng đâu?/Đất bạc thếch trần bụi sỏi đá/Đồi chơ vơ khỏa thân/Tiếng chân thú theo mùa rộn rịch/Lầm lũi trôi vào cổ tích/Tiếng mưa rơi rả rích/Tìm đâu vòm lá thở than” (Rừng ơi).
Bìa tập thơ “Nơi xưa là rừng”. Ảnh: P.V
Bìa tập thơ “Nơi xưa là rừng”. Ảnh: P.V
Ngoài các sáng tác về rừng, tập thơ còn thể hiện những chiêm nghiệm, trăn trở của tác giả về đời sống văn hóa của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ở đó, mái nhà rông được tác giả ví như “Con thuyền mắc cạn/Giữa núi rừng/Người quen thân hay xa lạ/Đến nhà rông như trở về nhà/Nghỉ ngơi” (Nhà rông). Hay bức tượng mồ âm thầm, lặng lẽ “Sống trọn kiếp mua vui cho người chết/Tượng mồ âm thầm giữa chốn hoang/Thức cùng trăng lạnh nắng chiều tàn/Mục nát nơi âm u, ngập chìm trong cây cỏ” (Tượng mồ). Tập thơ còn là tiếng lòng, là cảm xúc của tác giả về cuộc đời, về mối quan hệ, sự kết nối giữa con người với nhau.
Điều khiến “Nơi xưa là rừng” đặc biệt chính là thủ pháp nghệ thuật của thơ văn xuôi, thậm chí không có dấu câu. “Đây là cách viết thơ hiện đại. Nếu như trước đây câu thơ thường ngắn gọn, súc tích thì câu thơ dài sẽ giúp chuyển tải được nhiều nội dung hơn, đồng thời khiến độc giả đọc chậm rãi, kỹ càng và hiểu sâu sắc hơn thay vì đọc lướt như trước”-nhà văn Thu Loan bày tỏ.
Màu xanh của những cánh rừng luôn ám ảnh, theo tác giả vào từng trang viết. Trước khi “Nơi xưa là rừng” ra đời, nhà văn Thu Loan đã xuất bản cuốn truyện vừa “Núi rừng cưu mang” (1998), tiểu thuyết “Cuốn trong dòng lũ” (2000, 2002, 2014), “Pơthi” (2014). Cứ như vậy, những cánh rừng ẩn hiện trong từng tác phẩm. Lần này, qua “Nơi xưa là rừng”, tác giả một lần nữa bày tỏ nỗi băn khoăn, lòng trắc ẩn và mong mỏi cộng đồng hãy trân trọng gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là những cánh rừng.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm