Kinh tế

Nông dân bức xúc vì bị nợ tiền mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Niên vụ 2013-2014 đã kết thúc nhưng rất nhiều nông dân thuộc vùng đầu tư, thu mua mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Đường Bình Định vẫn chưa nhận được tiền bán mía.
 

Nông dân Đak Pơ chăm sóc mía. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân Đak Pơ chăm sóc mía. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Phạm Ngọc Niên (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê) cho biết: Hàng năm, ông đại diện đi bán mía cho nông dân. Đến nay, vụ ép 2013-2014 đã kết thúc, nhưng số tiền Công ty cổ phần Đường Bình Định hiện còn nợ là 2,06 tỷ đồng. “Số tiền này không phải của riêng tôi mà là tiền công chặt mía, công chất lên xe ô tô, tiền khấu trừ đầu tư cho người nông dân trồng mía. Làm công việc này đã mười mấy năm nhưng đây là lần đầu tiên mới bị tình cảnh như thế này. Tôi cũng rất buồn vì người dân đã đốn mía bán cho Công ty cổ phần Đường Bình Định hơn 2 tháng nay nhưng đến giờ lại không nhận được đồng tiền mồ hôi, công sức mình làm ra. Hàng ngày, người trồng mía, người làm công đến nhà tôi đòi tiền nhưng tôi đành bất lực vì không có tiền để trả. Công ty cổ phần Đường Bình Định đã hứa sẽ trả 30% số tiền nợ vào ngày 21-5-2014 và thanh toán hết tiền nợ vào ngày 30-5-2014. Nếu Nhà máy có tiền thanh toán sớm thì tôi cũng sẽ giải quyết sớm cho nông dân vì người trồng mía hiện gặp nhiều khó khăn”-ông Niên bức xúc.

Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Chung (xã An Thành, huyện Đak Pơ) có 35 xã viên trồng mía, với diện tích 200 ha. Hợp tác xã nhận đầu tư của Công ty cổ phần Đường Bình Định sau đó phân phối cho xã viên. Đến vụ thu hoạch sẽ  thu mía nhập về Công ty cổ phần Đường Bình Định để trả tiền đầu tư. Mấy năm trước, nhập mía đến đâu, Công ty thanh toán tiền đến đó. Năm nay, Hợp tác xã đã bán cho Công ty trên 10.000 tấn mía cây nguyên liệu. Tính tiền cước vận chuyển, tiền bán mía khoảng 10 tỷ đồng. Đến nay, Công ty còn nợ Hợp tác xã 300 triệu đồng và hứa sẽ trả hết trong tháng 5 này. Ông Thiều Kim Chung-Chủ nhiệm Hợp tác xã lo lắng: Số nợ còn lại không đáng ngại. Song điều lo lắng là niên vụ 2014-2015 bà con xã viên đã trồng mới 100 ha mía và còn lại 100 ha mía lưu gốc trong khi Công ty cổ phần Đường Bình Định lại không tiếp tục đầu tư thêm nên Hợp tác xã không biết xoay vốn ở đâu cho người dân chăm sóc mía.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Trong lần làm việc mới đây với chúng tôi, lãnh đạo huyện Đak Pơ và thị xã An Khê khẳng định Công ty cổ phần Đường Bình Định hiện còn nợ tiền mía của nông dân là có thật. Chủ yếu là nợ các đại lý đứng ra thu mua mía của dân để nhập về Công ty. Còn Công ty chưa thanh toán tiền cho bao nhiêu đại lý, số tiền thực nợ là bao nhiêu thì chưa thể đưa ra con số chính xác vì địa phương chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào từ dân nên thiếu cơ sở xác minh. Tổng số tiền Công ty cổ phần Đường Bình Định còn nợ là không nhỏ nên hiện tại rất nhiều hộ dân không có tiền trả nợ thuê nhân công thu hoạch mía và công vận chuyển mía từ ruộng lên xe... Ông Nguyễn Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nói: Dù chưa nhận được đơn thư khiếu nại, khiếu kiện việc Công ty cổ phần Đường Bình Định nợ tiền mía của dân, song với trách nhiệm của mình, UBND huyện đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần Đường Bình Định về vấn đề này và nhận được câu trả lời: Công ty đang gặp khó khăn nên chậm chi trả tiền mua mía. Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện đôn đốc Công ty cổ phần Đường Bình Định sớm chi trả tiền mua mía cho dân để có tiền tái đầu tư.
 


Theo Công văn số 178/CV-ĐBĐ ngày 5-5-2014 của Công ty cổ phần Đường Bình Định gửi UBND các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê thì tổng số nợ tiền mía của nông dân là 45 tỷ đồng. Số nợ này sẽ được đơn vị chi trả dứt điểm trong tháng 5 và 6-2014. Cụ thể, ngày 21-5-2014 trả 5 tỷ đồng; các ngày 26, 29 và 30-5-2014 mỗi ngày trả 10 tỷ đồng. Ngày 7-6-2014 sẽ trả 10 tỷ đồng. Trước đó, ngày 29-4-2014, Công ty cổ phần Đường Bình Định đã có cam kết với nông dân bán mía cho Công ty về kế hoạch trả nợ cho nông dân. Tại bản cam kết này, đại diện các hộ dân bán mía yêu cầu niêm phong 2 kho đường đến khi Công ty thanh toán xong 25 tỷ đồng mới được mở kho xuất đường. Xuất đường tới đâu thanh toán tiền nợ cho nông dân đến đó.
 

Liên quan đến sự việc trên, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-ông Mang Viên Tý nêu vấn đề: Quy hoạch đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía khu vực phía Đông tỉnh gắn với các nhà máy chế biến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, với tình trạng nảy sinh như hiện nay có nên giữ nguyên hiện trạng hay điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo nguồn lợi cho người trồng mía một cách bền vững. Tiếp đến là hình thành hợp tác xã chuyên đầu tư cho cây mía để làm nhiệm vụ gắn kết giữa nông dân và nhà máy theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt là ngay từ đầu vụ thu hoạch mía nên thành lập Ban chỉ đạo thu mua mía để nắm tình hình thu mua, chữ đường... để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho người dân trồng mía theo đúng Quyết định 58/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường.

Quang Văn-Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm