Kinh tế

Nông dân huyện Ia Grai thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng từ lâu đã trở thành hoạt động trọng tâm xuyên suốt của Hội Nông dân các cấp. Tại huyện Ia Grai, phong trào này thực sự mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông thôn phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Huyện Ia Grai có 13 xã, thị trấn với 150 thôn, làng, khu phố. Trong đó, có 5 xã đặc biệt khó khăn và 31 làng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn thuộc các xã vùng II. Dân số toàn huyện khoảng 94.317 nhân khẩu (23.568 hộ) với tổng số hộ sản xuất nông nghiệp là 15.927. Toàn huyện có 12.282 hội viên sinh hoạt trong 529 tổ hội/150 chi hội/13 cơ sở Hội (đạt 82,3% so với hộ nông nghiệp).

 

Việc chuyển biến nhận thức cho người nông dân giúp họ tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Hồng Thi

Để đẩy mạnh phong trào sản xuất-kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, Hội Nông dân đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp nông dân phát triển sản xuất. Cụ thể: phối hợp với các ngành chức năng dạy nghề cho 990 lao động nông thôn; tập huấn khoa học kỹ thuật cho 1.920 lượt nông dân/64 lớp; phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo về phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên Ekmat xây dựng mô hình tiết kiệm chi phí sản xuất trên cây cà phê, hỗ trợ phân bón cho 10 hộ nông dân trị giá hơn 200 triệu đồng; tín chấp cho bà con mua gần 1.000 tấn phân trả chậm; phối hợp với các ngân hàng tín chấp cho nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất…

Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào này, nhiều hộ nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư hợp lý vào việc chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Tùy điều kiện tự nhiên của từng vùng mà các gia đình đầu tư phát triển kinh tế theo các mô hình khác nhau, như: VAC của hộ gia đình ông Phạm Thanh Bình (làng Út 2, xã Ia Bă), gia đình ông Hoàng Văn Khâm (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok); mô hình trang trại cây công nghiệp của hộ ông Siu Dung (làng Bía Ngó, xã Ia Chía), hộ Nguyễn Xuân Thiên (thôn 4, xã Ia Krái); mô hình sản xuất kết hợp kinh doanh của ông Phạm Văn Chinh (thôn Tân Lập, xã Ia Sao); mô hình trang trại-nuôi ong của ông Nguyễn Huy Hoàng (thôn 4, xã Ia Tô)… Đây cũng là những điển hình tiêu biểu cho phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi của huyện.

Ông Phạm Văn Chinh vui vẻ chia sẻ: “Năm 1986, tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vừa kiên trì làm công nhân vừa tích cực khai hoang để có đất sản xuất. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định tầm 300-400 triệu đồng với 6 ha cà phê cho năng suất ổn định từ 22 đến 25 tấn nhân/năm. Ngoài ra, tôi còn kinh doanh phân bón, bán và hỗ trợ đầu tư cho bà con trong vùng. Nhà cửa giờ cũng khang trang và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt”.

“Họ là những người thích nghi nhanh với cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, biết tổ chức sản xuất và tích lũy vốn để đưa vào sản xuất có hiệu quả; đồng thời luôn gương mẫu trong các hoạt động xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và luôn sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ các hội viên khó khăn vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình đã tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các hộ thành công trong mô hình làm kinh tế cũng như phát triển kinh doanh dịch vụ, nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao”- ông Rơ Châm Chel-Chủ tịch Hội Nông dân huyện, nhìn nhận.

 

Nhiều phương thức canh tác mới giúp nâng cao năng suất và chất lượng quả cho cà phê được nông dân áp dụng. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo ông Chel, năm 2011, số hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp là 3.525 hộ (trong đó có 962 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 27,3%). Đến cuối năm 2013 đã có 3.924 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn sản xuất-kinh doanh giỏi với 1.117 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (6 hộ đạt tiêu chuẩn trung ương, 27 hộ cấp tỉnh, 623 hộ cấp huyện, 3.268 hộ cấp cơ sở). Trên 300 hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hơn 100 hộ được UBND và Hội Nông dân các cấp khen thưởng.    

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện phong trào này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Đó là: phong trào phát triển chưa đồng đều, sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, chưa tập trung, một số xã còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo; lượng mô hình chuyển đổi cũng như số hộ nông dân biết chuyển đổi (nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) còn thấp so với tiềm năng của địa phương; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%) trong khi các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người nông dân trực tiếp sản xuất; hệ thống cơ sở chế biến trên địa bàn còn nhỏ lẻ nên chủ yếu các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su đều tiêu thụ dưới dạng thô, dẫn đến giá trị thương phẩm chưa cao…

Trong thời gian đến, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào sản xuất-kinh doanh giỏi, cụ thể là phát triển nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hàng năm, phấn đấu số hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi toàn huyện tăng 10%. Đến cuối năm 2016 có từ 75% đến 80% số hộ nông nghiệp biết áp dụng mô hình chuyển đổi, trong đó khoảng 50% số hộ chuyển đổi đạt kết quả kinh tế cao; số hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi đạt 45% số hộ nông nghiệp. Cùng với đó, 100% xã, thị trấn phải xây dựng được Câu lạc bộ “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi” để hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân về phương thức sản xuất, kinh doanh, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm