Kinh tế

Nông dân Ia Mrơn ứng dụng internet vào phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa là một trong những địa phương đầu tiên được Hội Nông dân tỉnh chọn triển khai dự án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng internet phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn”. Sau 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, CLB “Nông dân với internet” nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình.

Hiệu quả bước đầu

Được thành lập từ tháng 9-2010 với 12 thành viên, đến nay, số lượng thành viên tham gia CLB đã lên đến 30 người (trong đó có 21 người dân tộc thiểu số). CLB được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cho 1 máy vi tính để bàn và 1 máy in để phục vụ trong quá trình sinh hoạt. Tất cả mọi người tham gia đều trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ mong muốn chính đáng là cập nhật và mở rộng kiến thức trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng và vật nuôi. Qua các lớp tập huấn cũng như học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đến nay, 100% thành viên CLB đều đã biết cách sử dụng máy tính để truy cập và tìm kiếm thông tin trên mạng internet.
 

Nông dân Siu Brul bên vườn ươm cà đắng-giống cây mới mà ông ứng dụng trồng sau khi nghiên cứu thông tin trên internet. Ảnh: Hồng Thi

Ông Siu Pol-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Mrơn, Chủ nhiệm CLB-cho biết: “Trước đây, hàng ngày, các thành viên CLB có nhu cầu thì đến đăng ký máy để truy cập thông tin mình đang thắc mắc. Ai thu thập được thông tin gì mới, liên quan đến đời sống và sản xuất thì in ra để về phổ biến lại cho bà con biết mà cùng áp dụng. Từ khi CLB ra đời cũng giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, đa số giờ đều biết cách sản xuất theo hướng tích cực và cho hiệu quả cao hơn trước”.

Nông dân Siu Brul (thôn Amarin 1) là một trong những thành viên của CLB biết vươn lên làm giàu nhờ việc ứng dụng interner khai thác thông tin. Khi được hỏi về những lợi ích mà CLB mang lại cho mình, ông Brul chia sẻ: “Tham gia CLB, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian ngồi máy tính để lên mạng truy cập vào các trang web nông nghiệp. Những thông tin trên mạng giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xuống giống, ươm mầm; phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, cây mì; cách sử dụng phân bón như thế nào cho hiệu quả; các biện pháp để tăng năng suất cây trồng hay phương pháp lai tạo bò giống (giữa bò địa phương và bò sind)…”.

Tương tự như Siu Brul, ông Lê Văn Năm (thôn Kim Năng 2) cũng phấn khởi nói: Nhà tôi có 2 ha mía và 3 ha mì, từ ngày tham gia CLB, gia đình lại có sẵn máy tính nên tôi thường xuyên lên mạng để khai thác những thông tin cần thiết, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, năng suất cũng tăng lên rõ rệt. Hơn nữa, qua internet, tôi nắm được giá cả thị trường, biết thêm nhiều mô hình sản xuất ở khắp nơi trên cả nước để học tập và vận dụng nếu thích hợp.

Vẫn gặp phải khó khăn

CLB “Nông dân với internet” được coi là kênh truyền thông mới về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cung cấp thông tin thời sự về các mặt đời sống xã hội trong nước và thế giới đến nhanh hơn với người nông dân. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai và thực hiện, CLB này tại xã Ia Mrơn cũng đương đầu với nhiều vấn đề nan giải.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nơi sinh hoạt CLB. “Trước nhu cầu tham gia CLB của  nông dân ngày càng tăng thì nơi để hội viên sinh hoạt lại không có. Chỉ 1 căn phòng rất nhỏ mà cả Hội Nông dân và Hội Người cao tuổi cùng chen nhau ở thì sao mà sinh hoạt được”-ông Siu Pol phân tích. Vì thế, CLB không thể có những buổi sinh hoạt riêng các thành viên mà phải sinh hoạt chung tại 12 chi hội nông dân (thuộc 12 thôn) mỗi tháng một lần. Tất cả những thắc mắc, nhu cầu của hội viên tại các buổi sinh hoạt được Chi hội trưởng tổng hợp lại rồi trình lên cho Ban Chủ nhiệm CLB. Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm mới truy cập, in thông tin ra giấy và chuyển về thôn phổ biến lại cho nông dân.
 

Vì thiếu máy tính và nơi sinh hoạt nên Chủ tịch Hội Nông dân xã Siu Pol luôn phải tự truy cập thông tin rồi in ra và phổ biến lại cho hội viên. Ảnh: Hồng Thi

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Mrơn-Siu Pol-cũng bày tỏ thêm: “Ngoài một số hội viên CLB có điều kiện trang bị máy tính tại nhà để lên mạng truy cập, 1 máy tính cho CLB không đủ để đáp ứng nhu cầu cho hội viên, ít nhất phải được 2-3 máy. Tuy nhiên nguồn kinh phí bỏ ra để đầu tư máy móc là không thể vì xã còn nghèo”.

Ban Chủ nhiệm từng vận động hội viên đóng quỹ (2.000 đồng/người) để phục vụ cho quá trình sinh hoạt CLB như mua giấy A4, mực in, bút… Thế nhưng số tiền ít ỏi gây quỹ ấy giờ đây cũng đã tạm ngừng thu bởi nhiều hội viên không chịu đóng. Thậm chí, theo lời ông Siu Pol, chiếc máy in mà Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ khi thành lập CLB đã bị hư một thời gian dài mà vẫn chưa thể sửa chữa được vì thiếu kinh phí.

Những khó khăn trên đã phần nào gây kiềm hãm sự phát triển cũng như nhân rộng mô hình CLB trên địa bàn xã. Hiệu quả của CLB vì thế cũng bị giảm sút. Nếu không tìm ra hướng đi mới hoặc những giải pháp thiết thực nhất, e rằng CLB có thể phải ngừng hoạt động trong thời gian không xa…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm