Bộ Tài chính vừa hoàn thiện đề án về chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa hàng hóa để trình Chính phủ. Theo đề án này, nông dân sẽ được hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra để nông nghiệp không còn là lĩnh vực thu nhập thấp nhất.
Việc hỗ trợ nông dân trồng lúa sẽ tập trung mạnh vào vụ hè thu vì vụ này thường có giá thấp. Về hỗ trợ giá đầu vào, Bộ Tài chính đề nghị hai phương án:
- Phương án 1 là sẽ hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất lúa vay vốn ngân hàng mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất để giảm giá thành.
- Phương án 2, là hỗ trợ qua giá bán vật tư nông nghiệp. Nhà nước lựa chọn một số vật tư nông nghiệp chủ yếu, quy định giá bán cho nông dân không lấy lãi, thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh các loại vật tư đó để các doanh nghiệp bán hàng cho nông dân thấp hơn giá thị trường.
Do phương án này có thể dẫn đến cơ chế xin cho, tạo điều kiện cho việc tuồn hàng được hỗ trợ ra thị trường nên Bộ Tài chính kiến nghị chọn phương án 1.
Về hỗ trợ đầu ra cho sản xuất lúa gạo, Bộ Tài chính đề xuất năm phương án, trong đó bộ đề nghị chọn phương án 5. Theo đó, khi giá thị trường lúa xuống thấp hơn giá sàn định hướng do Nhà nước công bố, Nhà nước sẽ yêu cầu doanh nghiệp mua theo giá sàn định hướng (bằng giá thành sản xuất lúa tại ruộng cộng lợi nhuận tối thiểu 30%) tạm trữ trong khoảng thời gian ba tháng.
Sẽ có quỹ bình ổn giá lúa gạo Thực hiện nguyên tắc không bao cấp, bù lỗ cho doanh nghiệp và người sản xuất từ nguồn ngân sách, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép hình thành quỹ bình ổn giá lúa gạo từ một phần lợi nhuận của gạo xuất khẩu để có nguồn lực hỗ trợ bình ổn giá lúa gạo ở thị trường trong nước. Cụ thể, mức trích quỹ một năm khoảng 30% trên tổng lãi trước thuế. |
Quỹ bình ổn sẽ trực tiếp bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn, các doanh nghiệp được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để mua tạm trữ lúa, bù phần chênh lệch lỗ giữa giá thóc doanh nghiệp phải mua theo giá định hướng và giá xuất khẩu.
Theo Bộ Tài chính, với phương án này người sản xuất trực tiếp được thụ hưởng ngay chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc mua bán sẽ diễn ra nhanh gọn, thực hiện được mục tiêu mua hết lúa hàng hóa và người sản xuất lãi tối thiểu 30%.
Mặc dù đưa ra nhiều phương án nhưng để người sản xuất thật sự được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đầu ra của lúa gạo, Bộ Tài chính khẳng định điều kiện tiên quyết là phải mua lúa trực tiếp cho người sản xuất.
Trong điều kiện các doanh nghiệp chưa tổ chức được mạng lưới để mua tại nhà của dân (hiện mới mua 20%), các cơ quan phải yêu cầu doanh nghiệp công bố hai loại giá ở hai địa điểm mua khác nhau, gắn với tiêu chuẩn chất lượng của lúa để người sản xuất lựa chọn nơi bán hàng hóa của mình thuận lợi nhất, tránh tình trạng bị trung gian ép giá.
Theo TTO