Kinh tế

"Nóng" thị trường thép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa khô Tây Nguyên cũng là thời kỳ cao điểm xây dựng công trình, chính vì vậy giá cả vật liệu xây dựng lúc này luôn tăng cao. Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay giá thép tăng đột biến khiến nhiều nhà thầu và gia chủ lo lắng.

Giá thép tăng “chóng mặt”

Thị trường vật liệu xây dựng những ngày qua luôn “nóng” do giá thép tăng liên tục, thậm chí có ngày tăng 2-3 lần. Giá thép biến động khiến nhiều cửa hàng vật liệu không dám đưa ra giá cụ thể, phải chờ nhà máy chốt giá hoặc chỉ dám thông báo giá theo từng thời điểm trong ngày, khách mua khi nào thì chốt theo khi đó. Tại cửa hàng vật liệu xây dựng thuộc Công ty TNHH 81 (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku), nhân viên bán hàng cho biết: Xe chở thép của công ty vẫn còn chờ xếp hàng dưới nhà máy, khi nào thép lên xe và nhà máy chốt giá thì mới thông báo giá. Còn theo chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thế Tạo (TP. Pleiku) thì giá thép từ sáng đến trưa đã tăng 300 đồng/kg. Vì vậy, thông báo giá chỉ mang tính tham khảo, mua khi nào thì chốt giá khi đó.

 

Giá thép biến động khiến nhiều cửa hàng vật liệu không dám đưa ra giá cụ thể.

Tùy từng cửa hàng mà giá cả cũng có sự chênh lệch. Theo thông báo giá mà cửa hàng vật liệu xây dựng Thế Tạo tại thời điểm ngày 18-3-2016, giá thép Pomina phi 6 và 8 cùng có giá 13.000 đồng/kg, thép Dana phi 6 là 12.000 đồng/kg, phi 8 là 12.800 đồng/kg… Trong khi trước đó, thông báo giá thép ngày 17-3-2016 của Công ty TNHH 81 đối với thép Pomina phi 6 và 8 chỉ ở giá 11.900 đồng/kg và đến ngày 19-3-2016 giá thép Pomina phi 6 và 8 của công ty này tăng lên 12.300 đồng/kg. Như vậy, so với thời điểm trước Tết, giá thép hiện đã tăng thêm gần 2.000 đồng/kg (trước Tết là 10.800 đồng/kg). Ngoài ra, một số vật liệu khác cũng tăng nhẹ, chẳng hạn xi măng tăng khoảng 60.000 đồng/tấn…

Nhà thầu và gia chủ đều gặp khó
 
Giá thép tăng cao khiến các nhà thầu gặp không ít khó khăn, nhất là với hình thức đầu tư xây dựng “chìa khóa trao tay”. Theo ông Đỗ Xuân Tuấn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hợp Phát Gia Lai, dù năm nay tình hình xây dựng khả quan, số lượng công trình tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhưng giá một số vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao gây nhiều khó khăn cho việc thi công các công trình.

Trong khi đó, các hộ gia đình đang xây dựng nhà ở thì giá thép tăng cao liên tục giống như “ngồi trên đống lửa”. Anh Vũ Văn Tuyền đang xây nhà trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) bức xúc: “Nhà mình vừa khởi công được 2 tuần. Hôm trước đặt cọc mua thép chỉ với giá 250.000 đồng/cây thép phi 18 nhưng hôm sau chở hàng đến công trình, nhân viên cửa hàng đòi lên 280.000 đồng/cây, trong khi mình đã đặt cọc 10 triệu đồng rồi. Công trình dang dở, không lấy cũng không được vì lỡ đặt cọc, mà lấy thì tức lắm, tăng 30.000 đồng/cây chứ có ít đâu. Rõ ràng, cửa hàng ép mình, vì trong kho vẫn còn rất nhiều hàng”. Không chỉ với mặt hàng thép mà nhiều mặt hàng khác khi có biến động về giá, nhiều cửa hàng “đục nước béo cò” đầu cơ, tăng giá, ép giá người tiêu dùng. “Rút kinh nghiệm lần sau mình sẽ chốt giá và ký tá cụ thể, chứ chốt miệng kiểu này thiệt quá”-anh Tuyền nói.  Còn anh Nguyễn Nhật Hùng thì than vãn: “Mấy ngày rồi mình phải vay tiền để cắt hàng thép vì hôm đó đúng thứ bảy, chủ nhật đâu có ra ngân hàng rút tiền được. Cách một ngày mà mất cả chục triệu đồng, tiếc lắm”.

Được biết, nguyên nhân của việc tăng giá thép đột biến trong thời gian gần đây là do ngày 7-3-2016, Bộ Công thương công bố Quyết định số 862/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu. Do đó, nhiều đại lý kêu khan hàng, còn các nhà máy liên tục tăng giá và hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm