Pháp luật

“Nóng” tình trạng buôn lậu, hàng giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở 5 tỉnh Tây Nguyên từ đầu năm đến nay không phát sinh các “điểm nóng”, nổi cộm. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tập trung ở các mặt hàng thuốc lá, phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, hàng thời trang…

Số vụ việc phát hiện tăng mạnh

Trong 7 tháng năm 2023, 5 tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 6.485 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó có 1.024 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (tăng 9,8%); 5.377 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (tăng 53,9%); 90 vụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 184,2%). Lực lượng chức năng đã khởi tố 201 vụ (tăng 44%) với 298 đối tượng (tăng 58,3%); số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 134 tỷ đồng (tăng 61,2%).

Các nhóm hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lâm sản, khoáng sản, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, hàng điện tử, hàng thời trang, đồ chơi trẻ em, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp…

Hoạt động mua bán hàng giả mạo nhãn hiệu gia tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023 (ảnh Cục Quản lý thị trường tỉnh cung cấp).

Đánh giá tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, ông Trịnh Mạnh Cường-Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia-cho biết: Các đối tượng còn lợi dụng hoạt động xuất-nhập khẩu, xuất-nhập cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại đối với các loại hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Gia Lai.

Trong nội địa, các đối tượng thông qua hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok... để kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, rượu, bia, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, các đối tượng sản xuất gia công, pha trộn, nhái bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng hoặc trà trộn một phần hàng giả với hàng thật đưa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ…

Nhiều thách thức trong công tác đấu tranh

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai-thông tin: Trong 7 tháng năm 2023, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1.445 vụ/1.258 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, lực lượng chức năng đã khởi tố 23 vụ/33 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 1.180 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 32,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số phát hiện tăng 83 vụ, số khởi tố hình sự tăng 9 vụ, số thu nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 4,5 tỷ đồng.

Theo ông Hà, hiện nay, các lực lượng chức năng đang gặp khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vì các quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính còn trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ, gây ra nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay quá mỏng, trong khi địa bàn rộng lớn, biên giới dài. Trang-thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Chi phí giám định nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng còn rất cao, phải kiểm tra lại nhiều lần. Trong khi đó, kinh phí dành cho công tác đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng của lực lượng thực thi công vụ hiện tại không có.

Ngoài ra, muốn giám định hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải có yêu cầu từ chủ sở hữu nhãn hiệu bị làm giả. Tuy nhiên, có vụ việc, lực lượng chức năng mời chủ thể quyền có sản phẩm bị làm giả đến để xác nhận hàng giả thì bị từ chối vì họ e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng.

Nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng dịp cuối năm sẽ tăng cao, do đó hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp (ảnh Cục Quản lý thị trường tỉnh cung cấp).

Khó khăn cũng được ông Nguyễn Văn Trãi-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đak Nông-nhận định: “Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, nổi lên trong thời gian qua là hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rồi lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán karaoke, quán bar để hoạt động ma túy. Về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các đối tượng đã lợi dụng chợ truyền thống, thương mại điện tử, hoạt động vận tải trên các tuyến quốc lộ, hàng ký gửi qua đường bưu điện, xe khách để mua bán, vận chuyển, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng”.

Còn Thượng tá Nguyễn Văn Chuyên-Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Đak Lak) thì cho rằng: Công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến đường dây, ổ nhóm còn chậm; nhiều vụ việc không tìm ra đối tượng chủ mưu cầm đầu; kết quả thực hiện một số chuyên đề còn hạn chế. Công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng còn hạn chế. Công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, nhịp nhàng; nhiều quy định về xử lý chưa chặt chẽ đã gây khó khăn cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Để công tác đấu tranh phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phát huy hiệu quả trong những tháng cuối năm 2023, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu: Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên cần chủ động nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, nhận diện, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề nổi cộm, phức tạp, triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề đã xây dựng. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chia sẻ thông tin dữ liệu, thực hiện công tác tuyên truyền. Tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm các sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Có thể bạn quan tâm