(GLO)- Tận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương, nhiều người đã đầu tư xây dựng nông trại kết hợp du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Hiệu quả kinh tế cao
Với diện tích 2,2 ha, Nông trại dâu tây X-Green Gia Lai mang về cho anh Võ Hoàn Hảo (SN 1989, thôn Hưng Bình-Tân Hợp, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Số tiền này thực sự không nhỏ đối với một thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch.
Tốt nghiệp chuyên ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Tây Nguyên), anh Hảo vào làm việc tại Công ty Cà phê 706 (xã Ia Yok). Thế nhưng, mong muốn có 1 trang trại rau quả sạch của chính mình đã thôi thúc anh mạnh dạn khởi nghiệp. Sau khi nghỉ việc tại Công ty Cà phê 706, năm 2018, anh Hảo dành thời gian đi học tập kinh nghiệm ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Cùng với những kiến thức tích lũy được, anh đã phá bỏ vườn cà phê già cỗi, làm hệ thống nhà màng rộng khoảng 50 m2 để trồng thử nghiệm các loại dâu tây: Mỹ Đá Tù, Nhật Akihime, Mỹ Abion, New Zealand, Hana… “Ngoài trồng trong nhà màng, tôi cũng trồng thử dâu tây ngoài điều kiện tự nhiên. Trong quá trình trồng thử nghiệm, một số giống dâu không phù hợp với thời tiết nên bị sâu bệnh, năng suất không cao. Riêng giống dâu tây Hana phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương nên tôi quyết định nhân rộng ra toàn vườn”-anh Hảo chia sẻ.
Chị Phan Thị Hoài Thu với sản phẩm dâu tây của Upes Farm. Ảnh: Minh Nhật |
Dâu tây được trồng vào khoảng tháng 9, thời điểm thu hoạch từ giữa tháng 12 đến hết tháng 5 năm sau. Những tháng còn lại, anh Hảo tập trung cải tạo đất. Quả dâu tây rất kỵ nước nên anh Hảo làm rãnh để thoát nước. Vì trồng theo hướng nông nghiệp sạch lại áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn dâu tây của anh phát triển xanh tốt, cho trái ngọt, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ 50 m2 ban đầu, đến nay, diện tích vườn dâu tây tăng lên 2,2 ha. Hiện tại, ngoài vườn dâu tây ở thôn Hưng Bình-Tân Hợp, anh Hảo còn 1 nông trại rộng 1 ha ở thôn 2 (xã Diên Phú, TP. Pleiku), trong đó có 5 sào dâu tây, còn lại trồng sầu riêng và cà phê; 1 vườn ở tổ dân phố 7 (thị trấn Ia Kha) trồng 7 sào dâu tây. Sản phẩm dâu tây của nông trại cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trái cây sạch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh Hảo còn trồng thêm 8 sào nho và phúc bồn tử. Dự kiến, khoảng 3 tháng nữa, các loại cây trồng này sẽ cho thu hoạch.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Hảo còn liên kết với nhiều hộ dân ở xã Ia Yok và xã Diên Phú để mở rộng quy mô vườn dâu tây với diện tích hơn 1,5 ha. Không chỉ canh tác, anh Hảo còn cung cấp cây giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn. Bà Đào Thị Hà (179 Trần Nhật Duật, xã Diên Phú) chia sẻ: “Năm 2021, nhờ anh Hảo hỗ trợ, tôi đã đầu tư làm 300 m2 nhà màng để trồng dâu tây và trồng hơn 4 sào dâu tây ngoài trời. Tôi đang tính mở rộng thêm 1 sào dâu tây nữa trong năm nay. Nhờ anh Hảo hướng dẫn kỹ thuật, năng suất dâu tây đạt khá cao, trái dâu đạt chất lượng và cho thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng/năm”.
Upes Farm của chị Phan Thị Hoài Thu (thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) có diện tích 3 sào trồng dâu tây cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Năm 2021, chị Thu bắt đầu trồng 15.000 cây dâu tây giống Hana. Hướng đến mô hình nông nghiệp sạch, chị Thu sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc dâu tây. Để giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, nông trại được đầu tư hệ thống tưới tự động, toàn bộ hệ thống tưới phủ ni lông để hạn chế cỏ mọc và tạo độ ẩm.
Dù mới trồng được hơn 1 năm, song mô hình đã mang lại kết quả khả quan với nguồn thu hơn 250 triệu đồng/vụ (chưa trừ chi phí). Hiện nông trại giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương, 10 lao động thời vụ. Chủ Upes Farm thông tin: “Tuân thủ nghiêm quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, dâu tây tại nông trại có độ ngọt cao, trái đẹp. Quả dâu tây size nhỏ đang được nông trại bán với giá 160.000 đồng/kg; size lớn 200.000-300.000 đồng/kg”.
Du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch
Nông trại X-Green của anh Hảo luôn tấp nập khách vào ra, nhất là vào dịp cuối tuần. Nông trại cung cấp các dịch vụ cho du khách như: trải nghiệm thu hoạch trái cây, cách chăm sóc cây và chụp ảnh tại vườn…
Tại vườn, anh Hảo đầu tư các tiểu cảnh để hấp dẫn du khách. Với mục tiêu hướng đến nông nghiệp sạch, khi khách đến tham quan vườn, anh Hảo đều sẵn sàng chia sẻ quy trình trồng trọt. Chính vì vậy, nông trại của anh được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm. Giữa các luống dâu tây, nông trại đã cẩn thận phủ bạt để du khách đi lại dễ dàng. Các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Ia Grai cũng liên hệ anh Hảo để đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Du khách được phát giỏ đựng và trải nghiệm thu hoạch dâu tây theo sự hướng dẫn của nhân viên; tùy theo kích cỡ trái, dâu tây được bán giá tương đương với thị trường.
Anh Võ Hoàn Hảo với vườn dâu tây rộng hơn 2,2 ha nhằm phát triển kinh tế và thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Minh Nhật |
Anh Hảo cho hay: “Du lịch nông nghiệp an toàn, gần gũi với thiên nhiên đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn. Nắm bắt xu thế đó, không chỉ bán sản phẩm cho các cửa hàng, nông trại đã tạo điều kiện cho du khách vào tham quan. Hầu hết du khách đều rất thích thú khi khám phá, trải nghiệm việc thu hoạch trái cây, nhất là các em nhỏ”.
Nông trại của chị Phan Thị Hoài Thu cũng là địa chỉ “hot” thu hút du khách đến tham quan bởi những cây trồng xanh mướt, tươi tốt, trĩu quả. Vào dịp lễ, Tết, nông trại đón hơn 100 lượt khách/ngày đến tham quan, chụp ảnh và mua sản phẩm. Để cải tạo đất cho vụ dâu tây tới, chị Thu đã luân canh trồng đậu xanh và mở cửa cho du khách tham quan, trải nghiệm miễn phí. Chị Nguyễn Thị Thảo-giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai-chia sẻ: “Nông trại của chị Thu chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 4 km nên vào dịp cuối tuần, tôi thường cho các con ra đây trải nghiệm. Vừa được tận hưởng không khí trong lành vừa tìm hiểu quy trình trồng, tận tay thu hoạch dâu tây hay đậu xanh nên các con tôi rất thích thú. Tôi thường mua nông sản sạch ở đây cho gia đình và làm quà tặng bạn bè”.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Phan Thị Hoài Thu cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của gia đình tôi là sự kết hợp giữa nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ du lịch nông nghiệp. Việc mở cửa cho du khách vào tham quan, trải nghiệm tại vườn đã góp phần đưa nông sản đến nhiều hơn với người tiêu dùng. Các em nhỏ cũng có cơ hội trải nghiệm thực tế, hòa mình với thiên nhiên và bồi đắp kỹ năng sống. Sắp tới, nông trại sẽ mở rộng quy mô và đa dạng cây trồng để mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách”.
MINH NHẬT