Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Nữ sinh uống thuốc tự tử: Sao lại đẩy học sinh đến bước đường cùng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ nữ sinh uống thuốc tự tử ngay tại trường để minh chứng bản thân không mắc lỗi như nhà trường đã quy kết, khiến nhiều người không khỏi xót xa và đặt nhiều câu hỏi về cách giáo dục, kỷ luật học sinh.
 
Xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng SHUTTERSTOCK
Phương pháp kỷ luật phản giáo dục
Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, ngày 30.11, một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Vĩnh Xương (TX.Tân Châu, An Giang) đã để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay tại trường, để minh chứng mình không vi phạm như quyết định xử lý của trường.
Theo như mẹ của nữ sinh uống thuốc tự tử, nữ sinh này bị uất ức do trường xử lý em vi phạm nội quy của trường. Mà nguyên nhân bắt đầu từ việc nữ sinh không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Đồng thời, giáo viên dạy môn toán trong lớp “để ý” em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y” và có lời nói làm nhiều bạn học trong lớp chú ý, khiến em ngượng ngùng. Mặc dù, nhà trường không có quy định hoặc hướng dẫn nào về việc mặc áo dài cụ thể, để các nữ sinh thực hiện.
Theo thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020-2021, do thầy Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương, ký ngày 27.11, em N.T.N.Y (học lớp 10A4) đã mắc sai phạm: Phản ánh không đúng sự thật; Gây hiểm lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học. Trường xử lý Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1.12 đến 12.12.
Trong quyết định, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương còn yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút từ thứ 2 đến thứ 7 để các cô của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường.
Sau khi vụ việc về nữ sinh được Báo Thanh Niên đăng tải, nhiều bạn đọc đã bày tỏ bức xúc trước cách xử lý kỹ luật của nhà trường.
Bạn đọc có tên Viet Pham, bình luận: “Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương còn yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút từ thứ 2 đến thứ 7 để các cô của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường. Đây là phương pháp phản giáo dục”.
 
Nữ sinh đang được điều trị tại bệnh viện, hiện sức khỏe của em đã ổn định TRẦN NGỌC
Bạn đọc Thanh Binh thì bày tỏ: “Bản thân tôi cũng là một nhà giáo. Tôi không biết em Y. đã sai phạm gì, nhưng dù sao thì nhà trường cũng không nên xử lý em như vậy. Giáo dục là phải tạo động lực, em Y. hãy còn nhỏ, xin đừng đối xử với trẻ con như thế”.
Có con cũng đang học cấp 3, khi đọc được vụ việc này, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (sống tại hẻm 96 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM), chia sẻ nhiều lo lắng: “Tôi đọc mà xót, sao nhà trường lại có những quyết định quá cứng nhắc và phản giáo dục như vậy. Tuổi của tụi nhỏ là lứa tuổi mới lớn, nhiều suy nghĩ và hành động không kiểm soát được. Nếu các con gặp chuyện gì đó trên trường, không về nói được với phụ huynh rồi uất ức hành xử dại dột như uống thuốc tự tử thì biết phải làm sao. Thật sự lo lắng và đau xót vô cùng”.
Cũng đồng quan điểm, anh Nguyễn Trọng Nhân (kiến trúc sư, sống tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc bày tỏ: “Môi trường giáo dục lại đẩy các em đến bước đường cùng như vậy, thật sự rất xót. Từ câu chuyện này, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi rất nhiều về cách giáo dục và kỷ luật trẻ như thế nào để không xảy ra những trường hợp đau buồn như thế này”.
Kỷ luật chứ không phải là trừng trị
Nhìn nhận về sự việc này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh, thẳng thắn bày tỏ: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với biên bản kỷ luật của hội đồng trường này. Giáo dục xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng. Tôi không bác bỏ tính kỷ luật, nhưng kỷ luật chứ không phải là trừng trị. Nhà trường không phải là quan tòa, giáo dục không phải là tòa án, giáo dục là cứu người chứ không phải là để loại trừ”.
 
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng NVCC
Tiến sĩ Hoàng Dũng phân tích xuất phát từ quan điểm tâm lý thì các em đang ở độ tuổi vị thành niên, cái tôi của các em rất cao. Nhà trường cần am hiểu chuyện này để nắm bắt được cá tính từng học sinh một, và có cách xử lý, kỷ luật phù hợp chứ không phải em nào cũng giống em nào.
“Kỷ luật trong giáo dục là kỷ luật hành vi chứ không phải con người đó, chỉnh sửa và lên tiếng vì hành vi đó chứ không phải lên án vì con người đó. Vì độ tuổi của các em là độ tuổi đang dung nạp, đang trong giai đoạn thành toàn nên nếu chúng ta vận dụng kỷ luật mà không hợp lý thì rất dễ đánh đổ một con người”, tiến sĩ Dũng gửi gắm.
Cũng theo ông Dũng trong độ tuổi vị thành niên các em bị tổn thương, thì vết hằn đó sẽ theo các em suốt cuộc đời. Và nếu như không khéo thì sau này chính những điều bị hành xử đó sẽ trở thành công cụ để bù trừ trong tương lai cho đứa trẻ, đứa trẻ đó sẽ hành xử lại với những người khác như vậy, thì đây là điều rất nguy hại.
 
Giấy chứng nhận của bệnh viện về việc điều trị cho nữ sinh N.T.N.Y đã uống thuốc salbutamol tự tử TRẦN NGỌC
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng nếu việc kỷ luật không hợp lý sẽ dễ biến các em trở thành người tự ti, mặc cảm trong tương lai. Các em sẽ không còn phương hướng, mục tiêu và ý chí để vươn lên.
“Quan điểm của tôi thì phải có kỷ luật nhưng là kỷ luật diễn tả tình yêu thương. Giống như trong gia đình, ba đánh thì mẹ xoa, thì trong hội đồng kỷ luật phải có hai thế lực cân bằng, để học trò thấy mình bị phạt nhưng vẫn nhận được sự yêu thương chứ không bị đơn độc. Trong trường hợp của em nữ sinh uống thuốc tự tử vừa qua, ta thấy rõ được một điều là em đang bị đơn độc. Trong độ tuổi của các em, sự đơn độc sẽ trở thành chất xúc tác để khuếch đại phản ứng dữ dội hơn”, tiến sĩ Dũng nhấn mạnh.
Trong trường hợp này, nếu xét một cách sâu xa, tiến sĩ Dũng cho rằng nữ sinh tự tử đang bị bạo hành, bạo hành trong chính ngôi trường mà em đang theo học. Và đó là bạo hành về mặt tâm lý. Cho nên trong trường hợp này, tiến sĩ Dũng khuyên gia đình cần nhờ đến một tiếng nói trung gian.
“Nên cần có một kênh trung gian đứng ở giữa để nghe tiếng nói từ các em, nghe tiếng nói từ nhà trường. Để trong tương lai hạn chế những câu chuyện tương tự xảy ra”, tiến sĩ Dũng gửi gắm.
Theo Hoa Nữ (TNO)

Có thể bạn quan tâm