Kinh tế

Nửa thế kỷ một làng hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ tinh mơ, khi những giọt sương đêm còn đọng trên cành lá, hơi lạnh cuối năm vẫn bồng bềnh theo những đám mây bay lơ lửng trên lưng chừng đồi thông thì những người trồng hoa ở Thái Phiên (phường 12, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã vội vã ra vườn. Với người trồng hoa, đây là thời điểm chạy đua với thời gian vì chỉ còn non tháng nữa là Festival Hoa Đà Lạt năm 2012 chính thức khai mạc, và tiếp đó là Tết cổ truyền của dân tộc.

Khai hoang, lập địa

Nơi tôi đứng là trụ sở UBND phường 12, TP. Đà Lạt. Phóng tầm mắt ra xa chợt nhận thấy cánh đồng hoa Thái Phiên đã tồn tại hàng nửa thế kỷ qua giữa miền đất lạnh này như cái bao lơn hùng vĩ, bát ngát trải dài tít tắp tới tận chân đồi. Thoạt nhìn cái bao lơn lớn ấy, tuyệt nhiên không một bóng người. Thật khác với những người làm nông nghiệp quê tôi, làm nông nghiệp là lóc cóc con trâu, cái cày, cái bừa, đội nắng, đội mưa quanh năm, nền nông nghiệp quê tôi cả thế kỷ qua ngày nay vẫn vậy. Nhưng với những người trồng hoa ở Thái Phiên thì khác, họ đã làm trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước, phun thuốc sâu tự động, mưa không ướt người, nắng không tới đầu, với họ qua lâu lắm rồi cái cảnh con trâu, cái cày.

Thu hoạch hoa cúc ở Thái Phiên. Ảnh: Ngô Khắc Lịch

Tiếp chuyện với tôi, ông Hồ Ngọc Dinh- Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP. Đà Lạt niềm nở, tự hào khi kể cho tôi nghe về lịch sử làng hoa của phường mình. Theo ông Dinh, trước năm 1945, Thái Phiên là vùng đồi núi hoang vu, chỉ có vài gia đình bản địa sinh sống, đây cũng là nơi dành riêng cho vua Bảo Đại cùng các cận vệ làm nơi săn bắt thú hoang trong những ngày cuối tuần. Vào năm 1954, có khoảng 40 gia đình người Việt sống ở Xuyên Khoảng (Lào) hồi hương về sống ở Đà Lạt, nhận thấy khu vực này đồi núi thoai thoải lại có nguồn nước dẫn ra hồ Than Thở cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác cho việc lập ấp, phát triển kinh tế nông nghiệp nên các hộ trên đã thống nhất bầu ông Lê Phương Miễn làm đại diện đứng tên xin Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên lúc bấy giờ là ông Cao Minh Hiệu để quy dân, lập ấp và được Tỉnh trưởng chấp thuận.

Cuối năm 1954, nhiều gia đình từ các nơi khác chuyển tới khai hoang, lập nghiệp ở chân núi Hòn Bồ, chọn vùng sát khe suối khai khẩn đất trồng trọt, bắt đầu cuộc sống mới. Một số hộ dân từ vùng Cầu Đất cũng lui về vùng đất này xin lập nghiệp, họ đã mang theo nhiều giống hoa có nguồn gốc từ Pháp như lay ơn, cúc đỏ, hoa hồng, cẩm tú cầu… Nhờ đặc điểm về thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi nên các loài hoa được trồng ở đây sinh trưởng và phát triển rất nhanh, làng hoa Thái Phiên bắt đầu hình thành từ đó. Ban đầu, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho những gia đình người Pháp đang sinh sống ở Đà Lạt trưng bày tại nhà, một lượng nhỏ được người dân gửi đi Sài Gòn tiêu thụ.  

Năm 1956, ông Lê Phương Miễn đệ đơn xin Tỉnh trưởng đặt tên ấp là Thái Phiên để tưởng nhớ người chí sĩ yêu nước trong phong trào “Việt Nam Quang Phục Hội” do Phan Bội Châu khởi xướng. Đồng thời Thái Phiên còn có nghĩa là vùng đất quy tụ dân sinh, an cư lạc nghiệp, phát triển lâu dài. Cái tên làng hoa Thái Phiên có từ ngày đó.

Làng hoa công nghiệp

Sau nửa thế kỷ gây dựng, từ một khu đất hoang vu với các loại cây bụi rậm rạp, đến nay Thái Phiên đã trở thành một vùng đất trù phú, một làng hoa công nghiệp nổi tiếng cả nước với trên 300 ha hoa các loại nhưng chiếm chủ đạo vẫn là hoa cúc. Cả phường đã có trên 1.100 hộ trồng hoa, sản lượng hàng năm đạt trên 300 triệu cành. Thái Phiên cũng là vùng trồng hoa cúc lớn nhất TP. Đà Lạt chiếm trên 90% sản lượng. Ngày nay, người Thái Phiên vẫn thường tự hào về điều đó vì khi nhắc tới hoa cúc là mọi người nghĩ tới Đà Lạt, và, khi tới Đà Lạt muốn ngắm nhìn hoa cúc thì phải tới vùng đất Thái Phiên.

Ông Hồ Ngọc Dinh tâm sự, làng hoa Thái Phiên chỉ thật sự khởi sắc, năng suất và chất lượng hoa bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 1998 khi người dân biết áp dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất hoa như canh tác trong nhà kính, công nghệ tưới tiêu tự động, các quy trình trồng, chăm sóc hoa đã bắt đầu hoàn chỉnh. Diện tích hoa trồng trong nhà kính tăng lên đột biến từ 30 ha năm 1998 trở về trước đến nay diện tích này đã tăng lên 250 ha, sản lượng hoa tương ứng cũng từ 30 triệu cành/năm, nay đã lên trên 300 triệu cành/năm. Làng hoa Thái Phiên cũng đã quy tụ được trên 40 loài hoa cúc các loại có xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới tạo ra sự đa dạng về màu sắc, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nhờ áp dụng những tiến bộ mới trong công tác trồng và chăm sóc hoa mà năng suất và chất lượng hoa của Thái Phiên ngày càng tăng cao. Đến nay, doanh thu mỗi ha hoa của vùng đất này đã lên tới trên 540 triệu đồng/năm, trừ chi phí người trồng hoa còn lãi khoảng 160 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, Thái Phiên còn có 12 kho lạnh để bảo quản giống, 10 cơ sở ươm giống cúc thương phẩm chuyên cung cấp giống cho địa phương cùng nhiều vùng khác của TP. Đà Lạt và các huyện lân cận.

Thái Phiên ngày nay đã thay da đổi thịt, những ngôi nhà cao tầng sang trọng đang đua nhau san sát mọc lên từng ngày cho thấy cuộc sống của người dân trồng hoa nơi đây đã thực sự khởi sắc sau hơn nửa thế kỷ hình thành. Để rồi hôm nay, khi hoàng hôn buông xuống, tôi đứng trên tầng 2 UBND phường 12 phóng tầm mắt ra xa trên những cánh đồng hoa bằng nhà kính, nhà lưới ngút ngàn sáng rực ánh đèn điện, trông thật huy hoàng, lộng lẫy mà khó có thể tin được chỉ cách đây một đời người thôi Thái Phiên còn là một vùng đất hoang.

Ngô Khắc Lịch

Có thể bạn quan tâm