Kinh tế

Nước sinh hoạt : Cung không thiếu nhưng dân chưa được sử dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nâng cao tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh vừa  đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt thường ngày của người dân TP. Pleiku, vừa góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đưa Pleiku thành đô thị loại I vào năm 2020. Mục tiêu đề ra rất rõ ràng, song đến thời điểm này khoảng 55% dân số của thành phố chưa được sử dụng nguồn nước do đơn vị cấp nước cung cấp...

Ông Nguyễn Văn Hiển-nguyên cán bộ Cục Kỹ thuật Quân đoàn 3, Tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi nói: Trước năm 1975, khu vực tổ dân phố  3, 4, 5 và 6 của phường Thắng Lợi bây giờ là sân bay dã chiến của quân đội Mỹ. Để diệt cỏ mọc, Mỹ rải hóa chất; đào hầm làm kho chứa dầu. Hậu quả để lại cho đến nay là giếng nước bị nhiễm dầu rải rác theo đường vệt dầu loang. Riêng tổ dân phố 6 có 210 hộ dân thì có tới 44 hộ phải sử dụng nguồn nước bẩn, nhuộm vàng và có mùi dầu. Nhiều hộ trong tổ dân phố chỉ dám sử dụng nước giếng khoan để tắm giặt, đồng thời sử dụng nước giếng bơm thuộc Quân đoàn 3 và chở nước bình dùng ăn uống.

 

Gia đình bà Vũ Thị Thơ (phường Thắng Lợi) phải sử dụng nguồn nước nhiễm hóa chất nhiều năm nay. Ảnh: T.U

Hiện 607 hộ dân với 11.302 nhân khẩu của phường Thắng Lợi đều sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi-ông Lê Văn Quang thì nước giếng khoan ngày nay không còn đảm bảo chất lượng như trước do nhà cửa xây san sát nhau, rất dễ ngấm chất thải sinh hoạt. Riêng khu vực tổ dân phố 3, 4, 5 và 6 có trên 150 hộ dân sử dụng nước giếng nhiễm dầu, nhiễm sắt ảnh hưởng đến sức khỏe. Cơ sở để khẳng định vấn đề trên là cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng đã lấy 4 mẫu nước tại khu vực nhiễm bẩn đưa đi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy tất cả các mẫu nước đem đi phân tích đều không đảm bảo cho việc cung cấp nước ăn uống và không đạt chất lượng nước ngầm; giá trị pH, nhu cầu oxy hóa học (COD) nằm ngoài giới hạn cho phép; trong đó, COD vượt từ 3 đến 10 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Trong 4 mẫu nước có 2/4 mẫu nhiễm dầu mỡ khoáng; 1/4 mẫu nước bị nhiễm sắt; 1/4 mẫu nước bị nhiễm vi sinh.
 

Tại biên bản cuộc họp giữa Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku và Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai diễn ra ngày 27-8-2015 do Sở Xây dựng chủ trì thì lý do Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai chậm thi công các điểm đấu nối đã thỏa thuận là vì đang cân đối kinh phí. Công ty cam kết sẽ thi công xong các vị trí đấu nối đã thỏa thuận trước tháng 11-2015.

Cùng với phường Thắng Lợi, nhiều khu vực dân cư thuộc các phường: Trà Bá, Diên Hồng, Ia Kring, Trà Đa, Diên Phú…. chưa có nước máy sử dụng vì mạng lưới phân phối nước thứ cấp chưa được đầu tư hoàn thiện. Hàng ngày nhân dân phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan nhưng cứ vào mùa khô thì giếng lại khô kiệt nước nên phải mua nước bình về dùng. Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND phường Diên Hồng-ông Vũ Tiến Anh cho biết: Phường Diên Hồng còn khoảng 1.000 hộ dân thuộc các tổ dân phố 9, 10, 11, 12, 13 chưa được sử dụng nước máy. Người dân đã gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền và nêu kiến nghị tại các buổi đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri; thậm chí còn đề nghị được đóng góp cùng đơn vị cấp nước xây dựng hệ thống đưa nước về theo cách công ty đầu tư đường ống dẫn nước, các hạng mục sau đồng hồ nước vào nhà dân tự bỏ kinh phí đầu tư nhưng mấy năm qua mong muốn chính đáng của nhân dân vẫn chưa được thực hiện.

Theo tổng hợp của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai, TP. Pleiku hiện có trên 49.000 hộ dân; trong đó mới có 15.000 hộ sử dụng nước máy do Công ty cấp cung cấp, chiếm trên 30%; số hộ còn lại sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nguồn nước không đảm bảo chất lượng, lại bị khô kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Giải quyết nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh ổn định  của người dân, tỉnh cho phép Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku đầu tư xây dựng mới nhà máy công suất 30.000 m3/ngày/đêm tại xã Biển Hồ và chính thức đưa vào vận hành và khai thác vào tháng 6-2015.

 

Nước nổi váng dầu là thực trạng chung ở các hộ dân hẻm 188 đường Âu Cơ, tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi. Ảnh: T.U

Theo hợp đồng mua bán sỉ nước sạch số 01/SGPK-HĐBS ký kết ngày 25-2-2014 giữa Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai và Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku thì khối lượng nước bán sỉ năm thứ nhất (tính từ thời điểm Nhà máy Nước Biển Hồ đưa vào vận hành) là 10.000 m3/ngày và lũy kế tăng dần vào những năm tiếp theo khi đạt mức 30.000 m3/ngày. Cụ thể hóa hợp đồng mua bán sỉ nước sạch trên, 2 công ty đã thống nhất 13 vị trí đấu nối đưa nguồn nước từ Nhà máy nước Biển Hồ vào hệ thống cấp nước hiện có của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai. Tuy nhiên, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai phối hợp Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku mới đấu nối được 4/13 điểm tại khu vực Biển Hồ, đường Trường Chinh (phường Trà Bá), đường Đặng Văn Ngữ (xã Trà Đa) và khu vực Cầu sắt đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Hoa Lư); trong số 4 điểm đã thực hiện đấu nối mới chỉ có 2 điểm tiếp nhận nước là điểm Biển Hồ sản lượng tiêu thụ 1.900 m3/ngày cung cấp cho 1.800 hộ dân và Trường Chinh, sản lượng tiêu thụ 700 m3/ngày phục vụ cho hơn 700 hộ dân.

Thời gian tiếp nhận nước từ 9 giờ đến 18 giờ. 9 điểm còn lại vẫn chưa thực hiện đấu nối để tiếp nhận nguồn nước. Lý giải sự chậm đấu nối tiếp nhận nguồn nước này, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai cho biết: “Các điểm nối tiếp nhận nước còn lại Công ty đang khảo sát và triển khai đấu nối trước tháng 12-2015. Một mặt do nhu cầu sử dụng nước của bà con ít, mặt khác hệ thống cấp nước cũ không đảm bảo kỹ thuật nên chưa thể thực hiện việc tiếp nhận thêm sản lượng nước từ Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku để cấp nước đến nhiều khu vực như mong muốn”.

Quang Văn-Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm