Báo xuân

Nuôi chim yến trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở độ cao hơn 530 mét nhưng chiều xuống hàng trăm chim yến chao liệng mấy vòng rồi chui vào tầng cao tòa nhà. Tiếng loa phát ra âm thanh đồng loại ríu rít mời gọi. Phố xá lên đèn, yến cặp nào yên tổ ấy, âm thanh chuyển sang du dương, êm dịu, vỗ về giấc ngủ cho chúng.

Trên 500 mét vẫn nuôi được yến

Nghe tin anh Dương Chuyện nuôi chim yến ở TP. Kon Tum tôi ngờ ngợ. Loài yến lâu nay sống ở đảo xa ngoài biển khơi, làm tổ trên những vách đá cheo leo. Rồi một số người các tỉnh ven biển mô phỏng đảo yến, làm nhà mời gọi chim yến bay về. Nghề nuôi chim yến ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận… bước đầu gặt hái thành công. Có người khẳng định đây là mỏ vàng trắng, mỗi tháng có tiền tỷ từ thu hoạch tổ yến.

 

Tổ yến đầu tiên trên Tây Nguyên được thu hoạch. Ảnh: H.K

Tìm hiểu trên mạng internet về nghề nuôi chim yến, thấy thông tin khá ít, đa phần là các địa chỉ quảng cáo xây nhà cho yến. Một vài thông tin khẳng định các tỉnh ven biển nước ta nơi nào có nước có cây là nuôi được chim yến. Loài chim này sống trong điều kiện môi trường nắng ấm, từ độ cao 500 mét trở xuống. Vậy mà TP. Kon Tum cao trên 530 mét vẫn nuôi được yến đấy.

Anh Dương Chuyện cho biết, cái duyên nuôi chim yến của anh hết sức tình cờ. Anh vào thăm trại yến của ông Nguyễn Công Khế-nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên ở TP. Hồ Chí Minh. Ông Khế là một trong số người nuôi yến thành công. Liên tưởng tới cây dừa trước nhà, đêm đêm thấy những đôi chim bay về trú ngụ, không biết đấy là yến hay én, đem việc hỏi những người hiểu biết về yến, họ khẳng định: Nhà anh có thể nuôi được yến.

Loài trú ngụ trên tàu dừa, ngủ như dơi là yến. Chim yến chân có màng nên khi ngủ bám mình đu đưa để lúc thức dậy chúng thả mình xuống khoảng không lấy đà bay lên. Chim én chân khỏe hay ngủ trong những nhà hoang. Ông Khế nhiệt tình “chuyển giao công nghệ” nuôi yến cho anh Chuyện, cử ông Bảo-một chuyên gia mang máy móc thiết bị lên dò yến nhiều nơi ở tỉnh Kon Tum từ Kon Plông, Kon Rẫy, đến Đak Hà, rồi về TP. Kon Tum… Cuối cùng, khu vực phường Thắng Lợi có thể nuôi yến. Sẵn lô đất vườn nhà rộng rãi chưa biết làm gì, anh Chuyện bàn với vợ xây nhà cho yến.

Nhà nuôi yến phải đảm bảo độ cao, rộng để yến bay về có chỗ chao liệng trước khi đậu vào tổ. Kích thước nhà yến của anh Chuyện ngang 9 mét dài 16 mét cao hơn 13 mét chia làm 2 tầng có thể làm nơi trú ngụ 4.000 cặp yến. Nhà nuôi yến phải đảm bảo độ sáng, độ ẩm, thoáng khí, sạch. Máy phun sương tự động giữ độ ẩm luôn đạt mức 80%. Khu nuôi yến phải có máy phát âm thanh mời gọi yến. Công trình hoàn thành tháng 1-2012, sau một năm đã có tầm 50-60 cặp yến về xây tổ.

Nuôi yến đem lại lợi nhuận cao

Theo khẳng định từ những người nuôi yến có kinh nghiệm, trường hợp như cơ sở của anh Chuyện là nuôi yến thành công. Người nuôi chim yến hay đùa rằng loài này có đủ 4 đức: Nhân, nghĩa, trí, tín. Nhân là vì chúng hiền hòa, không khi nào đánh đập, cắn xé tranh giành mặc dù sinh sống cả hàng ngàn cặp trong không gian chật hẹp như vậy. Nghĩa là bởi chúng thủy chung son sắt, cặp nào ở riêng cặp ấy, không chung chạ, thay đổi bạn tình.

Loài yến có trí nhớ tuyệt vời, chúng đi tìm mồi có bán kính lên đến 200 km song vẫn nhớ đường bay về, nên gọi là trí. Còn tín là tín nghĩa, sống ở đâu thường gắn bó hết đời này đến đời khác chỗ đó, ít khi thay đổi chỗ ở, trừ trường hợp môi trường ở đó không đảm bảo.

Nuôi yến không phải chăm nom, cho ăn cho uống như gia súc gia cầm, vì thế chỉ cần bỏ ra chi phí ban đầu và tiền điện rất ít hàng tháng, nhà nuôi yến có thể thu hoạch hàng trăm năm. Vài ba năm sau khi yến về, sinh sản lên khoảng ngàn cặp, xem như việc nuôi yến thành công. Mỗi đôi chim yến hàng năm sinh sản 2-3 lần, mỗi lần sinh 1 cặp yến con. Cứ thế đàn yến sinh sôi theo cấp số nhân. Đây là lúc người nuôi có nguồn thu nhập lớn từ tổ chim yến.

Yến là loài vật chăm chỉ, chúng dậy sớm từ 5-6 giờ khi hừng đông vừa ló dạng, bay liên tục suốt ngày trên trời kiếm động vật phù du làm thức ăn. Mãi chiều tối, khi mặt trời sắp xuống núi yến mới bay về. Những cặp nào có con nhỏ thì về trước, số thong dong chưa con chưa cái về sau.

Tổ yến là nguồn thức ăn bổ dưỡng mà loài người phát hiện ra khá sớm, cho đến nay lượng cung quá bé so với cầu. Vì thế không lo gì đầu ra. Khi đàn yến đã lên khoảng 3-4 ngàn cặp việc khai thác tổ được đẩy nhanh, vừa kích thích chúng làm tổ, vừa hạn chế yến sinh nở. Tổ yến được chúng làm bằng chính thứ nước dãi trong cơ thể nên khi xây tổ, yến sẽ hạn chế năng lực sinh sản.

Việc nuôi yến thành công ở Kon Tum mở ra nhiều cơ hội cho người dân Tây Nguyên, nhất là đối với một số vùng như Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa, Kbang, An Khê… Vốn nuôi chim yến bỏ ra một lần khá lớn từ 700 triệu đồng đến một vài tỷ đồng, song nếu thành công người nuôi yến có thu nhập ổn định rất cao.

Từ khi ngắm công trình nuôi yến của nhà anh Chuyện, đi đâu tôi cũng quan sát yến. Ngay như ở TP. Pleiku này, nơi độ cao 800 mét vẫn có khá nhiều chim yến chao liệng kiếm mồi. Từng đôi chim yến bay cao trên bầu trời báo hiệu một mùa xuân mới đầy hứng khởi lại về.

Huỳnh Kiên

Có thể bạn quan tâm