Kinh tế

ODA cho Việt Nam của Nhật có thể tới 200 tỷ yen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hầm đường bộ Kim Liên được tài trợ nhờ vốn ODA của Nhật Bản.
Phát biểu tại cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ ngày 2-11, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Izumi Arai khẳng định JICA sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam và hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Arai cho biết: “Cùng với việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẵn sàng hợp tác để cải thiện hệ thống cơ chế chính sách và đào tạo nhân lực để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam".

Ông Arai nhấn mạnh trong giai đoạn trung và dài hạn, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách đối với Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Arai nói: “Trong quá trình thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đó, nếu Việt Nam cần sự hỗ trợ về tài chính từ Nhật Bản, JICA sẽ trao đổi với Chính phủ Nhật Bản để có thể hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam".

Theo ông Arai, tổng mức cam kết của phía Nhật Bản trong tài khóa 2011 có thể lên tới 200 tỷ yen, tăng 50 tỷ yen so với tài khóa trước. Và để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định vay vốn cho 7 dự án khác của Việt Nam trong nửa sau của tài khóa 2011, vào giữa tháng 11, đoàn công tác của Chính phủ Nhật Bản sẽ sang thăm Việt Nam để thực hiện các cuộc đối thoại chính sách.

Về phần mình, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ổn định nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khủng hoảng nợ công trên thế giới. Cho đến tháng 10/2011, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được quản lý và kiểm soát khá tốt. Nền kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực như tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6%, bội chi ngân sách sẽ chỉ khoảng 4,9% GDP, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tình trạng nhập siêu giảm đáng kể, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại tệ đã tăng lên và đặc biệt là lạm phát được kiểm soát khá tốt.

Bất chấp các tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam chưa có dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo Bộ trưởng, để tiếp tục ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 và chiến lược 2011-2020, Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực.

Liên quan tới vấn đề nợ công, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay, Việt Nam vẫn trả nợ đều đặn và chưa có nợ tồn đọng. Tổng số tiền mà hàng năm Việt Nam bố trí trả nợ gốc và lãi chỉ chiếm khoảng 15-16% tổng thu ngân sách nhà nước.

Để quản lý hiệu quả nợ công, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính đã thành lập Cục quản lý nợ công. Bộ đã xây dựng xong chiến lược vay nợ công đến năm 2020 và đang trình Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng các kế hoạch trung hạn cũng như các đề án cụ thể để triển khai chiến lược này và đề án nâng cao hệ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Arai đã ký kết các hiệp định vay vốn cho 6 dự án quan trọng, với tổng giá trị lên tới 92,6 tỷ yen (1,2 tỷ USD), gồm dự án phát triển cảng biển nước sâu quốc tế Lạch Huyện; dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn Bến Lức-Long Thành); dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn; chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; dự án chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất.

Cũng trong ngày 2-11, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo của Mizuho, một trong những tập đoàn ngân hàng-tài chính lớn nhất của Nhật Bản.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm