Chính trị

Tin tức

Ông Đinh Thế Huynh đắc cử Chủ tịch Hội nhà báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 12-8 tại Hà Nội, Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) đã bế mạc sau ba ngày làm việc (từ ngày 10 đến 12-8).

Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (sửa đổi) phù hợp với tình hình hoạt động báo chí và hoạt động Hội trong giai đoạn 2010 - 2015.

Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 51 ủy viên. Ban Chấp hành đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Ban Thường vụ Hội khóa IX gồm 11 người.

Ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX phát biểu tại lễ bế mạc.
Nhà báo Đinh Thế Huynh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX.

Bốn Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX gồm các nhà báo Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII; Hà Minh Huệ, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Mã Diệu Cương, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX gồm một  Trưởng Ban, hai Phó trưởng ban và bốn ủy viên.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết với bảy nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2010-2015 gồm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; đổi mới nhận thức và tăng cường các biện pháp, các hình thức mới trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh cách mạng, nhận thức chính trị-xã hội; tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí cho hội viên; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên-nhà báo; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao; tiếp tục tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội.

Phát biểu kết thúc Đại hội, nhận định về tình hình báo chí trong giai đoạn sắp tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2010-2015 Đinh Thế Huynh cho biết trong xu thế hội nhập và phát triển, sự toàn cầu hóa về thông tin, nhất là xu hướng hòa tan công nghệ đặt nền báo chí Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, đồng thời không ít thách thức.

Về loại hình, báo chí không chỉ đơn nhất một loại hình mà đã trở thành báo chí đa phương tiện. Nhiều cơ quan báo chí có từ 2-3 loại hình báo chí. Báo điện tử có lợi thế đưa tin nhanh, kịp thời và sức lan truyền rộng nhưng đồng thời cũng tạo ra tình trạng sao chép lẫn nhau, khiến cho thông tin trở nên nhàm chán. Báo viết mất dần bạn đọc, suy giảm số lượng phát hành.

Do tác động của việc tăng giá giấy và các vật tư in khác cộng với sự sụt giảm số lượng phát hành, khó khăn thu hút quảng cáo dẫn tới nguồn thu của các cơ quan báo viết giảm mạnh. Trong khi nguồn thu bị giảm thì các cơ quan báo chí lại bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp thuần túy khác. Các cơ quan báo nói, báo hình cũng đứng trước tình hình cạnh tranh gay gắt cả về thông tin, nguồn nhân lực và nguồn thu.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh khẳng định thực trạng trên là một thách thức lớn đòi hỏi các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng nội dung và hình thức một cách toàn diện để vừa giữ vững tôn chỉ mục đích, vừa hấp dẫn, lôi cuốn công chúng. Trước thực trạng này, thái độ của người làm báo Việt Nam là chấp nhận nhập cuộc để vượt qua thách thức!

Giải pháp được ông Đinh Thế Huynh đưa ra là đổi mới, hiện đại hóa phương tiện làm báo và đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách hợp lý. Các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nhất là trình độ tiếp cận, sử dụng các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại, khai thác mọi thế mạnh, mọi tiện ích của công nghệ mới. Tổ chức các mô hình cơ quan báo chí hợp lý để phát huy mọi năng lực, sở trường của người làm báo, nhất là của những người làm báo trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, các cấp hội cần vận dụng ngay những đặc điểm hợp lý và thế mạnh của các loại hình truyền thông mới xuất hiện như blog, các mạng xã hội, truyền hình internet... vào tác nghiệp của các nhà báo. Đồng thời kiến nghị với Đảng và Nhà nước có những cơ chế chính sách hợp lý để thúc đẩy báo chí phát triển như: chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghệ làm báo; đầu tư nguồn nhân lực làm báo. Đề nghị nhà nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các cơ quan báo chí, cao nhất cũng chỉ bằng các cơ sở giáo dục-đào tạo, các đơn vị làm dịch vụ văn hóa, thể thao. Đơn giản vì báo chí là lĩnh vực đặc thù, các ấn phẩm báo chí là sản phẩm đặc biệt liên quan đến đời sống tư tưởng, tình cảm của con người.

Về vấn đề búc xúc là tình trạng nhà báo bị cản trở khi hành nghề, ông Đinh Thế Huynh cho rằng giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ như phải có hệ thống thông tin nóng để thu thập thông tin về những vụ nhà báo bị hành hung, cản trở; phản ánh thông tin nhanh và chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo thành áp lực dư luận; phản ứng kịp thời, đủ độ của các cơ quan báo chí, các tổ chức hội để các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công quyền nghiêm túc vào cuộc, xử lý.

Ông khẳng định sẽ kiến nghị pháp luật thừa nhận quá trình tác nghiệp của nhà báo là quá trình thi hành công vụ. Cản trở nhà báo hành nghề hợp pháp là hành vi cản trở người thi hành công vụ.

Hội nhà báo, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của hội viên nhà báo về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, về đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng ứng xử sao cho đúng mực, khéo léo và kỹ năng tự bảo vệ mình ở những hoàn cảnh nguy hiểm.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm